(Tổ Quốc) - "Bà và các con vào Huế, chọn mua nhà, xây dựng hiệu ảnh Sông Hương nức tiếng. Thời đó bà còn vận chuyển các cuộn phim ảnh, máy móc từ miền Bắc đem về", Lan Phương kể.
Những câu chuyện tình yêu của người đi trước luôn mang đến cho người ta nhiều cảm xúc dạt dào. Cách đây vài chục năm, thế hệ ông bà, bố mẹ ta đã yêu thương nhau, gắn bó với nhau bằng một thứ tình cảm quý giá, vượt qua mưa bom, bão đạn.
Cuộc hôn nhân bắt đầu bằng chữ "Thương"
Mới đây, cô cháu gái Đào Lan Phương tham gia chiến dịch cộng đồng: Thử thách "Gửi Tim Thương Mến" do nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) tổ chức đã chia sẻ một câu chuyện về ông bà. Cuộc hôn nhân hơn 60 năm viên mãn của họ khiến người ta xuýt xoa, khen ngợi nhiều biết bao.
Ông ngoại Lan Phương là Trần Việt Ân, sinh năm 1930, bà là Lê Thị Kim Vân, ít hơn ông 10 tuổi. Ông ngoại cô từng đi tập kết, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ông cũng là thủ trưởng và thầy giáo ở trường Cơ khí chế tạo máy. Bà cô là chủ của hiệu nhiếp ảnh Sông Hương đình đám xứ Huế một thời.
Ngày đó, từ vài lời giới thiệu, ông bà Phương quen nhau. Ông Việt Ân điển trai, hiền hậu và tài năng đã đem lòng yêu cô gái Kim Vân dịu dàng. Khi được bạn bè hỏi tại sao yêu cô Vân, ông đáp: "Vì tôi thấy cô ấy nhỏ bé, yếu đuối nên thương và muốn bảo vệ". Chính cái niềm thương đó, họ đã đến bên nhau và xây dựng cuộc hôn nhân hạnh phúc từ năm 1959.
Hai ông bà đã có với nhau 4 người con, 3 gái, 1 trai. Hai cụ dạy con vô cùng nghiêm khắc nhưng cũng rất tâm lý. Đứa lớn chăm đứa nhỏ phụ mẹ để mẹ có thời gian làm việc kiếm sống.
Những ngày đầu mới cưới nhau, ông cô bận công tác xa, bà ở lại với con cái. Đã có thời gian cả hai người cách nhau cả mấy trăm cây số vì công việc. Thế nhưng thường vào cuối tuần, ông đạp chiếc xe lọc cọc về thăm vợ và các con. Chiếc xe đạp ngày ấy đã cùng ông băng suối, vượt rừng. Ông bà cũng hay gửi thư tay cho nhau, những bức thư thấm đẫm tình cảm và sự nhớ nhung của hậu phương ra tiền tuyến.
Lan Phương kể: "Sau này có hiệu ảnh rồi, bà chụp ảnh các con, ghi chú sau mỗi tấm hình là tên và tuổi của con cái. Có lẽ, bà muốn lưu giữ lại để sau này ông về có thể nhìn và thấy được hành trình lớn lên của các con ra sao. Và cũng bởi vì vậy mà gia đình mình sở hữu nhiều ảnh chụp kỷ niệm suốt mấy chục năm trời ròng rã".
Sự ra đời của hiệu ảnh Sông Hương nức tiếng một vùng
Trong mắt Đào Lan Phương, bà ngoại mình là một người vô cùng mạnh mẽ, tràn đầy ý chí và có tư duy phát triển kinh doanh vượt bậc so với thời bấy giờ.
Bà một mực kiên quyết thuyết phục ông rời làng quê, đưa các con vào TP Huế để được kinh doanh và các con đi học.
"Bà một mình chuyển nhà vì lúc đó ông còn bận công tác ở miền Nam. Bà và các con vào Huế, chọn mua nhà, xây dựng hiệu ảnh Sông Hương nức tiếng. Thời đó bà còn vận chuyển các cuộn phim ảnh, máy móc từ miền Bắc đem về.
Bà trồng hoa trong sân làm thành một góc chuyên để chụp ảnh phong cảnh. Ngày xưa không có kĩ thuật photoshop hay dựng phông nền, bởi vậy bà là người đầu tiên và duy nhất tạo cảnh ngay trong nhà làm nền chụp ảnh", Lan Phương kể.
Hồi đó, hiệu ảnh Sông Hương nức tiếng thành phố Huế. Tiệm của bà ngoại cô mỗi ngày làm ra cả cây vàng, đa phần đều là bộ đội chụp hình gửi về cho gia đình.
Những năm tháng đó, gia đình nhà ngoại Phương dưới sự gồng gánh và tài năng kinh doanh của bà ngoại mà giàu có. Thậm chí các ông lớn thời ấy cũng chẳng sánh được, tôn bà cô là người giàu nhất Huế thành.
