(Tổ Quốc) - Cây cầu Long Biên được ví như "chứng nhân lịch sử" của thủ đô Hà Nội đang dần xuất hiện những biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Sự sụt giảm chất lượng mặt cầu cũng như các kết cấu liên quan sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu giao thông, giao thương của nhân dân Thủ đô.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, nối liền hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của thành phố Hà Nội. Được khánh thành vào năm 1902, cây cầu đã chứng kiến những thăng trầm của Thủ đô qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ.
Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ đưa vào sử dụng, đến nay cầu Long Biên đã xuất hiện những dấu hiệu rõ rệt của sự xuống cấp. Đi dọc theo cầu, có thể thấy nhiều dấu tích hư hại từ mặt cầu, thành cầu đến lan can và làn đường dành cho người đi bộ.
Làn đường dành cho xe cơ giới có nhiều đoạn kém chất lượng. Mặt đường lồi lõm và gồ ghề, khiến các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ để tránh xóc. Trong giờ cao điểm, tình trạng giao thông trên cầu dễ xảy ra ùn ứ do các phương tiện di chuyển chậm, tránh ổ gà.
Ngoài những đoạn đường gồ ghề, mặt cầu còn xuất hiện nhiều "lỗ thủng", có thể nhìn thẳng xuống mặt nước sông Hồng. Nhiều ổ gà lớn choán hết mặt đường gây khó khăn cho việc đi lại.
Trên làn đường đi bộ, nhiều đoạn lan can rỉ sét, đứt rời khỏi phần kết cấu ban đầu. Các tấm bê tông cũng có dấu hiệu bị bong tróc, sạt lở và có thể gây nguy hiểm nếu vô tình vấp phải. Tại những đoạn đường nứt nẻ, các tấm thép được sử dụng để gia cố. Tuy nhiên, bề mặt vẫn chưa có sự bằng phẳng và chắc chắn mà người dân mong muốn.
Chị Lê Hương, (38 tuổi, ngụ P. Sài Đồng, Q. Long Biên), một tiểu thương bán rau di chuyển qua cầu Long Biên mỗi ngày, chia sẻ: "Vừa đi, tôi vừa phải lựa tránh ổ gà để đảm bảo an toàn cho bản thân và hàng hóa không bị dập nát. Tôi đi nhiều đến mức thuộc luôn đoạn đường nào có ổ gà, có lỗ thủng".
Còn bác Bùi Văn Trí, 65 tuổi, có thói quen đạp xe thể dục mỗi buổi chiều trên cầu có cái nhìn lạc quan hơn: "Dùng lâu thì cái gì cũng phải hỏng. Cây cầu hơn một trăm năm, không thể mong nó mãi mới như lúc đầu. Chỉ mong sự sửa chữa sẽ cải thiện và khắc phục tối đa cho nó".
Ngoài sự xuống cấp hiển hiện rõ ở cây cầu, ta có thể bắt gặp những cảnh tượng "chưa thuận mắt" ở cầu Long Biên: các thanh niên trèo lan can vào đường tàu để chụp ảnh và dạo chơi, phương tiện giao thông đi ngược chiều, đi xe trên làn đi bộ,… Những cảnh tượng ấy không chỉ ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn gây ra hậu quả khó lường.
Cầu Long Biên không chỉ là sự kết nối giao thông trong nội đô mà còn có ý nghĩa văn hóa – lịch sử quan trọng, trở thành điểm du lịch độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, yếu tố an toàn cần được ưu tiên hàng đầu để có sự phát triển lâu dài cho ngành du lịch, giao thông nói riêng và xã hội nói chung.
Cận cảnh những dấu hiệu kém chất lượng ở mặt cầu Long Biên:
Thanh Hiền