(Tổ Quốc) - Sự gia tăng chóng mặt các ca mắc Covid-19 "nhập khẩu" đang trở thành mối lo hàng đầu của nhiều quốc gia châu Á.
Liên tiếp trong những ngày qua, số ca nhiễm virus corona "nội địa" ở Trung Quốc đại lục luôn thấp hơn ca ngoại nhập.
Đặc biệt trong ngày 18/3, Trung Quốc không ghi nhận ca bệnh nào mới trong nước nhưng có tới 34 ca nhiễm là du khách nước ngoài hoặc Hoa kiều trở về nước.
Hong Kong, Đài Loan những ngày gần đây cũng ghi nhận sự gia tăng các ca nhiễm ngoại nhập đáng kể.
Singarore hôm 19/3 báo cáo 47 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, 33 trong số này là các ca từ nước ngoài về. Một ngày trước đó, 74% trong 23 ca bệnh mới của quốc gia cũng là các ca ngoại nhập. Tình trạng tương tự được ghi nhận vào các ngày 18,17,16/3.
Hàn Quốc hôm 19/3 xác nhận có 152 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, chấm dứt chuỗi 4 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới ở dưới ngưỡng 100. Một phần trong số các bệnh nhân mới là những người trở về từ nước ngoài.
Giống như Việt Nam, các quốc gia, vùng lãnh thổ khác đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 dù đã làm rất tốt khâu phòng chống dịch.
Các chuyên gia tin rằng việc các quốc gia châu Á kiểm soát dịch tốt khiến lục địa này trở thành miền đất hứa với những người đang tháo chạy khỏi đợt dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu.
"Điều mà một số người chưa nhận ra là nó mới chỉ là thành công tạm thời chưa phải là thành công lâu dài", Ben Cowling, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong cho hay khi nói về thành công chống dịch bước đầu của một số nước.
Ông Cowling cho rằng thách thức với việc phải đối phó với các ca nhiễm trở về từ châu Âu là thực tế nhãn tiền. Nhưng trong tương lai, các nước châu Á cũng có thể sẽ phải đối mặt với các ca bệnh trở về nhiều nơi trên thế giới.
Trung Quốc gần đây gỡ bỏ một số hạn chế sau khi áp đặt các lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực. Nhưng số ca mắc Covid-19 "nhập khẩu" tại nước này tăng lên hơn 100 sau 2 tuần.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hôm 16/3 cho biết có khoảng 120.000 người vào Trung Quốc mỗi ngày từ nước ngoài kể từ khi Tổ chức Y Tế thế giới gọi Covid-19 là đại dịch hôm 11/3.
Hơn 10 tỉnh ở Trung Quốc, từ Bắc Kinh cho tới Vân Nam từ tuần trước yêu cầu du khách quốc tế, bất kể tình trạng sức khỏe hay lịch sử du lịch cách ly trong 14 ngày. Khách du lịch sẽ phải trả tiền cho thực phẩm và chỗ ở trong thời gian cách ly.
Các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. (Ảnh: Getty)
Tại Hàn Quốc, sự xuất hiện của các cụm lây nhiễm mới cũng như gia tăng các ca bệnh nhập khẩu khiến các quan chức nước này đứng ngồi không yên.
"Chúng tôi tin rằng 2 tới 3 tuần tới sẽ là thời điểm rất quan trọng", Yoon Tae-ho, quan chức y tế cao cấp của chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Đài Loan đang đóng cửa biên giới với tất cả người nước ngoài và tăng các biện pháp kiểm dịch với công dân. Giới chức hòn đảo này cũng đẩy mạnh kiểm tra các công dân từ nước ngoài trở về có triệu chứng cúm.
Cùng với đó, Đài Loan yêu cầu công dân tới từ 26 quốc gia phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.
Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long dự đoán số ca mắc Covid-19 "nhập khẩu" ở đảo quốc sư tử sẽ còn gia tăng trong những ngày tới. Ông Lý thừa nhận rằng ca bệnh "ngoại nhập" sẽ đến từ nhiều nước chứ không chỉ là 1 hay 2 quốc gia cụ thể.
Châu Á có thể phải hứng chịu đợt sóng nhiễm virus corona thứ hai.
Singapore từng được đánh gia rất cao vì hành động nhanh chóng và dứt khoát trong công tác chống dịch. Nhưng trong tuần qua, số ca nhiễm tại nước này đã tăng tới 90% lên 313 trường hợp.
Trước mối lo về làn sóng mắc Covid-19, Singapore yêu cầu những người nhập cảnh tự cách ly trong 14 ngày. Lệnh này được áp dụng từ 20/3 với tất cả công dân bất kể hành trình của họ bắt đầu từ đâu.
Hong Kong hôm 17/3 tuyên bố hạn chế đi lại với các du khách nước ngoài hoặc người Hong Kong từ nước ngoài trở về. Bất cứ ai nhập cảnh vào Hong Kong từ 19/3 phải bị cách ly tại nơi cư trú 14 ngày và chịu thêm 2 tuần giám sát y tế. Quy định này sẽ kéo dài trong 3 tháng, những người vi phạm sẽ bị phạt 3.200 USD và phạt tù 6 tháng.
"Tại một số quốc gia, số ca nhiễm bệnh đang tăng mạnh. Nếu không áp dụng một số biện pháp nghiêm ngặt, tôi e rằng các nỗ lực phòng ngừa trong 2 tháng qua sẽ bị lãng phí", Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam nói với báo giới hôm 17/3.
Một số chuyên gia y tế và các nghị sỹ thậm chí còn kêu gọi chính quyền cấm các đối tượng không phải là người Hong Kong nhập cảnh vào thành phố này.
Song Hy - VTC New