(Tổ Quốc) - Trong bất cứ trường hợp nào đi chăng nữa, sự tự chủ nhất là về mặt kinh tế sẽ là điều quan trọng giúp phụ nữ có được quyền tự quyết.
Với phụ nữ, đừng bao giờ phụ thuộc kinh tế vào chồng. Người đàn ông dù có yêu thương đến thế nào cũng có lúc “chẳng may” xấu tính với vợ. Đến lúc đó, nếu chuyện kinh tế bị đặt lên bàn cân thì một cô vợ không làm ra tiền sẽ yếu thế hoàn toàn trong “cuộc chiến” ấy!
01
Ngày Thảo lấy Phong, cả nhà cô suýt nữa là mở tiệc ăn mừng. Đơn giản bởi Phong là một cái tên quá sáng giá. Anh thông minh giỏi giang, 28 tuổi đã là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn. Phong kiếm tiền rất khá, tự tay mua nhà mua xe.
Thảo xinh xắn đáng yêu, học không tốt và cũng không có hoài bão gì trong công việc. Cô làm ở thư viện, lương vài triệu một tháng. Tuy lương thấp nhưng lại nhàn, không vất vả, có nhiều thời gian.
Phong tìm kiếm vợ cũng mong kiếm được một người nhàn tản như thế để lo cho gia đình. Nhà Thảo gia cảnh kém hơn nhà Phong nên khi biết con gái yêu được anh, bố mẹ Thảo mừng lắm. Họ cho rằng con gái nên cưới được người có tiền như vậy thì mới mong cuộc sống nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.
Khi còn yêu, Phong lo cho Thảo từng tí một. Cô tuy không có công việc ngon lành nhưng lại xinh đẹp, giúp Phong thỏa mãn được sự sĩ diện của đàn ông trong những lần hai người ra ngoài cùng nhau.
Hơn nữa Thảo rảnh rỗi lại hay tan làm sớm được. Bởi vậy, cô giúp đỡ Phong đến từng bữa ăn giấc ngủ khiến lúc nào anh cũng mong mỏi cô nhanh nhanh qua tuổi “kim lâu” để kết hôn.
24 tuổi, Thảo lên xe hoa. Đám cưới với Phong khiến họ hàng đều khen Thảo tốt số. Cưới chồng xong có sẵn nhà riêng, xe ô tô riêng thì chẳng mấy ai được như vậy.
Cưới xin xong xuôi, Phong đề nghị Thảo nghỉ việc ở thư viện để ở nhà chồng nuôi. Công việc của Thảo chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, đi làm cũng chỉ tốn thời gian. Chi bằng Thảo ở nhà làm người nội trợ toàn phần thì hơn. Nghe lời chồng, Thảo đồng ý. Từ đó cô có nhiều thời gian ở nhà hơn nhưng những hiểu biết về bên ngoài, cuộc sống cũng vì đó mà thu hẹp đi.
Phụ nữ đừng bao giờ dựa dẫm vào bất cứ ai hoàn toàn kể cả người đó là chồng mình. Trong bất cứ trường hợp nào đi chăng nữa, sự tự chủ nhất là về mặt kinh tế sẽ là điều quan trọng giúp họ có được quyền tự quyết.
02
Thảo ở nhà được vài tháng, khi sắp chán ốm thì cô phát hiện mình mang thai. Phong lại càng có cái cớ yêu cầu vợ mình không được đi làm. Nghĩ đến cảnh đi vài tháng lại nghỉ sinh, Thảo đồng ý với sắp đặt của chồng.
Hằng ngày, Thảo chỉ có đi chợ rồi về nhà dọn dẹp, xem phim Hàn Quốc, nấu ăn và đợi chồng về nhà. Cuộc sống của Thảo chỉ xoay quanh vòng tròn nhạt nhẽo đó.
Phong rất bận rộn, cuối tuần anh cũng tăng ca. Thi thoảng đêm về muộn do bận tiếp khách. Thảo lại càng cô đơn hơn. Nhiều lần thậm chí Phong còn chẳng sắp xếp được thời gian đưa vợ đi khám thai, Thảo phải tự làm tất cả.
Ở nhà nhiều, Thảo cũng mất dần sự hiểu biết về các vấn đề xã hội. Quần áo cũ cô chẳng buồn mua vì làm gì có dịp để mặc. Bây giờ, Thảo chỉ biết nghe lời Phong, ăn thật nhiều, ngủ thật nhiều để con cái khỏe mạnh.
