"Cậu bé mất tích" 1988 (Kỳ cuối): Hành trình xuyên thế kỷ tìm kiếm dì ghẻ độc ác giết hại chôn xác con chồng vì lòng đố kỵ

(Tổ Quốc) - Sự việc bé trai 5 tuổi bị đánh đập đến chết rồi đào hố chôn xác năm 1988 ấy cứ ám ảnh bao thế hệ người dân ở đây mãi không thôi, người ta lại càng phẫn nộ hơn nữa khi xuyên 2 thế kỷ, đứa trẻ nằm im dưới 3 tấc đất thế nhưng kẻ đang tâm giết hại cháu lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cuộc sống mỗi ngày đều trôi đi êm ả như vậy, hàng xóm láng giềng cũng chẳng khác nào người thân trong gia đình với nhau. Họ chẳng mấy khi cãi vã, to tiếng lại càng không xô xát hay gây lộn, đánh mắng nhau bao giờ.

Cũng bởi vì lẽ đó, sự việc bé trai 5 tuổi bị đánh đập đến chết rồi đào hố chôn xác năm 1988 cứ ám ảnh bao thế hệ người dân ở đây mãi không thôi. Người ta sợ hãi khi kẻ thủ ác đôi khi lại chính là người gần gũi thân thiết nhất.

Càng thương xót đứa trẻ vốn đã thiệt thòi lại còn yểu mệnh, người ta lại càng phẫn nộ hơn nữa khi xuyên 2 thế kỷ, đứa trẻ nằm im dưới 3 tấc đất thế nhưng kẻ đang tâm giết hại cháu lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chuyện tày trời như vậy xưa nay chưa bao người dân hiền lành chân chất ở xã Hiệp Thuận  được nghe thấy chứ đừng nói nó xảy ra trên chính mảnh đất quê nhà. Người ta sợ hãi, lo lắng và nhiều hơn cả là căm phẫn hung thủ lỡ ra tay tàn ác với đứa trẻ mới chỉ có 5 tuổi đầu.

Điều này khiến cơ quan chức năng và ban chuyên án nhận trách nhiệm điều tra vụ án càng thêm nôn nóng và đặt ra mục tiêu phải trong thời gian ngắn nhất nhanh chóng tìm ra chân tướng sự việc.

ĐÀO TẨU

Sau đó, ban chuyên án đã tìm được đôi quang gánh, cũng chính là vật chứng của vụ án tại nhà anh Nhân. Dịch nâu đỏ còn sót lại trên đó chính là máu của cháu Hợp.

Vụ án

Tuy nhiên, sáng ngày 22-5-1988, Sâm thấy động tĩnh đã nhanh chóng bế con gái nhỏ chưa đầy tuổi trốn khỏi địa phương. Cơ quan chức năng tìm đến từng mối quan hệ, họ hàng của Sâm, ngay cả nhà bố mẹ đẻ cũng không thấy tăm hơi của người đàn bà này. Gia đình của Sâm có khai báo rằng Sâm ghé qua đôi chút rồi lại vội vàng bỏ đi ngay.

Thế rồi ngày tháng cứ dần trôi đi, áp lực đặt nặng lên vai các đồng chí trong ban chuyên án. Hàng xóm láng giềng kể lại rằng có đôi lần thấy Sâm đánh cháu Hợp thế nhưng anh Nhân lại không hề hay biết gì. Bởi lẽ cứ thấy anh Nhân đi làm, Sâm mới đánh cháu, chính vì vậy anh Nhân cũng không mảy may nghi ngờ tâm địa của cô vợ lẽ.

Thông tin về Sâm ngày càng mờ mịt, lần cuối cùng có người nhìn thấy Sâm đang đội nón bế con nhỏ đi về phía đường quốc lộ. Thế nhưng khi cơ quan điều tra tiếp cận địa điểm người dân báo thì Sâm đã thành công 1 lần nữa cao chạy xa bay.

Cháu Hợp khi bị sát hại mới chỉ có 5 tuổi, cha mẹ không ở với nhau nên vốn đã thiếu thốn tình cảm, người dân vì vậy mà vô cùng thương xót, lại càng căm phẫn hơn nữa kẻ thủ ác đã xuống tay không 1 chút tình người. Đây cũng chính là áp lực không hề nhỏ đối với cơ quan công an.

