(Tổ Quốc) - Khái niệm về “mama boy" không quá xa lạ gì với nhiều người, nhưng đến năm 2020, nó vẫn trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của những người phụ nữ như một đề tài mới.
Có thể nói, hôn nhân là một vấn đề vô cùng phức tạp và có rất nhiều phương diện. Mỗi gia đình sẽ trải qua những hoàn cảnh khác nhau và mỗi bà vợ sẽ đối diện với ông chồng cùng mẹ chồng trong những vấn đề khác nhau. Chủ đề về “mama boy" có thể sẽ là điều khiến các bà mẹ chồng phật lòng nhưng đó lại là tiếng lòng của những cô con dâu.
Đầu năm nay, đài Abema TV của Nhật Bản đã nhận được một cuộc gọi từ một người phụ nữ làm “gái bán hoa", cô nói rằng gần đây mình có gặp vị khách vô cùng kỳ lạ. Đó là một người đàn ông khoảng 30 tuổi và đi cùng mẹ.
Người phụ nữ hành nghề bao năm cũng không bất ngờ bằng chuyện việc giao dịch này lại để người mẹ đứng ra dàn xếp.
Câu chuyện trên không chỉ khiến cho 30.000 cô gái bán hoa ở Nhật Bản kinh ngạc mà còn khiến những người xuất hiện trong chương trình cũng “đứng hình". Họ nghĩ rằng, trường hợp như người đàn ông trên là đặc biệt, nhưng không phải, nhóm chương trình đã tìm được một người đàn ông khác tên Nauta, 33 tuổi, người vẫn có thói quen tắm cùng mẹ.
Dù Nauta là người đàn ông trưởng thành, có một sự phát triển hoàn thiện về mặt sinh lý thể chất nhưng đối với anh tâm hồn của mình vẫn chưa phát triển đầy đủ. Nauta cảm thấy tắm với mẹ mỗi tuần một lần không có gì là sai. Anh nói: "Không phải lúc tắm thì sẽ dễ trò chuyện hơn sao? Tôi thì nghĩ như vậy đấy".
Được biết, Nauta không những phụ thuộc mẹ về mặt tinh thần mà anh ta còn phụ thuộc vào cả tài chính. Mặc dù Nauta đã tốt nghiệp Đại học Tokyo nhưng anh ta vẫn đang có cuộc sống vô cùng bấp bênh, vẫn làm việc bán thời gian và dạy kèm để tiền trang trải sinh hoạt. Thu nhập hàng tháng của Nauta là 70.000 Yên (khoảng 15,2 triệu đồng).
Tại Nhật Bản, ngay cả sinh viên tốt nghiệp từ các trường Đại học bình thường cũng hiếm khi có thu nhập trung bình hàng tháng dưới 200.000 Yên (hơn 43 triệu đồng). Vì vậy thu nhập của Nauta được cho là có một lực cản nghiêm trọng trong quá trình xây dựng sự nghiệp, với thu nhập này Nauta còn không thể thuê nhà ở Tokyo.
Thế nhưng điều này không thành vấn đề, Nauta vẫn có thể nhận được 20.000 Yên (khoảng 4,3 triệu đồng) mỗi tháng tiền tiêu vặt từ mẹ và đủ để trang trải các chi phí hàng ngày như mua quần áo và cắt tóc. Anh thừa nhận rằng, anh có thể cảm nhận được sự thống trị của mẹ mình, ngay cả khi mẹ mua bất cứ màu gì cũng không dám can thiệp, nhưng anh không muốn chống lại.
Nauta ví gia đình mình như một tập thể, mỗi người có một vai trò riêng và anh ta có trách nhiệm là phải nghe lời mẹ. Nói theo một cách khác, việc nghe lời mẹ giống như một sự đóng góp về mặt tinh thần. Tất nhiên, nhóm chương trình khi thực hiện điều này không phải tập trung vào cuộc sống của Nauta mà điều họ muốn nói đến là hiện trạng “mama boy" ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội Nhật Bản.
Theo thống kê năm 2016 của công ty bảo hiểm Meiji Yasuda, so với bố mẹ của thế hệ thanh niên hiện tại ở Nhật Bản, số người không nổi loạn tăng từ 14% lên 42,6%, đồng thời sự thân mật giữa con trai trưởng thành và mẹ tăng lên đáng kể.
Trong một chương trình thực tế của đài NHK, nhóm phóng viên đã phỏng vấn ngẫu nhiên với nhiều thanh niên qua đường. Điều đáng nói, trong số 100 người tầm độ tuổi 20, thì có 83 người cho biết họ có mối quan hệ thân thiết với mẹ. Họ sẽ đi mua sắm với mẹ, xem phim thiếu niên và thậm chí để mẹ tự chọn quần áo cho mình.
Trong chương trình đặc biệt “Ở với mẹ như ở với người yêu" của đài Fuji TV, một thanh niên 17 tuổi chia sẻ: "Tôi đã cùng mẹ đi mua sắm, thỉnh thoảng được ngủ cùng mẹ". Một số người nói rằng, họ chia sẻ mọi thứ những chuyện xảy ra trong ngày với mẹ, không phải nói qua loa mà rất chi tiết, chủ đề về tâm sinh lý hay tình yêu đều được thảo luận với mẹ. Có người còn đưa cả mẹ đến buổi họp lớp cùng các bạn.
