(Tổ Quốc) - Trên phim, NSƯT Ngọc Tản thường vào vai người bà, người mẹ cam chịu, nhẫn nhục và đặc biệt có duyên với vai bán hàng nước.
Những khán giả yêu mến phim truyền hình Việt hẳn không xa lạ với NSƯT Ngọc Tản. Bà thường đảm nhiệm vai những người bà, người mẹ quê, có gia cảnh khó khăn, tính tình hiền hậu, nhẫn nhục.
NSƯT Ngọc Tản vốn là nghệ sĩ thuộc lớp gạo cội của Đoàn kịch nói Hà Tây (nay là Đoàn III, thuộc Nhà hát Kịch Hà Nội).
NSƯT Ngọc Tản đã ở tuổi xế chiều nhưng vẫn rất "đắt show". Dù chỉ là vai phụ nhưng trong năm 2021, nữ nghệ sĩ đã xuất hiện trong ít nhất 3 bộ phim đình đám: Mùa hoa tìm lại, 11 tháng 5 ngày và Phố trong làng.
NSƯT Ngọc Tản vai bà hàng nước phim Phố trong làng.
Điều thú vị hơn nữa, nữ nghệ sĩ dường như rất có duyên với vai những bà hàng nước. Vai bà hàng nước ấn tượng nhất của NSƯT Ngọc Tản phải kể đến nhân vật cô Mùi trong Sóng ở đáy sông.
Vừa bán nước sôi, vừa là tổ trưởng tổ dân phố, bà Mùi có tính tình hiền hậu, bao dung, bà đã chở che, giúp đỡ Núi trong những ngày anh về lại Hải Phòng sau khi ra tù, lang bạt nhiều nơi. Nhờ sự giúp đỡ, bao bọc của bà Mùi mà Núi có được hơi ấm tình người trong những ngày tháng bị người thân hắt hủi, tệ bạc.
NSƯT Ngọc Tản với vai cô Mùi phim Sóng ở đáy sông.
Năm 2021, nữ nghệ sĩ tiếp tục vào vai bà hàng nước trong 2 phim là 11 tháng 5 ngày và Phố trong làng. Mặc dù xuất hiện không nhiều nhưng nét diễn mộc mạc, chân chất cộng với gương mặt hiền từ, giọng nói ấm áp của nữ nghệ sĩ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Gần như cả cuộc đời, NSƯT Ngọc Tản gắn liền với hình ảnh người bà, người mẹ quê nghèo, hết lòng yêu thương, nhẫn nhịn vì con cái. Vì "đóng đinh" với 1 dạng vai nên không khó hiểu khi khán giả cực ấn tượng với gương mặt, nét diễn của nữ nghệ sĩ, tới mức họ quên luôn tên thật của bà mà gọi bà bằng tên của những vai diễn.
NSƯT Ngọc Tản rất "đắt show" với hình tượng người bà, người mẹ nhẫn nhục, an phận.
Từng đi bộ bán 10kg giò mỗi ngày để nuôi con
Thời còn trẻ, vừa làm diễn viên sân khấu kịch, bà Ngọc Tản vừa tranh thủ bán giò chả. Gia đình chồng bà có nghề làm giò chả nổi tiếng ở đất Hà Tây – Hà Nội thời bấy giờ. Chính vì vậy, để cải thiện thu nhập, có thêm tiền trang trải trong gia đình, ngoài giờ diễn, nữ nghệ sĩ sẽ rong ruổi đem giò chả đi bán khắp ngõ phố Hà Nội.
NSƯT Ngọc Tản từng chia sẻ, thời bấy giờ nếu nghệ sĩ đi bán hàng, làm thêm sẽ bị trừ điểm thi đua. Hơn nữa, nghệ sĩ sân khấu thời bấy giờ cũng không nổi tiếng đến mức có thể dùng tên tuổi của mình để đi bán hàng như hiện nay. Thế nên bà chẳng dám cho ai biết việc mình đi bán giò chả, mà cũng chẳng ai nhận ra bà là diễn viên.
Thời trẻ, nữ nghệ sĩ vừa đi diễn vừa đi bộ bán rong giò chả.
Bà chia sẻ: "Hôm nào cũng vậy, tôi mang hàng từ nhà ở Hà Đông lên nhà bố mẹ chồng ở phố Nguyễn Trường Tộ, rồi đi một vòng Hàng Giấy, Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Mã, vòng lên phố Đồng Xuân là về".
Mỗi ngày, nữ nghệ sĩ bán được khoảng 10kg giò chả. Dù được mẹ chồng động viên nghỉ hẳn nghề diễn để về làm giò chả với gia đình, nhưng bà từ chối. Bà Ngọc Tản cho hay, không chỉ đi bán rong giò chả, bà còn tranh thủ thời gian giúp đỡ mẹ chồng làm hàng.
Cũng chính nhờ những năm tháng tần tảo này mà nữ nghệ sĩ rất được lòng mẹ chồng: "Lúc ấy khó khăn, cô phải kiếm tiền nuôi các con. Mà cũng chính nhờ cái nết đảm ấy mà cô được mẹ chồng quý như con đẻ vậy".a
"Đời tôi biết làm nhiều thứ, nhưng thạo nhất là nghề diễn và nghề làm giò chả".
Không chỉ vậy, từ việc phụ giúp mẹ chồng, NSƯT Ngọc Tản còn tự mình gầy dựng nên thương hiệu giò chả của riêng mình. Trên thực tế, nữ nghệ sĩ chẳng hề xây dựng thương hiệu, chỉ là bán hàng lâu năm, có uy tín nên cái tên của bà trở thành thương hiệu luôn mà thôi:
"Mãi đến sau này, khoảng năm 90 tôi về hưu thì mới chính thức đi bán giò chả. Lúc đó thì chỉ nói là giò của làng Ước Lễ thôi chứ chẳng có tên gì, thương hiệu Bà Tản là sau này con dâu tôi làm thì chị ấy đặt ra đấy".
Nữ nghệ sĩ từng dí dỏm chia sẻ: "Đời tôi biết làm nhiều thứ, nhưng thạo nhất là nghề diễn và nghề làm giò chả". Nếu nghề diễn là đam mê của bà thì nghề làm giò chả lại là kế sinh nhai, giúp gia đình bà vượt qua hết những khó khăn của thời cuộc, kinh tế.
Đến nay, nữ nghệ sĩ không còn kinh doanh nữa mà truyền nghề lại cho các con. Thời gian rảnh rỗi, bà nhận làm phim để cống hiến cho nghệ thuật.
An Nguyên