(Tổ Quốc) - Hy vọng những chia sẻ của chị Hường sẽ giúp các mẹ có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Chọn bệnh viện để sinh con cũng là một vấn đề tốn nhiều thời gian và công sức của các mẹ. Làm sao để lựa chọn được một bệnh viện vừa phù hợp với nhu cầu, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn tốt, dịch vụ ổn nhưng chi phí không quá cao không phải là điều dễ dàng.
Giữa tháng 7 vừa qua, chị Nguyễn Thu Hường (Phủ Lý, Hà Nam) đã vượt cạn thành công tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau quá trình sinh nở và lưu trú tại bệnh viện, chị Hường cảm thấy rất hài lòng về tất cả mọi mặt.
Đội ngũ y bác sĩ chuyên môn tốt, nhẹ nhàng, nhiệt tình, chu đáo
Chị Hường cho biết, bé đầu chị sinh ở bệnh viện tuyến tỉnh. Đến khi sinh bé thứ hai, chị quyết định tham khảo các bệnh viện tuyến trung ương.
Chị Hường ưu tiên các bệnh viện có đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, do sinh vào mùa hè nóng bức nên chị muốn chọn một bệnh viện có chất lượng dịch vụ tốt. Bệnh viện 108 đáp ứng đủ các tiêu chí mà bà mẹ này đưa ra nên chị quyết định vượt cạn lần hai ở đây.
Ở bệnh viện 108, sản phụ phải làm hồ sơ sinh từ tuần 28 (nếu muộn hơn sẽ bị từ chối) và theo khám định kỳ các mốc 28-32-36-38 tuần, đồng thời thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước khi sinh. Điều này khiến chị Hường cảm thấy yên tâm hơn dù phải đi lại khá vất vả và xếp hàng mỗi khi đi khám.
"Mình đi khám như bình thường ở khu nhân dân, đăng ký hồ sơ sinh và không chọn bác sĩ đỡ đẻ. Đến khi vỡ ối đi đẻ thì lên thẳng tầng 9 toà nhà 21 tầng. Lưu ý là khi đi đẻ chỉ có 1 người nhà được đi cùng sản phụ thôi. Đẻ ở khu nhân dân cũng không có dịch vụ gây tê ngoài màng cứng.
Mình sinh sớm hơn dự kiến nhiều nên đến khi đi đẻ đồ còn chưa chuẩn bị đủ, đi vay từ cái bỉm cho mẹ. Nhưng mỗi phòng đều được bệnh viện chuẩn bị khăn mặt, xà phòng, bàn chải, lược... nên khi đi đẻ chỉ cần mang theo bỉm mẹ, bỉm con, bình pha sữa, bình giữ nhiệt, khăn giấy khô đa năng, quần áo mẹ, quần áo con mỗi người 1 bộ, khăn sữa, khăn quấn bé phòng khi bộ đồ của bệnh viện bị bẩn, giấy tờ khám thai, chứng minh thư, sổ hộ khẩu và thẻ bảo hiểm y tế" - chị Hường chia sẻ.
Nhận xét về thái độ của bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại đây, chị Hường khá hài lòng vì được mọi người quan tâm một cách nhẹ nhàng, chu đáo, nhiệt tình. Hàng ngày, các y, bác sĩ sẽ đến khám cho cả mẹ và con, phát thuốc và nhắc nhở sản phụ uống thuốc đầy đủ, đúng giờ.
Phòng nghỉ sạch sẽ, thoáng đãng, đi đẻ như đi khách sạn nghỉ dưỡng
Về dịch vụ tại bệnh viện, chị Hường nhận thấy phòng nghỉ rất sạch sẽ, thoáng đãng. Chị Hường ở phòng tự nguyện C, có giá là 800 nghìn đồng/ngày (bao gồm cả 200 nghìn đồng cho người nhà), 2 sản phụ/phòng và có giường phụ cho người nhà.
Tùy theo hạng phòng mà người nhà được ở lại thời gian bao lâu, duy nhất có hạng A là người nhà được ở lại 24/24. Mỗi ngày sản phụ được phục vụ 3 bữa chính, bữa sáng là cháo, bữa trưa và tối là cơm, thực đơn đa dạng, ngon miệng. Người nhà được phục vụ 1 bữa sáng với món phở hoặc bún.
Chị Hường cho biết thêm ở bệnh viện 108 quy định giờ thăm bệnh nhân và người nhà chăm rất nghiêm nên nếu mẹ nào sinh mổ có lẽ sẽ hơi vất vả. Còn chị sinh thường, ngay hôm sau đã có thể đi lại nhẹ nhàng nên đỡ hơn.
Tổng chi phí đi sinh của bà mẹ Hà Nam hết khoảng 6,5 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm còn 5,3 triệu đồng.
Sau lần đi sinh tại bệnh viện 108, chị Hường bày tỏ: "Nhìn chung mình cảm thấy đi đẻ ở bệnh viện 108 rất tốt, đi đẻ như khách sạn nghỉ dưỡng, không có điều gì khiến mình cảm thấy không hài lòng".
Hy vọng qua những chia sẻ của chị Hường, các mẹ sẽ có thêm những thông tin hữu ích về việc đi đẻ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tùy nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh, các mẹ hãy lựa chọn cho mình một bệnh viện phù hợp để hành trình vượt cạn diễn ra thuận lợi và nhẹ nhàng nhé.
Minh Phương