Đây là thế hệ thanh niên được sinh ra trong thời Bình Thành, tuy nhiên hiện tượng “mama boy" này đối với những người trung niên thời đại Chiêu Hòa thì lại là vấn đề khác. Nhóm phóng viên của đài Fuji TV từng phỏng vấn một số người đàn ông độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi, từng sống trong thời Chiêu Hòa cho biết, họ không có một bức ảnh chụp với mẹ.
Một người chú 39 tuổi thừa nhận rằng lần cuối cùng anh chụp ảnh với mẹ là khi 6 tuổi. Không ít người cho rằng, thời đó con trai và mẹ thường tránh tiếp xúc về mặt thể xác. Lý do tại sao lại như thế?
Ngay từ những năm 1990, xã hội Nhật Bản có một cuộc thảo luận lớn về “mama boy". Đối với thế hệ của họ, điều xấu hổ nhất chính là quá gần gũi với mẹ. Hiện tượng “mama boy" Nhật Bản bắt đầu xuất hiện vào những năm 1992 và kéo dài đến ngày nay.
Năm 1992, đài TBS Golden Tenth của Nhật Bản đã phát sóng bộ phim truyền hình, cho phép khái niệm “mama boy" bước vào trong suy nghĩ của công chúng Nhật Bản.
Bộ phim kể về một người phụ nữ tên Miwa đã gặp và hẹn hò với Oiwa. Oiwa sau khi tốt nghiệp Đại học đã làm việc trong một ngân hàng nổi tiếng, có thể nói rằng đó là một sự tinh hoa trong xã hội. Cả hai yêu đương một thời gian, sự tận tình tuyệt vời của Oiwa đã làm động lòng Miwa và họ quyết định tiến tới hôn nhân.
Tuy nhiên, sau khi về sống chung, Miwa mới nhận ra được bộ mặt thật của Oiwa, đó là một “mama boy" chính hiệu. Bữa sáng của vợ nấu, Oiwa không hài lòng, bảo rằng cô hãy thay đổi và nấu giống như mẹ anh nấu. Mọi chuyện chưa dừng ở đó, cuộc sống hôn nhân trở nên căng thẳng hơn, khi sau giờ làm việc, Oiwa về nhà, tự nhốt mình trong phòng và chơi với những món quà mà mẹ tặng, bỏ lơ người vợ mới cưới.
Dần dần, Miwa nhận ra mối quan hệ giữa chồng và mẹ chồng không bình thường. Khi vợ chồng cãi nhau, hành động đầu tiên của Oiwa là gọi về mách mẹ, sau đó sẽ nhõng nhẽo như một đứa trẻ. Anh thậm chí vẫn còn giữ lại đồ chơi bằng gỗ mà mẹ mua cho khi còn nhỏ. Trên thực tế, hành động kỳ lạ này của Oiwa khiến Miwa không thể chấp nhận.
Được biết, Oiwa lớn lên trong vòng tay người mẹ đơn thân. Sự trưởng thành của anh đều gắn liền với mẹ và đương nhiên chuyện hôn nhân cũng không ngoại lệ. Mẹ của Oiwa đã can thiệp vào chuyện của vợ chồng khiến mâu thuẫn ngày càng căng thẳng. Sau một thời gian, Miwa quyết định ly hôn. Tất nhiên, Oiwa ngay lập tức nói với mẹ và người mẹ thương con mù quáng đã gây áp lực và đe dọa con dâu cũ.
Sau đó, Oiwa nhận thấy mình còn rất yêu vợ nên đã năn nỉ cô cho cơ hội quay lại. Nhìn thấy sự chân thành của chồng, Miwa cũng xiêu lòng. Đến đây, khán giả tin rằng họ sẽ có một kết thúc có hậu nhưng không phải. Sau khi biết con trai xử sự không đúng ý, người mẹ đã nói rằng Miwa không tốt như anh nghĩ, chỉ có mẹ là người yêu anh ta vô điều kiện. Lại một lần nữa, Oiwa trở về sự kiểm soát của mẹ.
Sau khi bộ phim kết thúc đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi đối với công chúng Nhật Bản. Từ lúc này trở đi, khái niệm “mama boy" bắt đầu được mọi người quan tâm chú ý. Năm đó, “mama boy" đã trở thành từ thông dụng của năm và hàng ngàn cô gái đã không khỏi ám ảnh mỗi khi nghĩ đến việc kết hôn với “mama boy".
Ngày nay, đã hơn 25 năm trôi qua, hình ảnh “mama boy" của Oiwa đã phai mờ từ lâu nhưng sự chỉ trích về “mama boy" trong xã hội Nhật Bản không biến mất. Một số người phụ nữ đã phải thốt lên: “Khi sống cùng nhau, anh ấy luôn nói về sở thích của mẹ mình khiến tôi rất khó chịu".
Thậm chí, trên một diễn đàn tình yêu ở Nhật Bản, một số phụ nữ đã tóm gọn những loại bạn trai mà họ không thể chịu nổi đó là: Nhắn tin với mẹ, mua đồ lót cho mẹ, chuyện gì cũng nói với mẹ, ưu tiên việc hẹn hò với mẹ.
(Nguồn: 163)
Jia You