(Tổ Quốc) - Trong dịp 1/6, những món quà tinh thần đã được gửi đến các em nhỏ tại Khoa Ung bướu- Bệnh viện Nhi Trung ương. Những đứa trẻ dành toàn bộ tuổi thơ của mình trong những căn phòng chằng chịt thiết bị để chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.
Là nơi tiếp nhận và điều trị nội trú các bệnh nhân ung thư trẻ em, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Nhi Trung ương có những đứa trẻ dành toàn bộ tuổi thơ của mình trong những căn phòng chằng chịt thiết bị.
Căn bệnh Ung thư khiến chúng đau đớn, nhọc nhằn và khổ sở. Chỉ khi tiếp xúc trực tiếp, được chứng kiến nỗi đau của các em, nhiều người trong chúng ta mới hiểu mình may mắn đến nhường nào. Những cái đầu trọc lóc, tay cắm ống tiêm, khuôn mặt nhăn nhó, kể cả trong giấc mơ, chúng cũng chẳng thể thoát khỏi vòng tuần hoàn bệnh tật.
Những chiến binh nhí trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Khu hành lang cho đến giường bệnh hôm nay bỗng tươi vui hơn mọi ngày đối với những đứa trẻ và những người thân của chúng, bởi sự xuất hiện của những siêu anh hùng ngoài đời thực, điều mà hằng ngày trên các em chỉ được xem qua màn hình điện thoại, ti vi.
Đang bắt đầu tuần thứ 2 nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi vì căn bệnh ung thư máu, em Phạm Thế Trung Kiên (6 tuổi, quê Hà Tĩnh) không giấu được niềm vui khi nhìn thấy các siêu anh hùng trực tiếp đến bên giường bệnh tặng những món quà nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Huyền (mẹ em Trung Kiên) xúc động chia sẻ: Kiên đang là một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác thì đầu năm nay gia đình chị bỗng suy sụp khi phát hiện con trai mình mắc căn bệnh ung thư máu.
"Đầu năm nay, ăn Tết xong cháu có biểu hiện sốt cao nên gia đình đưa đi khám thì mới biết cháu bị ung thư máu. Từ khi vào viện đến bây giờ, hầu như cháu không ăn uống được, cứ ăn vào là nôn ra hết.
Hóa chất thì 1 tuần truyền 3 lần, cứ mỗi lần nhìn con ăn không được nôn ra hết là tôi lại không cầm được nước mắt. Như mọi ngày em nó không dậy được đâu, hôm nay thấy có các chú siêu nhân đến, nó đã cố dậy chụp ảnh cùng, tôi thấy rất mừng", chị Huyền chia sẻ.
Theo lời chị Huyền nếu như căn bệnh không bất ngờ ập đến với Trung Kiên thì bây giờ cũng là lúc em đang quây quần bên gia đình để chuẩn bị bước vào lớp 1. Dự kiến Kiên phải điều trị ở BV Nhi Trung ương khoảng 3-5 năm nữa.
Ở bên giường bệnh phía đối diện, chị Nguyễn Thị Ngọc (37 tuổi, quê Nam Định) rơi nước mắt, tay nắm chặt lấy bàn tay nhỏ của cô con gái Phạm Ngọc Kiều Linh (10 tuổi). Hằng ngày nhìn con quằn quại, đau đớn với căn bệnh tim bẩm sinh, u nguyên bào thần kinh, chị Ngọc chỉ biết cầm tay con động viên tinh thần.
"Cháu vừa được tiêm mũi giảm đau xong nhưng thi thoảng vẫn quằn quại gọi mẹ, thấy các bạn trong phòng dậy vui đùa với các chú siêu nhân còn con mình nằm đau đớn thế này...", chị Ngọc xúc động.
Năm 2019, khi đang tuổi đến trường cùng các bạn, con gái hay than đau bụng. Gia đình chị Ngọc đưa con đi khám thì phát hiện con mình bị căn bệnh u nguyên bào thần kinh. Kể từ đó, gạt đi nước mắt, con gác lại việc học hành, mẹ bỏ dở công việc nhà ra Hà Nội chữa trị.
"Từ khi nằm viện, sức khoẻ của con yếu hẳn, thi thoảng con mới ngồi dậy được còn lại chỉ có nằm co ro như vậy. Có hôm con đau cả đêm mình cũng thức cùng con nhưng không biết làm thế nào để con vơi đi nỗi đau như vậy. Nhìn tay con không còn chỗ lấy ven mà chảy nước mắt", chị Ngọc chia sẻ.
Ngồi ôm con gái nhỏ Cao Minh Anh (4 tuổi) bị ung thư, chị Thoa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) không kìm được những giọt nước mắt khi các tình nguyện viên hoá trang là bác sĩ đến tặng quà. Nhìn thấy hộp đồ chơi búp bê bé Minh Anh đã rất thích. Bé Minh Anh mắc bệnh ung thư đến nay ở tháng thứ 3. Cứ nhìn thấy con, người mẹ này không kìm được cảm xúc.
