Chàng trai 26 tuổi bán hàng thời trang với số vốn 30 triệu đồng, bật mí những mẹo kinh doanh nếu tiền ít và mặt bằng đắt đỏ

(Tổ Quốc) - Sau 4 lần kinh doanh thất bại, Tuấn trở nên "gan lỳ" hơn và cũng đúc rút được nhiều bài học quý báu để làm lại từ đầu. Khởi nghiệp với vỏn vẹn 30 triệu đồng giữa lòng Sài Gòn, tưởng khó nhưng cuối cùng Tuấn cũng đã vượt qua.

Muốn kinh doanh thành công, ngoài những yếu tố thị trường, sản phẩm... còn đòi hỏi ở người bán một bản lĩnh không khuất phục trước thất bại.

Vấp ngã vài lần cũng là cách để chúng ta tự nhìn nhận thiếu sót bản thân, từ đó tìm ra công thức bán hàng khôn ngoan hơn. Mặt khác, đôi khi khởi nghiệp chẳng bắt đầu từ số vốn quá lớn, bởi một khi có phương pháp rõ ràng thì dù ít tiền chị em vẫn có thể sinh lãi, "tiền đẻ ra tiền".

Trường hợp của Công Tuấn (sinh năm 1995) chính là sự tổng hòa của hai yếu tố kể trên. Tuy mới chỉ 26 tuổi nhưng số lần thất bại của Tuấn trên thương trường thậm chí còn ngang ngửa với một người độ tuổi trung niên.

Sau hàng loạt những dự định bất thành, Tuấn chỉ còn trong tay 30 triệu đồng nhưng cậu vẫn quyết tâm "liều" một lần nữa.

Chân dung Lê Công Tuấn.

May mắn thay, lần này Tuấn đã tự tìm cho mình lối đi riêng. Hiện tại, cậu bạn sở hữu một cơ ngơi khá ổn định và vững vàng giữa lòng Sài Gòn. Cùng đi tìm hiểu về hành trình kinh doanh mặt hàng thời trang của Công Tuấn với số vốn ít ỏi 30 triệu đồng nhé!

4 lần khởi nghiệp thất bại cùng những người bạn nhưng vẫn hừng hực khí thế kinh doanh

Sau khi ra trường, Công Tuấn bắt đầu tập kinh doanh. Hồi đó Tuấn kết hợp với một người bạn của bạn thân để bán đồ thời trang nữ nhưng sau khoảng 1, 2 tháng, công việc tiến triển xấu nên đã "đường ai nấy đi". Lần hai, Tuấn cùng một người bạn thân khác vẫn là kinh doanh đồ nữ nhưng rồi lại được tầm nửa tháng thì tan rã.

Sang lần ba, Công Tuấn vẫn tiếp tục kinh doanh với người bạn ở lần thứ hai. Tuy duy trì được hơn 2 tháng nhưng cả hai cảm thấy mất hết hướng đi, chẳng còn tìm được cách làm nên hệ quả sau cùng vẫn là "toang".

Chàng trai 26 tuổi kinh doanh thời trang nam với số vốn 30 triệu đồng, bật mí những mẹo khởi nghiệp nếu tiền ít và mặt bằng đắt đỏ - Ảnh 2.

Lần thứ tư, Tuấn tự đứng lên kinh doanh một mình mặt hàng áo sơ mi nam. Nhưng kinh nghiệm còn hạn chế, cậu bán áo với mức giá quá rẻ khiến xưởng sản xuất không cho nhập hàng. Như vậy, từ năm 2017 đến năm 2019, Công Tuấn đã thất bại tới 4 lần!

Phải đến lần thứ 5 là cuối 2019 thì chàng trai 26 tuổi mới tìm thấy mặt hàng mình có thể phát huy nhiều thế mạnh. Từ đó đến nay, Công Tuấn tập trung kinh doanh đồ nam unisex (dạng đồ trung tính).

Vốn ít 30 triệu trong tay vẫn tự tin mở cửa hàng

Xác định khách online là chủ yếu nên chỉ thuê mặt bằng giá rẻ

Nhiều người không tin vốn của Tuấn 30 triệu mà mở được cửa hàng ở Sài Gòn, nhưng điều này là hoàn toàn có thể. Cậu đã xác định rõ đối tượng khách của cửa hàng là khách online (80-85%). Lượng khách còn lại có nhu cầu tới tận shop xem hàng. Khoảng cuối năm 2019, sau nhiều đêm thao thức suy nghĩ, Tuấn cảm thấy rất cần thiết để thuê mặt bằng kinh doanh.

Trên Facebook có vài group chia sẻ, Tuấn tìm kiếm tỉ mỉ và ghi lại được 3 địa chỉ. Nhưng cậu ưng luôn địa chỉ đầu tiên mà mình tìm kiếm nên đã đặt cọc ngay trong tối hôm ấy để sáng ngày tiếp theo bắt đầu công đoạn chuẩn bị.