"Ngày ấy, nhà ông bà nổi khắp vùng vì duy nhất có tivi. Chiều chiều các con của ông bà được đưa đi chơi bằng ô tô con, được ra hợp tác xã mua cả giỏ kẹo mút cũng chẳng lo về tiền. Bà bằng sự quyết đoán, có đầu óc kinh doanh đã làm nên mọi thứ như thế", Phương nhớ lại.
Hai từ cuối cùng tạm biệt trước lúc đi xa
Sau này, khi ông ngoại đã ở tuổi 90, bà chủ hiệu ảnh Sông Hương đã 80, cặp đôi vẫn quấn quýt, cãi vã nhau như một niềm vui tuổi già.
"Có hôm ông ngủ hoài không dậy. Bà sợ lắm, ngồi một chỗ chẳng nói chẳng rằng, rơm rớm chực trào đôi hàng nước mắt:
'Chẳng biết có sao không nữa. Sợ thế nhỉ. Dậy đi ông'.
Ông tỉnh dậy đầu tiên làm là nắm tay cô Kim Vân xinh đẹp thời ấy, cười hiền rồi đáp:
'Hơi mệt mệt'.
Ông bị đãng trí những năm cuối đời, có thể cũng là do hậu quả từ những trận chiến tàn khốc. Ấy vậy mà, ký ức về cô Kim Vân ngày xưa từng theo đuổi thì khó để mà quên. Ông chỉ nhớ một mình bà", Lan Phương nhớ lại.
Khi có tuổi, ông bà lại như trẻ con. Ông già hẳn đi, không thể tự lo cho mình nhưng được các con và bà chăm sóc tận tình. Đến bữa ăn, ông lại đùn đẩy: "Vân ăn đi" rồi nhìn bà ăn và mỉm cười.
Bà đến tuổi già rồi thi thoảng vẫn ghen bóng gió khi có các bà bạn đến chơi nhưng ông chỉ lắc đầu cười hiền. Ông chẳng cần giải thích làm gì, ông có cả cuộc đời để chứng minh rằng trong trái tim ông chỉ có một tình yêu duy nhất.
Thế rồi hành trình bên nhau của hai ông bà dừng lại vào tháng 2/2021.
Lan Phương tâm sự: "Những ngày ông sắp đi, mọi ký ức trong ông như cuốn phim tua lại. Ông nhớ đủ thứ, bảo các con gọi mẹ lại giường. Khi thấy bà, ông nắm tay rồi cười hiền lành nói: 'Thương Vân' và từ từ nhắm mắt ra đi trong nhẹ nhàng".
Đến bây giờ, bà Phương vẫn ngày ngày nhắc đến chồng mình. Ngày xưa khi ở bên nhau, họ vẫn hay chành chọe nhưng xa nhau là nhớ nhung đến khôn nguôi.
"Sáng nào bà cũng mua đồ ăn sáng, mua luôn phần ông, đặt lên bàn thờ. Bà ngồi ăn ở bàn kế bên. Bà hay nói chuyện bâng quơ với ông lắm như thể ông vẫn còn ở đó chẳng đi đâu", Phương tâm sự.
Cả đại gia đình Phương đều thần tượng ông bà, coi ông bà như một tấm gương để noi theo.
"Tình yêu luôn là điều thiêng liêng, quý giá và những miền ký ức "có thể bị lãng quên" cũng như vậy. Không biết được trước ngày mai ta còn nhớ hay sẽ quên, những điều mất đi sẽ không thể quay lại, vì vậy hãy sống tốt khi còn có nhau: Sống tích cực - Yêu tích cực - Ghi nhớ những gì tích cực", Phương nhắn nhủ.
Đúng là một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp và thật cảm động của những người đi trước. Họ đến với nhau bằng chữ thương và rồi khi sắp xa rời mãi mãi, chữ thương vẫn là điều cuối cùng họ nhắn gửi đến nhau!
Thử thách mùa hè "Gửi Tim Thương Mến" là chiến dịch cộng đồng của nhóm YÊU BẾP (Esheep Kitchen Family) mang tính xã hội giúp thay đổi cách nhìn của cộng đồng về khái niệm "Hạnh phúc gia đình".
Trong đó "hạnh phúc" không hạn hẹp là các quy chuẩn do xã hội định hình, mà bản chất của hạnh phúc gia đình là sự gắn kết tinh thần, tình cảm của mỗi thành viên – với mọi hình thái gia đình khác nhau.
Ngoài ra, thử thách này còn là cơ hội để mọi người chia sẻ các hoạt động hàng ngày cùng gia đình hay những ký ức, kỉ niệm cùng những người thân yêu để từ đó cảm thấy gắn bó và yêu thương gia đình hơn; đồng thời góp phần lan tỏa những thông điệp tích cực tới cộng đồng.
Ca Ca