(Tổ Quốc) - Không chỉ thưởng thức một MV hay, "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" của Hoà Minzy cũng giúp cho khán giả "mở mang" một câu chuyện có thật trong lịch sử về vị vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu - vị Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam.
Như vậy, sau gần 2 năm "vắng bóng", Hòa Minzy đã chính thức trở lại làng nhạc Việt với MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp". MV được thực hiện bởi đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử có thật giữa Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu, đưa khán giả "xuyên không" về thời Nguyễn để chứng kiến những bi kịch trong cuộc đời của Hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn.
Đây là một sản phẩm về một sự kiện có thật, về những nhân vật lịch sử có thật, với khá nhiều dụng tâm và tỉ mỉ của ekip.
MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" - Hòa Minzy.
MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp": Câu chuyện thật của Hoàng Đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu
Bối cảnh trong MV kéo dài từ năm 1934 đến năm 1946, hai nhân vật chính của MV là Nam Phương Hoàng hậu do Hoà Minzy thủ vai và Hoàng đế Bảo Đại đảm nhiệm bởi nam diễn viên Xuân Phúc.
Hoàng đế Bảo Đại (1913 - 1997), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ (nhưng ở Huế đọc thành Nguyễn Phước, hoàn toàn giống nhau vì đều là chữ 阮福, các thư tịch và văn bản sử dụng song song hai chữ Nguyễn Phúc và Nguyễn Phước). Bảo Đại là con trai duy nhất của Hoàng đế Khải Định và là vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ quân chủ tại Việt Nam. Ông là người con duy nhất của Hoàng đế Khải Định. Khác với những người tiền nhiệm, Hoàng đế Bảo Đại đã được gửi đi du học tại Pháp và đã hấp thụ văn minh phương Tây ngay từ bé.
Hình ảnh Hoàng đế Bảo Đại trong lịch sử và qua diễn xuất của nam diễn viên Xuân Phúc. Đây là đại triều phục của Hoàng đế nhà Nguyễn gồm Long bào thêu rồng năm móng màu chính hoàng (vàng đậm), đầu đội mũ Cửu long Thông thiên.
Và trong tạo hình Âu phục.
Bên cạnh đó, Bảo Đại trong lịch sử và cả trong MV là một người đàn ông đào hoa, cuộc đời đã trải qua vô số mối tình: từ Nam Phương Hoàng hậu, bà Mộng Điệp, bà Phi Ánh, bà Lý Lệ Hà hay cả bà Monique,... Ông mất tại Pháp và được chôn cất tại một Nghĩa trang ở Thủ đô Paris.
Nam Phương Hoàng hậu (1914 - 1963), tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, là vị Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn. Bà xuất thân từ một gia đình Công giáo giàu có của miền Nam và cũng hưởng thụ nền giáo dục của nước Pháp ngay từ nhỏ. Bà là người phụ nữ thứ 3 của nhà Nguyễn được phong tước vị Hoàng hậu khi còn sống, sau Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (những người còn lại chỉ được truy phong sau khi qua đời).
Bà nổi tiếng trong lịch sử là một vị Hoàng hậu tài sắc vẹn toàn nhưng có những năm tháng cuối đời sống trong cô đơn, rất ít khi gặp mặt Cựu hoàng Bảo Đại. Bà qua đời tại Pháp và được an táng tại nơi đây.
Hình ảnh Nam Phương Hoàng hậu trong lịch sử và qua phần tái hiện của Hoà Minzy. Cả hai đang khoác lên mình đại triều phục của Hoàng hậu - lễ phục cao quý nhất của bậc Hoàng hậu - gồm: áo Phượng bào màu hoả hoàng (cam), mũ Cửu phượng quan.
Một tạo hình khác của Hoà Minzy khá tương đồng với ảnh chụp của Nam Phương Hoàng hậu trong lịch sử.
Mối tình nhiều thăng trầm của vị Hoàng đế và Hoàng hậu cuối cùng với lời hứa "một vợ - một chồng"
Một trong những cảnh quan trọng chính thức mở ra câu chuyện cho "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" chính là lễ đại hôn của Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu, diễn ra vào tháng 3/1934. Đây vừa là lễ cưới của Hoàng đế với Hoàng hậu, vừa là lễ sách lập nàng thiếu nữ Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Chính cung Hoàng hậu.
Trước đó, mẹ ruột của Bảo Đại là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (Đức Từ cung) và triều thần đã lựa chọn sẵn cho Bảo Đại một người con gái "chuẩn" truyền thống là cô Bạch Yến: xuất thân quý tộc, là người gia giáo và giữ đúng phép tắc cung đình. Tuy nhiên, với sự bố trí khéo léo của người Pháp, Nam Phương và Bảo Đại đã gặp nhau trong một bữa dạ tiệc tại Đà Lạt, và rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Theo hồi kí của Nam Phương Hoàng hậu, Bảo Đại lúc ấy đã chú ý đến bà vì lối phục sức đơn sơ cũng như khả năng nói tiếng Pháp lưu loát. Cũng có tư liệu khác cho rằng họ đã gặp nhau từ trước, trên chuyến tàu chở Hoàng đế Bảo Đại đi từ Pháp về lại Việt Nam.
