Câu chuyện chi tiêu của chàng sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội: Từ mất kiểm soát đến lập hai sổ tiết kiệm và mua vàng tích trữ

(Tổ Quốc) - Gia Lộc cho biết bản thân đã nghiêm túc học cách chi tiêu tiết kiệm và thấm nhuần tư tưởng chỉ mua những gì cần. Nói đơn giản là kiếm 10 nhưng chỉ tiêu 2 hoặc 3 nên số tiền tiết kiệm cứ thế ngày một nhiều hơn.

Lớn lên trong thời đại internet bùng nổ, vừa chớm trưởng thành và chuẩn bị bước ra cuộc đời đã gặp ngay cú sốc dịch bệnh, Gen Z (thế hệ Z, sinh năm 1997 trở lại) có đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan để có suy nghĩ về tiền bạc và các mục tiêu tài chính khác với thế hệ cha anh.

Từ mất kiểm soát thu chi kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu đến tiết kiệm và mua vàng tích trữ, đây là kinh nghiệm của chàng sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội - Ảnh 1.

Phùng Thế Gia Lộc (sinh viên trường Đại học Ngoại thương).

"Tôi rất lo rằng tương lai mình sẽ giống như những người tốt nghiệp giữa cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008", đây là câu trả lời của Maya Tribitt, sinh viên năm 3 tại Đại học Nam California với Business Insider.

"Bạn bè đồng trang lứa với tôi cũng sốt sắng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, phần nhiều vì sợ phải đối mặt những câu chuyện tài chính đáng sợ mà những người đi trước chúng tôi 10 năm đã gặp phải".

Những lo lắng của Tribitt không phải là vô căn cứ. Thậm chí nó còn đúng và hiện diện với các bạn trẻ tại Việt Nam.

Chia sẻ về nỗi lo lắng tương tự này, bạn Phùng Thế Gia Lộc (sinh năm 2000, sinh viên trường Đại học Ngoại thương) cho biết: "Một điều hiển nhiên ai cũng biết đó chính là kiếm tiền đã khó, giữ được tiền lại còn khó hơn rất nhiều. Và mình, một người đã phải tiêu kha khá trước kia mới thấm thía câu nói trên, mới bắt đầu tính toán và nghiêm khắc hơn với cách chi tiêu của mình".

01.
Kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu và sự thay đổi để học cách tiết kiệm

Trong khoảng thời gian học tại trường, Gia Lộc còn làm thêm các công việc như là admin của các page trên Facebook, kinh doanh online ốp điện thoại, cộng tác bán hàng cho cửa hàng đồ dùng tiện ích. Trong khoảng thời gian đầu khi kiếm ra tiền, Gia Lộc đã mất kiểm soát thu chi khi kiếm được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Tiền lương vừa về thì xác định tiêu không lối thoát và ăn gì chơi gì là tiêu hết tiêu bằng sạch.

Sau đó, cậu bạn chợt nhận ra cách tiêu tiền của mình có vấn đề và chắc chắn sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu tiếp tục giữ thói quen chi tiêu này.

Tháng 1/2019, Gia Lộc bắt đầu tự lập sổ trên trang tính và ghi lại thu chi hàng ngày. Thay vì dùng app hay các bảng tính có sẵn, cậu bạn tự làm một bảng tính riêng để chủ động theo dõi cũng như chỉnh sửa.

Từ mất kiểm soát thu chi đến lập hai sổ tiết kiệm và mua vàng tích trữ, đây là kinh nghiệm của chàng sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội - Ảnh 3.

Bảng thu - chi mà Gia Lộc lập để quản lý chi tiêu.

"Mỗi ngày chỉ mất từ 5 - 10 phút để ghi lại những thứ đã tiêu và trong ví còn lại bao nhiêu tiền. Cứ thế cuối tháng tổng kết chi tiêu và thống kê xem tiêu vào mục nào nhiều nhất (đồ ăn, di chuyển, sở thích, học tập...). Bằng cách này mình có cái nhìn tổng quan hơn về chi tiêu và sẽ biết nên cắt giảm yếu tố nào không thực sự cần thiết để có thể tiêu ít hơn vào các tháng sau.

