(Tổ Quốc) - Ấn tượng nhất trong các cây sáo của anh Mão là chiếc sáo "khổng lồ" với độ dài 2m03, to 7cm đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam được tổ chức Guinness ghi nhận.
Sinh ra ở miền núi Tân Kỳ, Nghệ An, thời thơ ấu, Nguyễn Văn Mão (sinh năm 1987) được cha chỉ cho cách đo lòng ống tre nứa, làm sáo và học thổi sáo. Như Mão nói "không có âm thanh nào hay hơn tiếng sáo", sáo trúc và âm thanh của chúng đã đi theo anh trong suốt chặng đường sau này, khi anh gây dựng thương hiệu sáo trúc Mão Mèo với 21 cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam, doanh thu cả tỷ đồng mỗi tháng.
Từ cơ duyên với cây tre, cây nứa, sau sáo trúc, chàng trai Nghệ An lấn sân sang làm ống hút tre. Lô hàng đã xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... doanh thu lên tới 10 tỷ đồng/năm. Khi công việc kinh doanh có chút thành tựu, đơn hàng ổn định thì dịch Covid-19 ập tới.
Từ cửa hàng "3 tháng là dẹp tiệm" đến chuỗi 21 điểm bán khắp Bắc Nam
Mão nhớ lại, khi đang là sinh viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội năm thứ nhất, anh bán cây sáo đầu tiên với giá 100.000 đồng, nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên có người bạn đề xuất mua lại. Về sau, Mão vẫn lặn lội về Nghệ An tìm nguyên liệu làm sáo nhưng là để tặng cho các bạn trong câu lạc bộ, diễn đàn - nơi anh sinh hoạt nhạc cụ thời sinh viên.
Công việc "làm cho vui" giúp anh hoàn thiện rất nhiều kỹ năng khoét sáo, không chỉ với 1-2 mẫu đơn giản, Mão làm hàng chục mẫu sáo phù hợp với phong cách âm nhạc, vùng miền khác nhau, thời gian hoàn thiện sản phẩm cũng nhờ vậy mà rút ngắn lại.
"Khi số lượng tặng nhiều lên đến 200 – 300 cây thì một người bạn trong câu lạc bộ nói rằng, có thể bán rẻ để lấy tiền công, vé tàu xe đi lại. Khi ấy, tôi bán 50.000 đồng/cây sáo, so với lúc đó là 100.000 – 200.000 đồng/cây thì rẻ hơn rất nhiều. Có tuần bán được 5-7 cây, số tiền ban đầu kiếm được chỉ đủ vé tàu xe về quê nhưng vui lắm", Mão kể lại.
Sang đến năm thứ 2 Đại học, Mão đã có lượng khách lớn từ các hội, nhóm chơi nhạc cụ.
"Sinh viên đi học về đến xem sáo thường vào giờ trưa, chưa kể, mỗi lần các bạn thử sáo là ầm ĩ hết lên nên nhà chủ "đau đầu không ngủ nổi". Phòng trọ cũng chật chội, không đủ chỗ để bán. Năm 2012, khi đang học năm thứ 4 Đại học tôi đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu Sáo trúc Mão Mèo. Tốt nghiệp Đại học, tôi bắt tay ngay mở cửa hàng đầu tiên ở Nguyễn Trãi, Hà Nội", anh Mão kể.
Cửa hàng sáo trúc đầu tiên của Mão tại Hà Nội.
Quyết định mở cửa hàng chỉ bán sáo trúc của Mão vấp phải sự phản đối của rất nhiều bạn bè bởi số tiền lãi cho một chiếc sáo không nhiều, việc bán hàng online thuận lợi, tiết kiệm chi phí hơn. Đến cả chủ mặt bằng nơi anh thuê cũng ngần ngại bởi nghĩ ý tưởng kinh doanh này chỉ "3 tháng là dẹp tiệm".
"Đặc trưng của sáo là phải thử, phải kiểm tra trước khi mua, nên khi đơn hàng ở tỉnh quá nhiều tôi đã nghĩ đến việc mở thêm cửa hàng. Tính ra, với số đơn hàng nhận được thì việc mở điểm bán hoàn toàn có lãi", Mão chia sẻ về lý do mở một loạt cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam.
Cửa hàng đầu tiên anh mở đã không "dẹp tiệm" mà "sống" được đến nay và chỉ chuyển đến 1 địa chỉ khác cách đó không xa trên đường Nguyễn Trãi vì giá mặt bằng tăng. Sau 7 năm, Mão có xưởng sản xuất rộng 500m2 đặt tại Nghệ An với 21 cửa hàng ở Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Đắc Lắc… Thậm chí, anh có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đủ các loại sáo kép, sáo gỗ khớp nối, sáo Mèo... với mức giá từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng cho bộ sáo chuyên nghiệp.
Từ người mới tập nhạc cụ đến dân chơi chuyên nghiệp có thể chọn được chiếc sáo ưng ý.
Sáo Đô, Sol, La... phù hợp với nhu cầu của người chơi nhạc cụ.
Chàng trai Nghệ An kỳ công đi "lùng" nguyên liệu sản xuất tại khắp các vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Nghệ An, Đắc Lắc, Đồng Nai.