Đây là một lễ cưới lịch sử vì lần đầu tiên trong lịch sử nhà Nguyễn xuất hiện một vị Hoàng hậu là người Công giáo. Sự kiện này cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong triều đình vì đây là điều trái với truyền thống và chưa từng có tiền lệ.
Đi kèm với việc lập Hoàng hậu là các điều kiện khá "ngặt nghèo": Nam Phương phải được lập làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới, phải được giữ đạo Công giáo và các con phải được làm lễ rửa tội, Bảo Đại phải bãi bỏ chế độ hậu cung phi tần và tuân thủ nguyên tắc hôn nhân 1 vợ - 1 chồng.
Những năm sau đó là những tháng ngày hạnh phúc khi cả hai lần lượt có với nhau 5 người con: Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng, Hoàng nữ Phương Liên, Hoàng nữ Phương Dung và Hoàng nữ Phương Mai.
Trong MV ekip xây dựng khá rõ việc vua Bảo Đại và Hoàng Hậu sinh sống với nhau như những gia đình phương Tây. Cả gia đình 7 người cùng sống với nhau trong điện Kiến Trung - toà điện duy nhất được xây dựng theo lối Châu Âu trong Đại Nội Huế - với đầy đủ tiện nghi tối tân; ăn cùng bàn như một gia đình (theo quy tắc trước đó thì không ai được ngồi cùng mâm với Hoàng đế, kể cả Hoàng Thái hậu hay Hoàng hậu). Hoàng đế cũng thường đích thân lái xe thể thao để chở Hoàng hậu đi "du hí" khắp nơi từ rừng núi Bạch Mã cho đến cửa biển Thuận An.
Hình ảnh chụp ảnh ở MV trong năm 1945 được ekip phỏng theo bức ảnh có thật năm 1950 của Nam Phương Hoàng Hậu tại Thụy Sĩ.
Cảnh tượng tiếp theo của MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" chính là diễn tả cảnh Bảo Đại từ biệt gia đình để ra Hà Nội. Sau Cách Mạng Tháng Tám, vua Bảo Đại thoái vị, cả gia đình ra ngoài cung sinh sống. Ông ra Hà Nội để làm Cố Vấn Chính Phủ, Nam Phương Hoàng Hậu ở lại Huế chăm sóc gia đình.
Bảo Đại rời cung An Định, để lại gia đình để ra Hà Nội.
Theo hồi ký của ông Phạm Khắc Hoè ghi lại, lúc từ biệt Bảo Đại để tiễn Cựu hoàng ra Hà Nội, Nam Phương đã mặc một chiếc áo dài màu xanh, trùng khớp với tạo hình xuất hiện trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp".
Mọi thứ sau đó đã tiếp diễn theo đúng như trong cốt truyện của MV: Nam Phương Hoàng hậu dần phát hiện ra Bảo Đại nơi phương xa đã lén lút qua lại với những người phụ nữ khác nhau. Để rồi đến một ngày, mọi chuyện vỡ lở, Hoàng hậu đã biết được Cựu hoàng đã lừa dối mình trong những ngày ra Hà Nội, thậm chí đau lòng hơn khi Bảo Đại vẫn đều đặn viết thư tay gửi cho vợ để... xin tiền trang trải cho cuộc sống xa hoa, phù phiếm.
Một tạo hình sang trọng và đài các với áo dài màu vàng, khăn lươn màu đen cùng chuỗi ngọc tuyệt đẹp. Có thể thấy, Hoà Minzy đã rất cố gắng để có thể làm toát ra được phong thái của một bà Hoàng triều Nguyễn.
Một tạo hình ấn tượng khác đã được Hoà Minzy thể hiện: một chiếc áo dài trắng bên trong, phần khoác ngoài sang trọng được đính đá quý. Tất cả đã tạo nên một hình tượng vừa uy quyền nhưng cũng vừa thanh lịch.
Bức thư "đánh ghen" nổi tiếng - nhưng nhân vật của "Hân Tuesday" không phải trùm cuối trong lịch sử?
Trong MV, "Giọt nước làm tràn ly" là khi Hoàng hậu biết tin nhân tình của Cựu hoàng ngoài Hà Nội đã có thai. Nghe được tin dữ, Hoàng hậu đã tức tốc bắt tàu ra Hà Nội, ngồi trong một chiếc xe và nhìn bóng dáng chồng mình phía xa đang tình tự bên người phụ nữ khác. Nhưng những gì Hoàng hậu chứng kiến vượt xa khỏi trí tưởng tượng của mình: không chỉ một, mà là đến tận hai người tình, cùng xuất hiện ngay trước mắt mình.
Lúc này, niềm tin của Nam Phương đã bị phá vỡ hoàn toàn khi Bảo Đại đã đạp đổ tất cả mọi ước hẹn ngày trước để có thể cưới mình sang một bên. Giao kết 1 vợ - 1 chồng đã bị phá vỡ, mọi ước hẹn, thề nguyền cũng không còn nữa, mọi thứ như sụp đổ ngay trước mắt.
