(Tổ Quốc) - Sáng ngày 23/4, tại khu vực sân bay Hoà Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội) diễn ra hội thi máy bay mô hình thu hút sự tham gia của nhiều "phi công". Trong đó, có những máy bay có giá lên tới hàng trăm triệu đồng được đem ra trình diễn.
Ngày 23/4, Câu lạc bộ hàng không phía Bắc tổ chức cuộc thi bay Funfly 2022 tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với sự tham gia của nhiều câu lạc bộ bay từ các tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, nổi bật với nhiều máy bay trị giá lên tới cả trăm triệu đồng.
Là người mới tham gia "thú chơi" máy bay mô hình được khoảng 3 năm, nhưng anh Nguyễn Bảo Tháp (quê Hưng Yên) được nhiều người trong giới biết đến bởi sự chịu chi cả về thời gian và tiền bạc.
Chiếc máy bay mô hình chạy bằng động cơ phản lực anh mang tới hội thi cũng là một trong số những máy bay có giá trị lớn nhất lên tới 200 triệu đồng.
Cuộc thi bay Funfly 2022 tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội) do Câu lạc bộ hàng không phía Bắc tổ chức đã quy tụ các câu lạc bộ bay từ nhiều tỉnh thành trên cả nước với hàng trăm máy bay mô hình
Anh Tháp cho biết, để lái chiếc máy bay mô hình được thành thạo thì người chơi như anh phải trả giá rất nhiều, bởi khi bay máy bay có thể gặp sự cố bất kỳ lúc nào và cái nhận lại chỉ còn sắt vụn.
"Tôi rất đam mê bộ môn này, để có được chiếc máy bay này tôi đã phải chi số tiền trên để mua phụ tùng từ nước ngoài về lắp ráp và bỏ ra nhiều thời gian đề học lái, bởi Việt Nam chưa có lớp đào tạo lái máy bay mô hình", anh Tháp chia sẻ.
Đối với người mới chơi, kinh tế thấp vẫn có thể thoả mãn đam mê bằng các loại máy bay động cơ mô tơ điện cỡ nhỏ, giá trị từ 3-5 triệu đồng.
Anh Tháp kiểm tra lại chiếc máy bay đắt giá trước giờ bay
Bạn Nguyễn Hữu Vĩnh (sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) mang tới hội thi chiếc máy bay cỡ nhỏ với kinh phí chế tạo khoảng 3 triệu đồng. Nam sinh này chia sẻ, máy bay cỡ nhỏ thường được làm từ các loại xốp kỹ thuật, giúp máy bay có trọng lượng nhẹ để dễ dàng cất cánh. Bên cạnh đó, các loại xốp này cũng đảm bảo độ cứng để người chơi có thể thiết kế mô hình máy bay.
Theo thành viên ban tổ chức, chiếc máy bay cỡ lớn tại hội thi này có giá trị trên 100 triệu đồng
"Mỗi lần xảy ra sự cố thì sẽ không thể sửa chữa, cái giá về tiền bạc cũng khá lớn", anh Tháp nói
Anh Lê Quang Tùng, thành viên ban tổ chức hội thi cho hay, cuộc thi được tổ chức với sự tham gia của các câu lạc bộ đến từ 11 tỉnh, thành (tương ứng 60 phi công và hơn 100 máy bay, trực thăng). Cuộc thi lần này sẽ diễn ra cả ngày và có các phần thi: biểu diễn trực thăng gắp vật thể, máy bay cánh bằng chui qua dây và bay tự do. Tại mỗi phần thi, ban giám khảo sẽ chấm điểm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba.
Trung tá Lại Hồng Vinh - Phó trưởng Phòng Quân huấn - nhà trường, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không không quân khẳng định, với xu thế phát triển hiện tại, việc sử dụng các loại máy bay không người lái ngày càng được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, đo bản đồ, cứu hộ…
Những chiếc máy bay trực thăng có giá từ 30-50 triệu đồng, linh kiện hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài
Việc các hội viên tham gia các hội thi theo đúng quy định của pháp luật giúp hội viên gắn kết, thể hiện chức năng giáo dục quốc phòng, kỹ thuật… từ đó phát hiện những hội viên xuất sắc để bồi dưỡng phục vụ trong các lĩnh vực đời sống, xã hội.
Các loại máy bay mô phỏng máy bay chiến đấu
Đội bay nạp nhiên liệu là xăng chuyên dùng cho máy bay trước giờ cất cánh
Các máy bay sẵn sàng cất cánh
Hình ảnh cất cánh như những chiến đấu cơ
Các phi công trình diễn kỹ thuật "treo 3D" điều khiển máy bay bay tại chỗ theo chiều thẳng đứng
Kỹ thuật bay lộn ngược với máy bay trực thăng
Các trực thăng tham gia phần thi gắp đồ từ vị trí A sang vị trí B
Đây là phần thi tương đối khó với nhiều thí sinh
Phần thi cho máy bay cánh bằng chui qua dây, những người tham gia phải điều khiển máy bay là là theo mặt đất để chui qua dây có độ cao khoảng 2m
Rất nhiều thí sinh không thể hoàn thành phần thi này do mắc vào dây. Trong chiều 23/4, các thí sinh đã bước vào phần thi bay tự do
Đặng Thuỷ - Clip: Kingpro