(Tổ Quốc) - Khi các đoàn thiện nguyện từ khắp cả nước đổ về Quảng Bình giúp đỡ bà con vùng lũ dẫn tới dọc quốc lộ 1 đến kẹt cứng đường. Vấn đề đặt ra lúc này là cần cứu trợ gì và cứu trợ thế nào cho người dân sau lũ, tránh nơi thừa nơi thiếu.
Gạo, mắm muối và tiền cho người dân sau lũ
Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết tính đến khoảng một tuần nay, rất nhiều đoàn thể, cơ quan, tổ chức cứu trợ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ.
"Trước mắt việc cứu đói cho người vùng lũ như mỳ tôm, lương khô, nước sạch về cơ bản đã ổn. Hiện tại, sau khi nước rút gạo là nhu yếu phẩm trước mắt phải có cho người dân, sau đó là sửa sang nhà cửa.
Tỉnh cũng đang đưa về một số gạo để phân phát cho bà con tạm thời vì hiện tại tài sản cũng như lúa gạo của họ đã trôi hết, để trở lại và đảm bảo cuộc sống cũng cần thời gian khá dài", lãnh đạo huyện Quảng Ninh cho biết.
Khi nước lũ dần rút, vấn đề người dân cần gì sau lũ là điều cần được lưu tâm nhất. Ông Đông khuyến khích các đoàn cứu trợ liên hệ trao quà để từ đó nắm bắt được cái gì cần đối với người dân lúc này.
"Những gì các nhà hảo tâm cứu trợ đã chuẩn bị mang tới cho bà con những ngày qua thật sự rất quý. Chúng tôi mong rằng nếu như những nhà hảo tâm, đoàn cứu trợ nào chưa mua thì huyện đề xuất các đoàn cứu trợ nên hỗ trợ người dân bằng tiền mặt để họ chủ động trong mua sắm vật dụng và những thứ trong gia đình đã bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi.
Trận lũ lịch sử khiến nhiều gia đình nhà cửa bị đổ sập hoàn toàn do đó nhu cầu cần thiết nhất về lâu dài là xây nhà vượt lũ cho người dân, đây là điều thiết thực nhất. Nếu làm được điều này sẽ rất hiệu quả, khi lũ đến bà con có chỗ trú tránh, dự trữ lương thực, thực phẩm", ông Đông chia sẻ.
Ông Đông chia sẻ thêm, những đoàn nào có thể đi được tận nơi, huyện sẽ điều phối ngay để họ đến các địa phương trao quà. Còn các đoàn không có điều kiện đi, huyện sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế để chuyển hàng cứu trợ đến với bà con.
"Về cơ bản việc điều tiết nguồn hàng để tránh tình trạng nơi có, nơi không đã dần ổn định. Không thể nói là công bằng tuyệt đối nhưng sẽ hạn chế mức thấp nhất tình trạng nơi có, nơi không", vị lãnh đạo UBND huyện thông tin.
Có tình trạng thuyền bè chặt chém những đoàn cứu trợ
Huyện Lệ Thủy những ngày qua do xe vận chuyển hàng về địa phương rất nhiều trong khi lượng phương tiện đường thủy chỉ có 6 cái ca nô, xuồng của công an huyện và quân sự, biên phòng khiến cho việc vận chuyển hàng gặp khó khăn.
Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư huyện Lệ Thủy cho biết trong những ngày nước ngập sâu, toàn huyện có 2 điểm tập kết hàng hóa cứu trợ là xã Mai Thủy và khu vực ngã ba Cam Liên. Tuy nhiên đến hôm nay, các tuyến quốc lộ nước đã rút, các đoàn cứu trợ đã đi vào trung tâm một số xã để đưa hàng cứu trợ về với người dân.
"Trong những ngày qua có xuất hiện tình trạng thuyền bè chặt chém những đoàn cứu hộ về trung tâm huyện và các xã. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra những ngày đầu khi tuyến quốc lộ ngập sâu, hàng hóa không thể di chuyển bằng xe về trung tâm huyện.
Do việc huyện không thể đáp ứng được phương tiện vận chuyển đường thủy nên khi có thuyền dịch vụ của người dân các đoàn cứu trợ sẽ thuê. Một số chủ thuyền vì biết được nhu cầu mà tăng giá cao hơn mức bình thường", ông Thế cho biết.
Sau khi nhận phản ánh, huyện đã chủ động làm việc với các xã, các chủ thuyền không được tự ý nâng giá như vậy với các đoàn cứu trợ.
Bí thư Lệ Thủy cho biết hiện có hơn 260 đoàn cứu trợ liên hệ qua ban mặt trận, tiếp nhận của huyện. Ngoài ra còn có hàng trăm đoàn khác đi tự phát, không thông báo với chính quyền. Ông cũng cảm ơn các đoàn cứu trợ đã về giúp đỡ người dân địa phương.
Tuy nhiên, ông mong rằng các đoàn nên liên hệ để phối hợp cùng chính quyền địa phương thông qua ban mặt trận tiếp nhận với số liên lạc đã được công khai để đảm bảo người dân ngập lụt được hỗ trợ đúng, đầy đủ, tránh tình trạng nơi có, nơi không.
Gia Đoàn