Tuy nhiên, cảnh Nam Phương bắt tàu lửa ra Hà Nội để tận mắt chứng kiến cảnh tượng đau lòng trên là một chi tiết hoàn toàn hư cấu vì trên thực tế bà chưa bao giờ ra Hà Nội mà vẫn luôn ở Huế, người truyền tin tức cho bà là ông Phạm Khắc Hoè. Cảnh này vẫn có thể lí giải một cách hợp lý vì đây là một chuyến đi bí mật, không ai biết được cả.
Cũng cần phải biết về "thân thế" của hai người tình của Bảo Đại lúc ở Hà Nội. Người thứ nhất là bà Bùi Mộng Điệp và hiện đang mang thai một người con ngoài giá thú; người thứ hai là bà Lý Lệ Hà, một giai nhân nức tiếng Hà thành lúc bấy giờ.
Bùi Mộng Điệp là người Bắc Ninh, trước khi quen biết với Cựu hoàng, bà đã trải qua một đời chồng và có một người con riêng. Bảo Đại đem lòng yêu mến trong lần ông ra Hà Nội năm 1945, được người đương thời gọi là "Thứ phi phương Bắc" dù lúc đó nhà Nguyễn đã cáo chung.
Sau này do thời cuộc, bà sang Pháp và có một cuộc sống khá sung túc nhờ đầu óc nhạy bén, trong quãng thời gian này, Bảo Đại xem như ở chung với bà nhưng ông thường xuyên ra ngoài, chỉ khi cần tiền thì mới trở về nhà. Bà Mộng Điệp có riêng với Bảo Đại một người con gái và hai người con trai. Có thể thấy, bà Mộng Điệp giữ nét đẹp truyền thống với "khuôn trăng đầy đặn", "nét ngài nở nang", khá phù hợp với tạo hình trong MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp".
Vũ nữ Lý Lệ Hà - tình nhân của Vua Bảo Đại - không có hình chụp rõ được lưu lại trong lịch sử, chỉ có một bức hình trắng đen mờ mờ. Thế nên cũng khó phán xét là Karen có giống hay không bà Lý Lệ Hà được... Trong lịch sử, bà là một tuyệt sắc giai nhân, từng đoạt danh hiệu Hoa khôi đầu tiên của Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho nhiều bậc nghệ sĩ đương thời. Bà cũng quen biết Bảo Đại trong lần ông ra Hà Nội. Cả hai công khai mối quan hệ của nhau, thường được bắt gặp ở những tụ điểm ăn chơi đắt tiền.
Sau năm 1946, Bảo Đại rời Việt Nam, sống lưu vong tại Hong Kong cùng Lý Lệ Hà. Nam Phương đã gửi cho Lý Lệ Hà một bức thư tay, lời lẽ dịu dàng nhưng vẫn thể hiện sự uy quyền, không đánh mất đi phong thái của một bậc "mẫu nghi".
Bức thư này trở nên vô cùng nổi tiếng, được đích thân bà Lý Lệ Hà tiết lộ trong hồi ký của mình. Khi đưa lên MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp", ekip của Hoà Minzy đã khéo léo trích dân nguyên văn, nhưng bỏ hết tất cả những danh từ riêng chỉ đích danh một nhân vật cụ thể như "Lý Lệ Hà", "Từ cung Thái hậu", "Nam Phương",... để giữ cho câu chuyện gợi được trí tò mò của khán giả.
"Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu hoàng, ta còn gặp lại nhau. Đức Từ cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương ".
Những tưởng "Hân Tuesday" khi hoá thân thành bà Lý Lệ Hà đã là "trùm cuối" trong MV nhưng không. Chỉ một thời gian sau, Cựu hoàng tiếp tục bỏ rơi Lý Lệ Hà để quen một người phụ nữ mang hai dòng máu tên Hoàng Tiểu Lan và có tiếp với cô này một người con gái riêng nữa!
"Hân Tuesday" - Lý Lệ Hà không phải là người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời của Bảo Đại.
Đoạn kết của MV "Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp" chỉ là một cái kết mở khi nhân vật Nam Phương Hoàng Hậu trầm tư giữa dòng sông.
Trong lịch sử, có rất nhiều người phụ nữ đã đi qua cuộc đời của vị Hoàng đế cuối cùng... Người vợ cuối cùng của Bảo Đại là một người phụ nữ người Pháp có tên Monique Baudot, hai người gặp gỡ nhau và bắt đầu chung sống từ năm 1971 cho đến khi Cựu hoàng tạ thế nơi đất khách quê người vào năm 1997.
Thứ phi Mộng Điệp cũng theo Bảo Đại sang Pháp và qua đời năm 2011 tại Paris.
Bà Lý Lệ Hà sau này lấy chồng người Pháp.
Bản thân Nam Phương Hoàng Hậu qua đời năm 1963 tại Pháp trong cô độc.
Minh Khôi