Chết trong phòng kín, nhiều tháng sau mới được phát hiện dù sống gần bố mẹ: Hệ quả của hội chứng Hikikomori hay vì sự vô tâm của người thân

(Tổ Quốc) - Tại sao người quá cố có thể chết trong cô độc và nhiều tháng sau người thân mới phát hiện ra?

Tháng 10/2019, ông Kamiyama Ryuji, 69 tuổi bỗng phát hiện sự bất thường từ người con trai đang sống bên cạnh ông. Anh Kamiyama Jin (39 tuổi) đã không có bất kỳ động tĩnh nào trong nhiều tháng qua. 

Khi ông Kamiyama Ryuji dùng chìa khóa dự phòng mở cửa căn nhà kề cận thì bắt gặp cơ thể con trai đang nằm trên mặt đất. Anh ta đã chết, ngoài một vài bộ phận đang mục rữa, toàn bộ cơ thể gần như khô ráo. 

Ông lập tức báo cảnh sát.

Trong quá trình giải phẫu pháp y, anh Kamiyama Jin được cho là đã qua đời từ 2 đến 4 tháng trước. Không thể xác định người chết có mắc bệnh hay bị thương trong lúc còn sống hay không. Nhưng chắc chắn, anh đã không ăn uống đầy đủ trước đó.

Được biết, anh Kamiyama Jin sống gần gia đình, sống trong cùng một khuôn viên nhỏ và nhà riêng của anh chỉ cách bố mẹ chưa đến 1 mét. Vậy thì tại sao anh có thể chết trong cô độc và nhiều tháng sau người thân mới phát hiện ra? Tại sao anh lại bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng trước khi chết?

Chết trong phòng kín, nhiều tháng sau mới được phát hiện dù sống trong một nhà: Hệ quả của hội chứng Hikikomori hay vì sự vô tâm của người thân - Ảnh 1.

Căn nhà của ông bà Kamiyama Ryuji và con trai út chỉ cách nhau vài bước chân.

Ông Kamiyama Ryuji có 2 người con trai. Người con cả cũng như những thanh niên trung lưu bình thường khác, sau khi tốt nghiệp đại học đã tìm được công việc tốt và sớm sống tự lập.

Trong khi đó, người con út Kamiyama Jin từ lúc học tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học không có gì đặc biệt. Dù vẻ ngoài ưa nhìn nhưng với tính cách hướng nội, không giao thiệp nhiều trong thời gian đi học nên sau khi tốt nghiệp vài năm, hầu như chẳng còn ai nhớ đến Kamiyama Jin nữa. 

Tại Nhật Bản, các đơn vị tuyển dụng có một định kiến kỳ quặc với những người mới ra trường, nếu không nhận được lời mời làm việc trước khi tốt nghiệp thì sau này sẽ rất khó có được công việc ở một công ty tốt. Chính vì thế mà Kamiyama Jin không thể tìm được công việc phù hợp với mình, hoặc có làm thì anh cũng nhanh chóng xin nghỉ việc. Sau đó, anh đến làm phục vụ tại một nhà hàng nhưng thời gian làm việc cũng không kéo dài.

Dần dần, anh không còn muốn ra khỏi nhà, cũng không muốn liên lạc với người khác, cách xa xã hội và rơi vào hội chứng Hikikomori. 

Hikikomori là hiện tượng những người tự giam mình trong phòng riêng, từ chối tham gia vào các hoạt động xã hội và gia đình trong thời gian dài, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình.

Ở Nhật Bản, có khoảng 1 triệu người đang mắc phải hội chứng hikikomori: Không còn khả năng đối mặt với xã hội, không đi học, đi làm, chỉ cần ăn uống ở mức tối thiểu trong phòng, xem phim và chơi điện tử. 

Chết trong phòng kín, nhiều tháng sau mới được phát hiện dù sống gần bố mẹ: Hệ quả của hội chứng Hikikomori hay vì sự vô tâm của người thân - Ảnh 2.

Đa phần những người rơi vào trạng thái tâm lý Hikikomori là đàn ông (Ảnh minh họa).

Bất lực với con trai, ông Kamiyama Ryuji và vợ giấu tình trạng của con út với những người xung quanh. Họ quyết định áp dụng một cách mà họ nghĩ rằng sẽ có hiệu quả: Không cho tiền, không cung cấp 3 bữa ăn trong ngày và không đụng vào cái "ổ" của con trai. Họ nghĩ, đến khi nào anh không chịu được nữa thì sẽ phải tự bước ra ngoài. 

Nhiều năm trước, khi còn đi làm, Kamiyama Jin có để dành được một khoản tiết kiệm. Và đến thời điểm này, khi bố mẹ đã "cắt" lương thực để "ép" anh ra ngoài, anh đã dùng nó để đặt mì ăn liền qua mạng. 

Hai căn nhà cách nhau 1 mét nên dù không có sự tương tác với nhau, cặp vợ chồng già vẫn kiểm soát được các hoạt động của con trai thông qua tiếng bước chân hay tiếng nước chảy.

Tuy nhiên, sau một mùa hè, đôi vợ chồng Kamiyama nhận ra họ đã không nghe thấy bất kỳ một tiếng động nào trong hơn 1 tháng vừa qua. Lúc này ông Kamiyama Ryuji mới vội dùng chìa khóa dự phòng mở cửa. Đây là lần đầu tiên ông mở cửa căn nhà con trai trong nhiều năm qua. Nhưng thứ đập vào mắt ông trước hết là xác chết của con trai. 

Chết trong phòng kín, nhiều tháng sau mới được phát hiện dù sống trong một nhà: Hệ quả của hội chứng Hikikomori hay vì sự vô tâm của người thân - Ảnh 2.

Một số căn phòng của những người rơi vào hội chứng Hikikomori (Ảnh minh họa).

Một số chuyên gia phân tích rằng, người quá cố đã ăn mì gói liên tục, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng trong một thời gian dài. Trước khi chết, Kamiyama Jin có vẻ như đã không ăn uống gì trong nhiều ngày, dẫn đến dạ dày trống rỗng. 

Cửa ra vào và cửa sổ đều được đóng chặt nên ruồi nhặng không thể bay vào; máy điều hòa luôn được mở, căn phòng khô ráo, chất lỏng từ xác chết được hấp thụ bởi tấm chiếu rơm nên không chảy lan trên mặt sàn. Tất cả điều kiện trên đã khiến thi thể của anh Kamiyama Jin không phân hủy nhiều mà trở thành một cái xác khô và không có mùi khó chịu. Do đó, bố mẹ anh dù ở căn nhà kế bên cũng không thể nhận ra sự bất thường sớm hơn. 

Hai vợ chồng già Kamiyama Ryuji luôn hi vọng có thể thay đổi được con trai, có thể "thức tỉnh" con trai và giúp con tái hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, người con thà chết trong cô độc còn hơn phải tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Có lẽ đến cuối cùng anh vẫn lựa chọn cách sống không làm phiền đến bố mẹ, không gây rắc rối cho bố mẹ. 

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi).

Nguồn: Zhihu

YU

Tin mới