Tương tự như vậy, mình làm thêm một bảng thống kê các nguồn thu nhập. Mục đích là để tìm kiếm xem đâu là nguồn thu nhập tiềm năng có thể dành nhiều thời gian để kiếm nhiều hơn và chủ động đặt ra các mục tiêu cho phù hợp với bản thân", Gia Lộc chia sẻ.

Từ mất kiểm soát thu chi đến lập hai sổ tiết kiệm và mua vàng tích trữ, đây là kinh nghiệm của chàng sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội - Ảnh 4.

Tháng 5/2019, Gia Lộc mở tài khoản tiết kiệm đầu tiên và trong đó là tất cả số tiền cậu bạn tích cóp được sau khi đã bắt đầu chi tiêu khoa học hơn. "Mình để một sổ tiết kiệm to thời hạn 6 tháng và một sổ tiết kiệm nhỏ hơn kỳ hạn 1 tháng, để phòng khi có trường hợp cần thiết có thể rút ra được. Mỗi khi có lương từ công việc làm thêm mình sẽ lại gửi vào sổ nhỏ. Đến khi khoản tiền ở hai sổ kha khá bằng nhau thì mình lại chuyển gần như toàn bộ từ sổ nhỏ sang sổ to và tiếp tục vòng lặp như thế".

Lúc đầu Gia Lộc chỉ đơn giản là mở sổ tiết kiệm ở ngân hàng gần nhà. Thời gian sau cậu bạn đã chịu khó tìm hiểu ngân hàng nào lãi suất cao hơn và cách thức gửi nào sẽ được nhiều lợi nhuận hơn, nhờ đó có khoản thu nhập tự động hàng tháng tốt hơn.

Từ mất kiểm soát thu chi đến lập hai sổ tiết kiệm và mua vàng tích trữ, đây là kinh nghiệm của chàng sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội - Ảnh 5.

Các kinh nghiệm cậu bạn rút ra:

- Ăn tiêu chừng mực, cố gắng đừng tiêu hết số tiền mình có.

- Tìm hiểu và nên có các kiến thức về tài chính cơ bản để hiểu về ví tiền và cách sử dụng tiền.

- Có 1 khoản tiền dự trữ khẩn cấp, nếu đã tích được nhiều hơn, hãy chia ra làm 2 khoản tiết kiệm như đề cập ở trên. Một khoản tiết kiệm lâu dài và 1 khoản tiết kiệm ngắn hạn dự phòng rủi ro có thể rút bất cứ lúc nào.

02.

Tích trữ vàng, tăng nguồn thu nhập

Đến năm 2020, dịch bệnh và lãi suất các ngân hàng giảm mạnh khiến Gia Lộc phải tìm sang những ngân hàng có lãi suất cao hơn. Tuy nhiên như vậy vẫn làm cậu bạn thấy chưa đủ. Lộc quyết định tìm hiểu thêm về vàng và các cách đầu tư thu lợi nhuận cao khác.

"Tính từ mùa hè 2020 trở đi, mỗi tháng mình luôn cố gắng mua vào ít nhất từ 1-2 chỉ vàng. Cách mua trung bình theo tháng như này đã giúp mình tránh được những lần giá vàng lên đỉnh và vẫn đảm bảo mình sẽ tích cóp được số tài sản lớn dần theo thời gian".

Cứ như vậy, nguồn thu nhập của Gia Lộc cứ thế xoay vòng. Thêm vào đó, cậu bạn còn nghiêm túc học cách chi tiêu tiết kiệm hơn và chỉ mua những gì cần. Cố gắng kiếm 10 nhưng chỉ tiêu 2 hoặc 3 để tăng số tiền tiết kiệm ngày một nhiều hơn.

Từ mất kiểm soát thu chi đến lập hai sổ tiết kiệm và mua vàng tích trữ, đây là kinh nghiệm của chàng sinh viên ĐH Ngoại Thương Hà Nội - Ảnh 6.

Cậu bạn đã nghiêm túc học cách chi tiêu tiết kiệm và thấm nhuần tư tưởng chỉ mua những gì cần. Nói đơn giản là kiếm 10 nhưng chỉ tiêu 2 hoặc 3 nên số tiền tiết kiệm cứ thế ngày một nhiều hơn.

Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật

Hồng Nhung

Tin mới