(Tổ Quốc) - Sau ly hôn, bà quyết định phải làm nhiều việc hơn cho cuộc sống của bản thân thay vì trở thành một bà nội trợ.
Yoshiko Shinohara (1934) là một người phụ nữ Nhật Bản, cha bà mất sớm, một mình mẹ bà nhọc nhằn nuôi con gái lớn khôn. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Yoshiko Shinohara sớm lập gia đình nhưng cũng nhanh chóng ly hôn.
Sau ly hôn bà không tái hôn. Shinohara không chấp nhận cuộc sống và công việc nhàm chán như hầu hết những phụ nữ Nhật thời ấy, bà chọn chuyển đến các nước châu Âu. Năm 1973 bà trở về Nhật Bản mở một công ty nhỏ chuyên cung ứng lao động thời vụ với văn phòng đầu tiên là phòng ngủ chật chội ở căn hộ tại Tokyo.
Ban đầu công ty kinh doanh rất khó khăn, bà thậm chí phải làm thêm vào buổi tối để trang trải chi phí sinh hoạt và duy trì công ty. Mãi đến 5 năm sau, công ty của bà mới có văn phòng làm việc chính thức đầu tiên.
Đến năm 2011 bà được tạp chí Fortune vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất giới kinh doanh toàn cầu. Temp Holdings - công ty cung ứng nhân lực của bà Shinohara đã cung cấp nhân sự cho 13 quốc gia khác nhau và có doanh thu 4,5 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2016.
Giá cổ phiếu Temp Holdings liên tục tăng đã đưa bà vào danh sách những tỷ phú tự thân của thế giới. Năm 2017, bà Yoshiko Shinohara sở hữu khối tài sản 1,1 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của đất nước Nhật Bản. Cùng năm đó, bà chính thức nghỉ hưu và giữ chức chủ tịch danh dự của Temp Holdings.
Sự nghiệp thành công của bà để lại những kinh nghiệm và bài học rất đáng suy ngẫm cho những người phụ nữ muốn vươn lên. Trong số đó có thể kể đến 5 điểm chính quan trọng sau đây:
1. Không ngại mạo hiểm
Chán nản với những công việc quen thuộc và nhàm chán ở Nhật Bản, sau ly hôn Shinohara chuyển đến châu Âu. Đó cũng là nơi bà được làm quen với ý tưởng về nhân viên thời vụ.
Trở về Nhật Bản vào những năm 1970, Shinohara thành lập công ty cung ứng lao động thời vụ của riêng mình. Song vào thời điểm đó làm thời vụ là bất hợp pháp ở Nhật Bản. Dẫu vậy bà cũng không từ bỏ ý tưởng kinh doanh mà sẵn sàng mạo hiểm.
“Khi ấy tôi từng tự hỏi bản thân rằng không biết ở trong tù sẽ thế nào? Phòng giam có kích thước bao nhiêu, có nhà vệ sinh hay cửa sổ không?”, bà nói với Harvard Business Review trong một cuộc phỏng vấn năm 2009.
Ý tưởng kinh doanh của bà không được pháp luật cho phép, nguyên nhân chính bởi sự hạn chế của pháp luật. Nó không hề vi phạm đạo đức, luân thường đạo lý, trái lại còn giúp ích cho rất nhiều phụ nữ.
2. Chưa bao giờ có ý định trở thành tỷ phú
Không giống như nhiều triệu phú và tỷ phú tự thân khác, Shinohara không bao giờ có ý định gia nhập nhóm người chiếm 1% dân số thế giới ấy.
Thay vào đó bà muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội thông qua kinh doanh. Nói cách khác người phụ nữ này không đơn giản chỉ hướng đến tiền bạc, bà muốn ghi dấu ấn của mình với thế giới.
3. Sự vui vẻ và hạnh phúc của bản thân là điều quan trọng nhất
Shinohana đã ly hôn ngay sau khi kết hôn chưa được bao lâu. “Tôi nhận ra rằng mình không muốn kết hôn và người đàn ông đó không hề phù hợp với tôi”, bà chia sẻ với HBR.
Việc ly hôn đã khiến bà bất hòa với mẹ và anh trai. Sau đó Shinohana quyết định rằng bà phải làm nhiều việc hơn cho cuộc sống của bản thân thay vì trở thành một bà nội trợ như hầu hết những người phụ nữ khác vào thời điểm đó.
4. Tạo cơ hội cho phụ nữ Nhật
Shinohana nói với Forbes Asia: “Sau khi kết hôn và sinh con, phụ nữ Nhật thường chỉ ở nhà làm nội trợ. Họ rất khó hoặc không muốn quay trở lại lực lượng lao động. Quan trọng hơn tất thảy là có rất ít cơ hội dành cho họ”. Lối suy nghĩ "việc quan trọng nhất của phụ nữ là nuôi dạy con cái" đã trở thành một ấn tượng khó phai mờ đối với xã hội Nhật lúc ấy.
Tuy nhiên công ty của Shinohara đã giải quyết các nan đề ấy cho phụ nữ Nhật. Người phát ngôn của công ty cho biết: “Doanh nghiệp của chúng tôi có thể phát triển mạnh là nhờ đã đáp ứng được khao khát tiềm ẩn của phụ nữ Nhật Bản”.
5. Thiết lập sự cân bằng
Ban đầu công ty của Shinohara chỉ tuyển dụng lao động nữ. Đó là hành động phù hợp với giá trị cốt lõi mà công ty xây dựng. Tuy nhiên sau đó lợi nhuận kinh doanh không được như mong đợi và Shinohara đã lên ý tưởng tuyển cả lao động nam giới.
Năm 1988 bà đã hỏi những người quản lý dưới quyền: “Nếu chúng ta đưa thêm cả lao động nam giới vào công ty thì sao?”. Câu trả lời bà nhận được là: “Không, cảm ơn. Chúng ta không cần bất kỳ sinh vật giống đực nào ở đây cả”.
Tuy nhiên Shinohara đã nghe theo bản năng nhạy bén trong kinh doanh của mình. Bà tiến hành tuyển dụng thêm lao động nam giới và ngay lập tức doanh số tăng lên. Từ đó bà đưa ra kết luận rằng sự cân bằng giữa nam giới và phụ nữ chính là xương sống cho sự thành công của công ty.
Theo: businessinsider
An Du