(Tổ Quốc) - Sau nhiều năm sống chung với “đặc sản” mùa nồm miền Bắc, tôi đã tích trữ được cho mình kha khá bí kíp hong khô quần áo với chi phí gần như… 0 đồng.
Trong những năm gần đây, khi thời tiết chuyển sang chế độ nồm ẩm, một số gia đình miền Bắc thường lựa chọn lồng sấy, điều hòa 2 chiều hoặc máy sưởi để không còn cảnh “quần áo, giày dép phơi mãi không khô”.
Tất nhiên, những món đồ này rất tiện lợi và đem lại hiệu quả nhanh chóng, nhưng đi kèm với đó là mức giá đắt đỏ và dễ gây lãng phí điện. Một số máy khi hoạt động còn tạo ra âm thanh ồn ào, dễ ảnh hưởng tới những hộ sống bên cạnh.
Thay vì phải “bấm bụng” sắm về một trong những thiết bị kể trên và rước thêm một số rắc rối không mong muốn, bạn hoàn toàn có thể tận dụng những món đồ có sẵn trong nhà để rút ngắn thời gian làm khô quần áo.
Giấy báo
Các loại giày thể thao, giày lót bông sau khi giặt thường rất lâu khô, đặc biệt là trong những ngày trời nồm như thế này. Để rút ngắn thời gian làm khô giày, chị em có thể nhét giấy báo vào trong giày và bọc bên ngoài giày để hút nước. Sau vài lần thay giấy, đôi giày sẽ đủ khô ráo để đưa bạn đi khắp mọi nơi.
Máy sấy và túi nilon
Combo “máy sấy túi nilon” sẽ giúp bạn hong khô quần áo nhanh hơn so với phơi nắng thông thường. Trong những ngày thiếu nắng, thừa mưa như thế này thì đây sẽ là một biện pháp “cứu cánh” hiệu quả.
Đầu tiên, bạn hãy dùng kéo để cắt một góc nhỏ dưới đáy túi nilon, sau đó đưa quần áo vào túi qua lỗ mới cắt. Đưa đầu sấy của máy sấy vào túi và dùng tay túm chặt phần bao quanh lỗ, đảm bảo không để lọt hơi nóng ra ngoài. Như vậy, chiếc túi nilon đã trở thành một lồng sấy mini. Quần áo sẽ khô nhanh chỉ sau khoảng 10 phút.
Lưu ý: Cách này không áp dụng cho quần áo dày, đồ jeans.
Quạt
Sử dụng quạt là cách phổ biến và ít tốn sức nhất để làm khô quần áo. Bạn chỉ cần bật quạt ở nấc lớn nhất và xoay về phía quần áo. Gió từ quạt sẽ làm tăng tốc độ tuần hoàn của vùng không khí xung quanh. Nhờ vậy, thời gian làm khô sẽ được rút ngắn đáng kể.
Lưu ý: Dù hiệu quả hong khô tốt hơn so với phơi ngoài không khí nhưng biện pháp này cũng tốn kha khá thời gian. Tốt nhất bạn nên mở quạt qua đêm để đảm bảo đồ sẽ khô hẳn vào sáng hôm sau.
Khăn bông
Như chúng ta đã biết, khăn bông có khả năng hút thấm nước cực mạnh. Do đó, bạn hoàn toàn có thể tận dụng khăn bông để làm khô một số loại trang phục có chất liệu mỏng như áo phông, đồ lụa.
Hãy lấy 1 tấm khăn bông lớn trải lên mặt phẳng và để quần áo ướt lên trên, sau đó cuộn cả khăn lẫn quần áo lại (gập càng kỹ càng tốt sao cho diện tích tiếp xúc giữa khăn bông và quần áo là tối đa). Tiếp đến, bạn có thể dùng tay vắt khăn, trực tiếp giẫm lên khăn hoặc lấy đồ nặng đè lên trên.
Sau khi mở khăn ra, bạn hãy kiểm tra xem quần áo đã khô hoàn toàn hay chưa. Nếu vẫn còn cảm thấy ướt thì tiếp tục lặp lại các bước kể trên. Thông thường, chỉ sau chưa đầy 10 phút là chiếc áo phông của bạn sẽ khô ráo như chưa từng giặt.
Túi hút chân không và máy sấy
Có ai ngờ túi hút chân không (dạng có khóa zip) cũng có thể hỗ trợ bạn hong khô quần áo? Hãy sử dụng kèm 2 chiếc kẹp (cỡ nhỏ) để đảm bảo hiệu quả nhé.
Sau khi cho quần áo ướt vào túi chân không, bạn hãy đóng kín miệng túi, chỉ để chừa 2 khoảng hở ở 2 bên mép túi (1 khoảng lớn đủ để đưa đầu máy sấu vào và 1 khoảng nhỏ để thoát khí), sau đó dùng kẹp để cố định vị trí 2 khoảng hở.
Tiếp đến, bạn đưa máy sấy qua khoảng hở lớn để thổi khí nóng vào túi. Khí nóng sau đó sẽ thoát ra ngoài qua khoảng hở nhỏ, tạo ra tuần hoàn không khí với cường độ mạnh bên trong túi.
Sau khoảng 20 phút, nước trên quần áo gần như đã bốc hơi hết và bắt đầu khô. Lúc này bạn chỉ cần phơi quần áo ở nơi thoáng gió một lúc là có thể mặc được rồi.
Hương.H - Webuy