(Tổ Quốc) - Thời đại nào cũng vậy, còn gì hạnh phúc hơn là khi được tự mình quyết định và lựa chọn chồng. Chỉ có hôn nhân xuất phát từ nền tảng tình yêu thì mới có thể hạnh phúc.
Trong thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, bình thường hôn nhân vẫn là do cha mẹ hoặc bà mối sắp xếp. Các gia đình danh gia vọng tộc vẫn cố gắng tìm được một thông gia tương xứng rồi mới gả con gái vào. Thế nhưng cũng có những cặp đôi đến với nhau bằng tình yêu chân thành, dù hai bên chênh lệch rất lớn nhưng cũng chẳng ảnh hưởng đến chuyện hôn nhân.
Tiểu thư giàu có chấp nhận cưới người đàn ông nghèo
4 chị em nhà họ Trương ở Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc) là những nhân vật được ngưỡng mộ bậc nhất thời Trung Hoa Dân Quốc. Họ đều thông minh, xinh đẹp và lấy được các đấng phu quân đều là người tài giỏi, danh tiếng trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Trương Doãn Hòa là con gái thứ 2 trong gia đình. Bà không phải là người tài sắc nhất trong số 4 chị em nhưng lại xinh xắn đáng yêu, Bà thường đeo kính tròn, tóc xõa, nhìn thì cứ ngỡ là dịu dàng nhưng Trương Doãn Hòa vô cùng năng động. Sau này, bà theo học tại Đại học Quảng Hoa Thượng Hải thì danh tiếng lại càng được biết đến nhiều hơn. Bởi vậy, bà còn tham gia chụp ảnh, làm mẫu cho một số tạp chí khiến cho số lượng người theo đuổi tăng lên đáng kể.
Gia đình bà rất giàu có nhưng ông bố Trương gia lại không muốn áp đặt chuyện hôn nhân cho con cái. Bởi thế, 4 chị em gái nhà họ Trương vẫn thoải mái, tự do trong việc lựa chọn tình yêu.
Khi đang theo học ở đây, Trương Doãn Hòa là bạn cùng lớp của em gái Chu Hữu Quang. Họ Chu cũng là nhân vật kiệt xuất, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ với nhiều thành tựu xuất sắc. Tuy nhiên, đó là những gì có sau này còn hồi những năm 1920, Chu Hữu Quang chỉ là một sinh viên nghèo mà thôi.
Trương Doãn Hòa 16 tuổi thường xuyên đến nhà họ Chu thăm bạn học và tình cờ gặp anh trai của bạn. Bà ngưỡng mộ sự tinh tường và giỏi giang của Chu Hữu Quang. Họ Chu thì khỏi phải nói, mê mẩn Trương Doãn Hòa cả về nhan sắc, tính cách đến tầm hiểu biết của bà. Từ những điều đó, cả hai nảy sinh tình cảm và bắt đầu yêu nhau. “Hạt giống tình yêu” một khi đã nảy nở thì phát triển không ngừng. Họ đã có thời gian yêu đương say đắm suốt 8 năm.
Sau này, khi tỏ ý muốn kết hôn, Chu Hữu Quang không khỏi rụt rè bởi gia đình ông không môn đăng hộ đối với nhà họ Trương. Ông ngậm ngùi nói với Doãn Hòa: “Tôi rất nghèo, tôi sợ rằng không thể cho em hạnh phúc”.
Thế nhưng Trương Doãn Hòa gạt đi, đáp lại rằng: “Hạnh phúc là do chính mình tạo ra”.
Câu nói đó có đại ý rằng dù có đau khổ hay vất vả thế nào, bà cũng nguyện đồng hành cùng ông gây dựng tương lai. Cho dù tương lai đó như thế nào.
Có được sự động viên của người yêu, họ Chu đã nhờ người đến nhà họ Trương xin cưới Trương Doãn Hòa. Bình thường, nhiều gia đình giàu có chắc chắn sẽ từ chối mối hôn sự này nhưng cha Trương Doãn Hòa thì không. Ông nhìn thấy được năng lực tiềm tàng của Chu Hữu Quang và gật đầu, đồng ý cho hôn lễ diễn ra.
Trương Doãn Hòa cũng là người đầu tiên trong số những chị em gái của mình lên xe hoa vào năm 1933.
Trong hồi ức của Chu Hữu Quang, đám cưới diễn ra rất giản dị, chỉ tốn có 400 NDT và không mời nhiều khách. Trương Doãn Hòa không quan tâm nhiều đến tiền bạc.
