(Tổ Quốc) - Đơn giản, chế biến nhanh lại gần gũi với cách nuôi con của người Việt nên chị Anh Thư đã quyết định áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống với con gái mình.
Cũng giống như nhiều mẹ khác khi con bước vào giai đoạn ăn dặm, chị Phạm Anh Thư (hiện đang sinh sống tại Cà Mau) - mẹ bé Phạm Thiên Kim (8 tháng tuổi), rất trăn trở không biết nên lựa chọn phương pháp, hình thức ăn dặm nào. Làm sao để con hợp tác chuyện ăn uống mà mẹ lại không tốn quá nhiều thời gian? Cuối cùng, sau khi tham khảo nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau, chị Anh Thư quyết định cho bé Kim ăn theo phương pháp ăn dặm truyền thống quen thuộc.
Bà mẹ trẻ xinh đẹp tâm sự: "Theo mình, phương pháp ăn dặm truyền thống đơn giản, dễ thực hiện hơn, tiết kiệm thời gian nấu hơn những phương pháp ăn dặm khác".
Bé Thiên Kim bắt đầu làm quen với những bữa ăn dặm đầu tiên từ 5,5 tháng. Ban đầu, bé được thử các món bột: "Bé cứ ăn từ từ từng chút một rồi tăng dần số lượng. Khi thấy bé ăn tốt, mình chuyển qua cho bé ăn cháo rây. Sau 1 vài tuần thì thêm rau, củ, quả vào bột nấu cùng".
Để tiết kiệm thời gian, chị Anh Thư sử dụng bột gạo bán sẵn. Ngoài ra, có một cách khác cũng khá nhanh gọn, phù hợp với các bé giai đoạn mới tập ăn đó là nấu cháo lên rồi xay nhuyễn. Ngoài bột gạo, cháo gạo, thỉnh thoảng Thiên Kim được đổi món bằng cháo yến mạch cho đỡ ngán.
Dù theo phương pháp ăn dặm truyền thống nhưng chị Anh Thư vẫn nấu nước dùng dashi từ củ quả để tăng vị ngọt cho các món bột/cháo của con, giúp kích thích cảm giác ăn uống ngon miệng ở bé bởi giai đoạn này, các bé chưa được sử dụng gia vị.
Đến nay, sau hơn 2 tháng ăn dặm, bé Thiên Kim đã ăn thô khá tốt, có thể nhai một chút cơm hạt. Tuy nhiên, món chính của bé vẫn là cháo, còn thức ăn, chị Thư điều chỉnh độ thô tăng dần để bé làm quen với việc nhai.
Dưới đây là thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 - 7 tháng tuổi mà chị Anh Thư chế biến cho con, các mẹ có thể tham khảo.
Những ngày đầu mới ăn dặm, Thiên Kim được ăn bột gạo, sau một vài tuần thì thêm rau củ quả.
Tiếp đó mới thêm chất đạm như thịt lợn, trứng gà.
Khi bé đã làm quen với đồ ăn dặm 1 - 2 tháng, mẹ mới nên cho bé ăn tôm, lươn.
Với giai đoạn mới ăn dặm, muốn thịt, cá được nhuyễn, chị Anh Thư cho biết nên hấp chín rồi mới xay cùng với chút nước.
Mẹ Anh Thư cho biết, nếu không có thời gian làm ruốc cá hồi, mẹ có thể mua sẵn ở các cửa hàng thực phẩm mẹ và bé.
Cách chế biến lươn và cá lóc: Hấp chín, gỡ lấy thịt nạc rồi mới xay hoặc nghiền.
Với cháo tôm, bóc bỏ vỏ và nấu chín mới xay. Với cháo thịt gà, lấy phần ức và đun chín cùng nấm hương mới xay nhuyễn.
Cách chế biến cá như sau: Cá đã hấp chín đem gở bỏ xương rồi nghiền nhỏ cùng với cà rốt, khoai tây. Sau đó nấu như các món cháo khác. Riêng cháo trứng, chỉ lấy lòng đỏ trứng.
Yến mạch ngâm khoảng 30 phút rồi thay nước cho bớt nhớt. Thêm nước mới vào đun sôi tầm 3, 4 phút. Cho tiếp hỗn hợp thịt bò, rau ngót (hoặc đậu bắp, thịt lợn) đã xay vào chung. Đun tiếp cho đến khi chín thì tắt bếp, cho 1, 2 giọt dầu ăn của bé vào là xong.
Ảnh: NVCC
Bình Nguyên