Mặt bằng nơi Tuấn chọn là tầng 2 của một nhà trong hẻm. Cậu nói "Khách online là chủ yếu nên không nhất thiết phải thuê mặt bằng ở mặt phố. Đơn giản mình chỉ cần nơi trưng bày đồ, hoặc khách có nhu cầu thì sẽ ghé qua xem. Vậy nên mình hài lòng với việc chi phí rẻ đổi lấy mặt bằng trên tầng 2. Bạn chủ nhà cũng tâm lý, chỉ cần cọc 2 tháng và hình thức cọc sau. Nên thời điểm ban đầu, mình chỉ cần trả tiền mặt bằng 5 triệu rưỡi."

Sắm sửa cho cửa hàng theo nguyên tắc: Không cần chỉn chu ngay tức khắc

"Khách online nhiều nên chưa cần sắm quá tỉ mỉ cho cửa hàng, ví dụ điều hòa, sơn tường phong cách. Vừa hay nền hồng trước đó kèm nền gạch rất hợp với gu thời trang unisex mà mình bán. Mình chỉ mua 4-5 sào treo đồ (150k/cái), ghế dài cho khách ngồi (1 triệu 400k), gương soi (800k), ma nơ canh secondhand (800k)." - Tuấn cho biết.

Về hàng bán, Tuấn trích ra khoảng 12-15 triệu để nhập đồ. Tất nhiên con số này chỉ đủ nhập hàng không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít, sao cho khi bày trong cửa hàng thì khách vẫn thoải mái ngắm nghía, lựa chọn. Tựu trung lại, bí quyết của Tuấn là cái gì thật sự cần thiết hẵng bỏ vốn để phát triển, tu sửa. Những yếu tố còn lại hoàn toàn cải thiện được dần dần.

"Nhiều bạn vốn ít chưa biết nguồn hàng ổn định hay không, cách chạy quảng cáo hay phân khúc khách hàng mà đã vội mở cửa hàng cũng như sắm sửa quá đầy đủ thì sẽ bất lợi nếu gặp chuyện không may."

Không nhập hàng 100% mà đan xen yếu tố tự may, thiết kế

Nếu toàn bộ sản phẩm của cửa hàng là nhập về thì sẽ gặp một vài bất lợi như tính độc đáo, phong phú, tính thương hiệu chưa cao, thậm chí nhiều hàng nhập còn là "fake", ảnh hưởng uy tín, chất lượng không quá tốt. Nếu nhập hàng quá chất lượng thì giá lại đắt - không phù hợp khách học sinh, sinh viên.

Do đó, một lượng sản phẩm của shop, Công Tuấn lựa chọn may, cốt là để tự quyết định vải, form, họa tiết... Áo phông là sản phẩm may đầu tiên, sau đó là quần âu, áo blazer, áo sơ mi, quần jeans... Đặc biệt, khi tự may, việc bán hàng cũng khiến Tuấn tự tin hơn hẳn. Bởi cậu bạn kiểm soát được chất lượng, giá cả. So với hàng nhập thì hàng may giá cao hơn một chút.

Tận dụng các nền tảng MXH để bán hàng

Thời gian đầu, cửa hàng chẳng nhiều khách, nhất là khi mặt bằng khó để tiếp cận khách vãng lai. Sản phẩm nhập khó cạnh tranh, một ngày bán được khá ít, tầm chục cái áo, quần. Tổng kết lợi nhuận chỉ vừa đủ trả lương, mặt bằng, chạy quảng cáo. Khi ấy, chạy quảng cáo trên Facebook cũng không thực sự hiệu quả.

Thế rồi Tuấn nghĩ bản thân cần mở kênh Tik Tok. Đây là 1 MXH đang có tốc độ phát triển nhanh, đối tượng dùng cũng chủ yếu là bạn trẻ nên chỉ cần chăm chỉ làm clip là có thể tiếp cận tệp khách hàng tương đối lớn. Hiện tại, kênh Tik Tok mà Tuấn xây dựng sau 1 năm đã đạt gần 88K lượt theo dõi với 1,2 triệu thả tim.

Khi dùng phương pháp quảng cáo, cậu bạn khuyên chị em nên theo dõi, đo lường liên tục để kịp thời thay đổi. Ví dụ như Tuấn đã chuyển từ Instagram sang Facebook, rồi từ Facebook sang Tik Tok khi cảm thấy hình thức cũ không còn hiệu quả để đảm bảo tiết kiệm tiền.

Coi việc kinh doanh là một điều vui vẻ, không quá áp lực, lo lắng

Không giống như nhiều người kinh doanh khác, Công Tuấn chưa từng ghi chép lại quá tỉ mỉ các khoản thu, tiền công nhân viên, chi phí... bởi cậu cho biết những con số quả thực dễ khiến chúng ta đau đầu, áp lực. Tuấn luôn làm mọi thứ một cách vui vẻ, nhẹ nhàng. Có lẽ chính điều này đã giúp cậu vượt qua tới 4 lần thất bại. Sau khi trừ các chi phí kinh doanh, nguồn thu của công việc vẫn đủ để Công Tuấn sinh hoạt thoải mái và tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nguồn ảnh: NVCC

M.B

Tin mới