7 chữ đau đớn khi vợ qua đời
Sau khi cưới, Chu Hữu Quang muốn đi học thêm, bà đã đưa ra số hồi môn của mình để chồng đi du học Nhật Bản. Sau khi đến đó, Trương Doãn Hòa phát hiện bản thân mang thai nên phải về Trung Quốc chuẩn bị cho việc sinh em bé. Tháng 4/1934, đứa con gái đầu tiên của cặp đôi ra đời.
Đến năm 1935, Chu Hữu Quang về nước, họ tiếp tục có em bé thứ hai là một bé trai. Tuy nhiên, đến năm 1941, con gái của họ bị viêm ruột thừa, không cứu chữa kịp nên đã qua đời. Đó là một nỗi đau đớn rất lớn khiến Trương Doãn Hòa suy sụp. Cũng may mắn Chu Hữu Quang luôn ở bên cạnh động viên và vực vợ vượt qua sự mất mát quá lớn này.
Cuộc đời của cả hai vợ chồng trải qua rất nhiều thăng trầm, có những lúc họ đều kiệt sức, chán nản trước thực tại. Tuy nhiên dù rơi vào trường hợp nào, cặp đôi vẫn cố gắng vực nhau dậy, hướng về phía trước. Trương Doãn Hòa ốm yếu, sau vài lần chịu những cú sốc lớn, bà càng trở nên yếu ớt hơn. Gạt đi tất cả, Chu Hữu Quang luôn ở bên, đồng hành với vợ.
Sau khi nghỉ hưu, cặp đôi mới thật sự sống thoải mái bên nhau, bù cho những tháng năm tuổi trẻ vất vả. Mỗi ngày, đều đặn sáng chiều, hai vợ chồng lại cầm hai tách trà đen, ngồi trước nhà trò chuyện. Hồi nhỏ, Trương Doãn Hòa có học về kinh kịch, về già, bà được chồng động viên tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này. Dù Chu Hữu Quang không hứng thú lắm với bộ môn ấy nhưng vì vợ, ông vẫn ngày ngày sát cánh cùng bà bởi niềm vui của vợ cũng là niềm vui của ông.
Những tháng năm sau này, Trương Doãn Hòa vẫn hay trêu chọc chồng chuyện không tặng quà sinh nhật cho mình. Họ Chu đặt một viên thuốc bổ vào tay vợ rồi nói: “Đây là quà, là thuốc bổ, nó sẽ mang lại sức khỏe cho nguồn sống của anh (ý chỉ Doãn Hòa là nguồn sống”. Thế mới biết, Chu Hữu Quang cũng có khả năng nói ngon ngọt đấy chứ!
Bất kể niềm vui, nỗi buồn nào trong cuộc sống họ cũng sẻ chia cho nhau. Thậm chí cô em gái út nhà họ Trương còn phải than vãn về chuyện chị gái, anh rể quá tình cảm: “Chị hai già rồi mà vẫn mê làm đẹp. Chị 80 tuổi rồi nhưng ngày nào cũng phải ăn diện. Anh ấy lúc nào cũng khen ngợi chị, đáp lại những câu hỏi về chuyện trang phục một cách say sưa mà không biết mệt mỏi”.
Thế nhưng tình yêu sâu sắc cũng chẳng chống lại được tuổi già. Tháng 8/2002, Trương Doãn Hòa qua đời vì một cơn đau tim khiến Chu Hữu Quang vô cùng đau đớn. Khi đó, họ đã trải qua 69 năm hôn nhân. Lúc vợ qua đời, ông đứng bên giường, nắm chặt tay bà thốt lên: “Một nửa bầu trời đã sụp đổ”.
Có lẽ ngay từ giây phút Trương Doãn Hòa quyết định bỏ qua khoảng cách giàu nghèo, cùng gây dựng tương lai với ông thì bà đã là bầu trời của ông rồi. Sự đau đớn phải so với điều lớn lao đấy thật sự khiến người ta phải ám ảnh, thương xót.
“Doãn Hòa kết hôn với tôi gần 70 năm, 8 năm làm bạn, tổng cộng là 78 năm. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một trong hai người sẽ đi trước. Cô ấy bỏ tôi đột ngột khiến tôi như bị sét đánh, hụt hẫng quá. Tôi suy nghĩ mông lung cả ngày, chẳng buồn động tay động chân gì”, Chu Hữu Quang buồn bã.
Sau khi vợ mất, phải rất lâu ông mới lấy lại được sự cân bằng. Chu Hữu Quang đã sống một mình trong suốt 15 năm trước khi qua đời vào năm 2017, thọ 112 tuổi. Trước đó, nhiều lần ông đã than thở rằng mình bị Chúa lãng quên nên mới sống lâu đến như vậy.
Nguồn: Sohu, Kknews
Ca Ca