"Dịch Covid-19 khiến tôi cảm thấy mình như tội đồ"
Năm 2018-2019, từ xưởng làm sáo trúc, Mão nhận được một đơn hàng lẻ làm 5.000 ống hút tre. Mối hàng bất ngờ này giúp anh nhận ra tiềm năng của dòng sản phẩm thiện với môi trường, cũng là xu hướng tiêu dùng xanh trong tương lai.
Mão bắt đầu tìm kiếm, "tuyển chọn" những cây nứa đủ tuổi, đường kính 5-13mm, chiều dài đốt 20 cm cắt gọt, phơi sấy, đánh bóng, luộc và sấy khô ở mức nhiệt 120 độ. Ống hút làm sạch và được đóng gói để tránh ẩm mốc, có thể bảo quản được 2 năm khi không sử dụng.
Đơn hàng từ châu Âu như Pháp, Đức… gia tăng, cộng với nhu cầu trong nước, mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường tổng cộng 6 triệu ống hút tre. Mức giá thấp nhất với đơn hàng 1 triệu ống trở lên là 1.200 đồng/chiếc. Để đáp ứng nhu cầu và tiến đến giảm giá thành sản phẩm (500 – 600 đồng/chiếc), Mão mở xưởng tại Đồng Nai, Gia Lai, Nghệ An, Buôn Mê Thuột và Hà Nội.
"Có thời điểm, cung không đủ cầu vì gặp khó khăn về vùng nguyên liệu hay nhân công không ổn định. Ví dụ, xưởng ở Gia Lai gặp khó khăn nhất là vào mùa café, người dân không đi chặt nứa, chặt tre nữa mà đi hái café lấy công cao hơn", Mão chia sẻ.
Ông hút tre của Nguyễn Văn Mão đã xuất khẩu sang nhiều nước.
Khi công việc xuất khẩu ống hút đang phát triển, Mão chia sẻ kinh nghiệm cho rất nhiều bạn bè có chung đam mê. Nhiều người bắt đầu học tập mô hình làm ống hút giống Mão. Tuy nhiên, điều không ngờ là dịch Covid-19 ập đến bất ngờ khiến ông chủ 8X và những người bạn gặp không ít khó khăn.
"Hàng hóa bị ách tắc hàng, nên dự án ống hút đã phải tạm dừng từ đầu năm. Các xưởng cũng đóng cửa, hiện tại chỉ còn xưởng ở Nghệ An hoạt động. Có người bạn của tôi phải bỏ nghề, thanh lý toàn bộ hàng hóa, máy móc. Thực sự, họa Covid là không mong muốn nhưng nó khiến tôi cảm thấy mình như tội đồ", anh Mão trăn trở.
Anh cho hay, anh đã tối ưu lại hoạt động kinh doanh, chuỗi cửa hàng sáo trúc hiện giờ chỉ đạt doanh thu 500 – 600 triệu đồng/tháng nhưng vẫn đủ có "đồng ra, đồng vào" để tiếp tục các dự án khác. Hiện, công ty phát triển các sản phẩm hướng đến thị trường nội địa như như dao, cốc, bát… làm từ tre và đang có nguồn thu tốt.
Mão kỳ vọng, với sự kiểm soát dịch bệnh tốt của Việt Nam và tương lai vài tháng tới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khởi sắc trở lại.
Cây sáo ghi danh kỷ lục Guinness Việt Nam và thử thách 14 lần thi đại học
Trong suốt nhiều năm, làm hàng trăm cây sáo khác nhau, anh Mão không có chiếc sáo nào là ưng ý nhất, bởi cứ mỗi lần hoàn thiện mẫu mới, thì đó là mẫu anh thích nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là chiếc sáo "khổng lồ" với độ dài 2m03, to 7cm đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam được tổ chức Guinness ghi nhận.
Cây sáo đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam được tổ chức Guinness ghi nhận năm 2018.
"Ban đầu xem đoạn clip của một bạn bên Trung Quốc, thấy thổi sáo 1m5, tôi cứ thấy "tưng tức" trong người, đã vậy làm luôn sáo 2m. Sáo càng lớn và càng dài thì âm thanh càng trầm, càng hay nhưng cũng không thể làm lớn hơn nữa vì sợ không thổi nổi", Mão kể lại.
Tự nhận mình là người thích sự mới mẻ, thay đổi nên không chỉ trong công việc, Mão còn luôn thử thách mình ở các kỳ thi đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là lần thứ 14 liên tiếp anh đăng ký dự thi.
Mão đã thi 14 kỳ thi đại học để thử sức.
Anh Mão kể, năm 2006, anh trượt đại học lần đầu tiên, sau đó thi đỗ Sư phạm Toán, ĐH Sư phạm Vinh. Học xong năm thứ nhất, Mão "thấy chán" nên tiếp tục đăng ký đi thi vào đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ đó đến nay, năm nào anh cũng đăng ký đi thi, từ Đại học Thủy Lợi, Đại học Công đoàn, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng… và năm nào cũng đỗ với số điểm hầu như trên 20.
"Dù trượt cũng không nên bỏ cuộc, mọi việc hãy nhìn nó với sự lạc quan nhất thì sẽ tìm ra cách", Mão nói.
Hoàng Linh