(Tổ Quốc) - Một số người Ấn Độ ở khu cách ly đã chia sẻ những hình ảnh cho thấy điều kiện vệ sinh tồi tệ của họ với nỗi lo lắng bị lây nhiễm chéo.
Rhea Bhalla, một sinh viên ngành quản lý kinh doanh thực phẩm ở Mỹ, đã trở về quê hương Ấn Độ và có mặt tại sân bay quốc tế New Delhi vào ngày 16/3 vừa qua. Nữ sinh viên này ngay lập tức được đưa lên xe buýt cùng 20 người khác để đến một cơ sở cách ly tại Narela, cách đó 40km theo yêu cầu của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19.
Cô gái ở chung phòng với một người khác. Đó là một căn phòng tối tăm nhưng đó chưa phải là tất cả. Cô phải dùng chung phòng tắm với 6 người khác mà ở đây không có nước. Bồn rửa và nhà vệ sinh trong tình trạng cáu bẩn. Nơi đây cũng không có nước uống sạch.
"Nước mà họ cho chúng tôi uống được lấy ra từ một xe bồn chở nước. Khi chúng tôi từ chối uống thì chúng tôi được yêu cầu hãy uống nước lã lấy trực tiếp từ vòi nước", Bhalla cho hay.
Trước tình cảnh này, Bhalla đã gửi hình ảnh nơi cô đang cách ly cho mẹ mình. Mẹ của Bhalla sau đó đã chia sẻ lên mạng xã hội và gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội. Và khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau, nữ sinh viên trên được phép di chuyển đến một khách sạn trong thành phố.
"Tôi hiểu tầm quan trọng của việc cách ly nhưng nơi đây còn không đủ đáp ứng các điều kiện để được cách ly phòng tránh dịch", Bhalla, người đang trả 40 USD (gần 1 triệu đồng) mỗi đêm ở khách sạn cách ly cho hay.
Cũng chính vì nỗi sợ bị lây nhiễm chéo đã khiến 3 nghiên cứu sinh ở Đại học Hồi giáo Aligarh của Uttar Pradesh phải trốn ra ngoài nơi cách ly. Được biết, sau khi tự cách ly trong phòng ký túc xá suốt 9 ngày, họ được gửi đến một cơ sở cách ly khác vào ngày 18/3. 3 người này đều ở chung một phòng với 3 chiếc giường sắt riêng biệt, không có ga trải giường.
"Không có nước sát khuẩn, khử trùng tay và khẩu trang. Không có ai kiểm tra thân nhiệt cho chúng tôi hàng ngày. Sau đó, chúng tôi được biết sẽ có một người di du lịch từ vùng dịch Iran trở về ở chung phòng với chúng tôi, chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu rời khỏi khu cách ly này vì sợ lây nhiễm chéo từ người mới", Thay (28 tuổi) cho hay.
Tuy nhiên, họ đã không được đáp ứng yêu cầu này. Cuối cùng cả 3 người rời đi, bắt một chuyến tàu đến Jammu và sau đó họ gọi một chiếc taxi chở họ về nhà. Tuy nhiên, vụ việc đã bị chính quyền phát hiện và khi vừa về đến nhà, Thay đã bị cảnh sát đưa đi đến một bệnh viện địa phương để cách ly cùng 2 người khác.
"Chỗ cách ly mới cũng không tốt hơn. 3 người chúng tôi chung phòng với 4 người khác. Giường được xếp cạnh nhau. 7 người chung một nhà vệ sinh và thùng rác trong phòng thì tràn ngập rác", Thay mô tả.
Trên mạng xã hội, nhiều người Ấn Độ cũng đã chia sẻ những hình ảnh mất vệ sinh trong khu cách ly của họ. Những chiếc giường bị hư hỏng nặng, nhà vệ sinh ố vàng, bồn rửa tay cũng cáu bẩn và vòi không có nước đã được lan truyền trên mạng xã hội từ Delhi, Haryana và Maharashtra. Đa phần mọi người đều phàn nàn rằng không có xét nghiệm nào được tiến hành, không có khẩu trang, thuốc khử trùng hay xà phòng nào được cung cấp cho người cách ly.
Đã có 15 trường hợp người cách ly tại Ấn Độ bỏ trốn tại hai bệnh viện khác nhau ở Navi Mumbai và Nagpur. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người bị cách ly phải được ở trong các phòng đơn rộng rãi, thoáng mát và có đầy đủ các đồ dùng vệ sinh thân thể. Trong trường hợp không có giường đơn thì các giường phải đặt cách nhau 1 mét.
Tuy nhiên, đại diện Chính phủ nước này cho hay, Ấn Độ đã tuân theo các quy tắc cách ly và cơ sở vật chất đang được cải thiện từng ngày. Những bức hình lan truyền trên mạng xã hội là những bức ảnh cũ trước đây. Ấn Độ cũng rất thận trọng trong việc hạn chế chia sẻ số liệu chính thức về số người bị cách ly và số lượng các cơ sở cách ly. Trong khi đó, các chuyên gia y tế lo lắng rằng, các cơ sở cách ly mấy vệ sinh có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo.
"Nếu những người trong khu cách ly không duy trì khoảng cách nhất định, bồn rửa không có vòi nước hoặc không được sử dụng nước khử trùng thì có khả năng lây nhiễm chéo rất cao. Điều này có thể dẫn đến một thảm họa. Người dân nên cố gắng giữ gìn vệ sinh càng sạch càng tốt", nhà dịch tễ học Alex Joseph cảnh báo.
Nguồn: SCMP
Diệp Lục