"Kể từ ngày biết tin con bị bệnh, vợ chồng tôi thay nhau bên cạnh chăm sóc cho con gái. Cháu tuy bị bệnh nhưng ngoan và nghe lời lắm. Vợ chồng tôi cũng xác định tư tưởng lo điều trị cho con lâu dài sau này. Chỉ mong con luôn là người mạnh mẽ vượt qua được bệnh tật", chị Thoa chia sẻ.
Trải qua 14 lần truyền hoá chất khiến đầu của bé Trần Ngọc Thế Vinh (8 tuổi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Bé Vinh bị u cơ hơn 1 năm và cũng từ đó đến nay em nằm viện nhiều hơn ở nhà. Hằng ngày, Vinh vượt qua cơn đau bằng cách khám phá thế giới xung quanh qua chiếc điện thoại.
Ông Trần Ngọc Quỳnh (55 tuổi, ông nội bé Vinh) chia sẻ, khi đang học lớp 2 thì Vinh đột nhiên mắc bệnh nên việc học đành dang dở. Hơn 1 năm qua gia đình ông Vinh thay nhau chăm sóc cháu tại viện.
"Cháu trước đây hay nói, học chăm lắm. Ở lớp cháu cũng rất hay phát biểu. Các bác sĩ hội chẩn không mổ được chỉ điều trị bằng hoá chất. Do truyền hoá chất, truyền nước nhiều khiến cháu mệt mỏi rồi ít nói hơn. Có lẽ xem điện thoại giúp cháu phần nào bớt đau đớn nên chúng tôi không cấm cản.
Những ngày điều trị ở viện, cháu luôn nói với gia đình cháu thích về đi học thôi, ở nhà khi đi học cháu hay phát biểu lắm, phát biểu bài mà hết phần các bạn", ông Quỳnh chia sẻ.
Câu chuyện về những đứa trẻ bất đắc dĩ phải "nghiện điện thoại"
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Trung, người sáng lập ra Từ Thiện Thật cho biết, chương trình "siêu anh hùng 1/6" muốn mang qua đến trao cho các em nhỏ ở khoa chạy thận và khoa ung thư tại Bệnh viện Nhi Trung ương những món quà ý nghĩa.
"Những siêu anh hùng là ước mơ của rất nhiều em nhỏ, hy vọng những siêu anh hùng này sẽ giúp cho các em vượt qua được bệnh tật mà hằng ngày bản thân đang phải trải qua. Chúng tôi hy vọng những hình ảnh này sẽ giúp các em có động lực lớn vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Món quà chúng tôi gửi tặng các em là những món đồ chơi, siêu nhân, búp bê, sữa… Mong rằng món quà tuy nhỏ thôi nhưng những siêu anh hùng sẽ giúp các em nhận được tuổi thơ hạnh phúc hơn khi ở trong viện", anh Trung chia sẻ.
Khi nhắc tới những bệnh nhi đang điều trị ung thư tại bệnh viện, anh Trung gọi đó là những đứa trẻ bất đắc dĩ phải "nghiện điện thoại".
"Có 2 lý do lớn nhất tôi chọn nơi tặng quà của các siêu anh hùng Từ Thiện Thật 1/6 năm nay tại khoa Ung thư và Chạy thận vì lý do đầu tiên là các bé tại 2 khoa này đều mắc căn bệnh phải chữa trị lâu dài và lý do thứ hai là tôi bị ám ảnh một câu chuyện rất đỗi bình thường tại đó.
Khi tôi vào Khoa Ung thư, hình ảnh tôi nhìn thấy là gần như em nhỏ nào cũng có 1 chiếc Smartphone màn hình cảm ứng hoặc thậm chí có cả 1 chiếc Ipad lớn khá hiện đại so với những hoàn cảnh khó khăn mà Từ thiện thật đã từng tặng quà …
Người ngoài nhìn vào tưởng là gia đình điều kiện lắm nhưng thực chất thì không. Chiếc điện thoại có thể là người bạn duy nhất làm các con thấy vui khi ở trong viện, giúp các con bớt đau đớn hơn sau khi phải tiêm, phải truyền hóa chất hàng ngày.
Đặc biệt hơn, những chiếc điện thoại ấy đã giúp các con được nhìn ngắm thế giới bên ngoài thông qua 1 cái màn hình. Nhiều gia đình chia sẻ rằng họ mua những chiếc điện thoại vì đó chính là thứ duy nhất mà các bố các mẹ có thể khiến các con vui hơn mỗi ngày trong bệnh viện.
Có người cha trong lúc lên chăm con bị bệnh có nói với tôi rằng con anh chỉ có thể không đau đớn và nằm yên khi xem hoạt hình qua điện thoại. Vì hiểu con mình không biết sống được đến khi nào nên kể cả có nghèo đến mấy cũng phải cố mua cho con 1 chiếc điện thoại để làm bạn với con trong viện. Đấy là lí do mình lựa chọn Khoa Ung Thư là nơi đến của các siêu anh hùng Từ thiện thật 1/6 năm nay", anh Trung chia sẻ.
Gia Đoàn