Sau khi sinh con, Thảo lại càng không thể đi làm vì bận chăm sóc con cái. Phong tài giỏi đủ tiền nuôi vợ con nên cả hai không có nhiều áp lực kinh tế. Thế nhưng Thảo nhận ra bản thân mình quá thụt lùi so với chồng. Cộng với việc sau khi sinh con phải chăm sóc bé thật nhiều đêm không ngủ được bao nhiêu khiến cô như trầm cảm.
Phong bận rộn với công việc, giao toàn bộ việc nhà cho vợ và bà ngoại bà nội phụ giúp. Thảo càng ngày càng cô đơn. Cô nhận ra rằng như người bình thường sẽ có hi vọng vào chuyện sinh xong hết mấy tháng cữ để đi làm. Cuộc đời Thảo bây giờ chỉ có vòng tròn luẩn quẩn từ phòng khách đến phòng ngủ cùng con cái, tã bỉm.
Và rõ ràng việc lựa chọn nghỉ việc và ở nhà trở thành bà nội trợ toàn thời gian luôn khiến phụ nữ hối hận trong đó có Thảo. Nếu người đàn ông chẳng biết cảm thông thì mọi thứ còn thảm họa hơn nữa.
03
Công việc của Phong chẳng phải lúc nào cũng thuận lợi. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, công ty của Phong làm ăn không được. Từ lương thưởng đến các dự án bên ngoài của Phong bị ảnh hưởng.
Những phi vụ đầu tư của Phong cũng thất bại khiến tình hình kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt hóa đơn thì vẫn đến, nuôi con bỉm sữa tốn kém… từ việc vui vẻ đưa tiền cho vợ, Phong dần trở nên cau có. Nhiều lúc anh bóng gió xa gần bảo Thảo nên biết cách co chi tiêu lại bởi “anh không phải cái thùng không đáy”.
Từ một người xinh đẹp hoạt bát, Thảo trở nên trầm lắng, sợ hãi mỗi khi nhắc đến chuyện tiền với chồng. Không làm được một xu, đến tiền mua que tăm cô cũng phải xin. Thảo lại càng e ngại chồng hơn.
Trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, Thảo phát hiện chồng cho em gái vay một số tiền rất lớn. Cô không bao giờ nghĩ keo kiệt chuyện cho người nhà vay tiền nhưng cả hai là vợ chồng, tốt xấu gì Phong cũng nên nói qua cho vợ một câu. Thế nhưng Phong âm thầm làm mà không nói, chẳng cần bàn đến.
Khi Thảo dè dặt hỏi han chuyện đó, Phong chỉ đáp ừ. Cô nghĩ mãi rồi cũng bảo thêm rằng tại sao anh không nói trước với mình, dù sao báo với vợ một câu cũng đâu tốn thời gian. Vả lại chuyện này khá lớn chứ cũng không nhỏ. Tức thì, Phong quay sang nói thẳng:
“Tiền tôi làm ra, tôi muốn tiêu thế nào là chuyện của tôi. Cô chẳng có quyền gì với tiền của tôi hết cả. Nói là cho vay chứ tôi có cho hẳn cô cũng chẳng nói được gì”.
Những câu lạnh lùng từ Phong khiến Thảo choáng váng. Cô không ngờ chồng mình lại có thể tàn nhẫn đến như vậy. Hai vợ chồng cưới nhau, cả hai bình đẳng, chẳng phải làm việc gì cũng nên bàn bạc qua hay sao. Không chỉ chuyện này, những chuyện trước đó khiến Thảo chán nản. Cô nhận thấy sai lầm của chính mình, không có tiền, không có thu nhập, Thảo chẳng có chút giá trị hay tiếng nói nào trong nhà.
Thế nhưng bây giờ Thảo cũng không có quyền tự quyết bởi không có tiền. Bỏ việc sau khi kết hôn, phụ thuộc kinh tế, ru rú ở nhà... Thảo đã tự khiến cuộc đời mình bước vào ngõ cụt.
Thế mới nói, phụ nữ dù có chuyện gì xảy đến cũng nên tự chủ, tự biết cách đứng vững trên đôi chân của mình. Đừng nghĩ đến chuyện ở nhà nội trợ bởi đôi khi hành động ấy sẽ khiến giá trị của chính cô thay đổi hoàn toàn.
Ca Ca