Nhiều năm sau đó, Sâm vẫn không hề lộ diện, trong quá trình rà soát những đối tượng truy nã không ít kẻ phải cúi đầu trước pháp luật thế nhưng đối tượng Nguyễn Thị Sâm thì dường như "bốc hơi" hoàn toàn.

Thậm chí tại các vùng biên giới, các khu kinh tế mới ở vùng Tây Nguyên nơi nhiều người dân di cư lên để làm ăn cũng đã được cơ quan chức năng tiếp cận cũng không thể truy quét được một chút tin tức nào của người đàn bà này.

BỨC THƯ NẶC DANH

Người đàn bà đó thực sự đã bặt vô âm tín xuyên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, đã có những lúc câu chuyện dường như phải chôn vùi vào quên lãng vì dù xới tung khắp mọi ngõ ngách cũng chẳng thể truy lùng được tung tích bà dì ghẻ nhẫn tâm giết hại con chồng.

Mãi cho đến 1 ngày, cơ quan chức năng nhận được bức thư nặc danh với nội dung tố cáo thân phận và nơi ẩn náu đối tượng Nguyễn Thị Sâm...

17 năm sau, vào năm 2005, cơ quan công an bất ngờ nhận được 1 bức thư nặc danh mà mãi cho đến tận bây giờ vẫn chẳng thể hay biết người đã đứng ra tố cáo tội phạm trốn nã gần 20 năm trời đó là ai.

Vụ án

Bức thư này chỉ cung cấp thông tin, có một phụ nữ tên Thanh, quê ở Hiệp Thuận - Phúc Thọ, hình như bị truy nã về tội giết người, hiện sinh sống ở thôn Kỉnh Nhượng - xã Vĩnh Hòa - huyện Phú Giáo - tỉnh Bình Dương.

Tuy không thể xác định được cụ thể đối tượng "hình như bị truy nã về tội giết người" này là ai, thế nhưng cơ quan chức năng lập tức lật lại vụ án từ thế kỷ trước. Người đàn bà tên Thanh kia rất có thể chính là Nguyễn Thị Sâm - dì ghẻ nhẫn tâm đánh chết con chồng đem chôn giấu xác rồi trốn truy nã 17 năm trời.

Trong quá trình ẩn mình để theo dõi tiếp cận đối tượng, các thành viên trong ban chuyên án đặc biệt chú ý thấy Thanh rất hay đi lễ chùa, mỗi lần đến chùa đều xì xụp khấn vái rất lâu, dường như đang cố gắng sám hối 1 điều gì đó.

Cuối cùng, Thanh hay chính là Nguyễn Thị Sâm đã sa lưới cơ quan chức năng. Thời điểm các cán bộ trinh sát xướng lên cái tên Nguyễn Thị Sâm đầy dứt khoát đã khiến đối tượng này bàng hoàng và chẳng còn bất kỳ phản kháng nào, nhanh chóng cúi đầu quy hàng.

Khá bất ngờ, Sâm không hề quanh co chối tội mà nhanh chóng thành khẩn khai báo toàn bộ về thân phận, tội ác cũng như hành trình lẩn trốn pháp luật của mình. Có lẽ chuỗi ngày dài sống trong sợ hãi và hối hận đeo đẳng khiến cô ta đã quá mệt mỏi.

SÁT NHÂN SINH RA TỪ GHEN GHÉT ĐỐ KỴ

Sâm tự nhận bản thân không có sắc nước hương trời nên đã phải chấp thuận lấy anh Nguyễn Văn Nhân làm chồng dù biết anh đã trải qua 1 lần đò và có cậu con trai riêng. Mới đầu cuộc sống vợ chồng và cậu bé kia cũng khá hòa hợp chứ cũng chẳng đến nông nỗi nào.

Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi Sâm mang thai và sinh cô con gái đầu lòng. Lúc này Sâm bắt đầu không thấy thoải mái khi ở trong nhà chồng, chị ta cho rằng mẹ con mình bị ghẻ lạnh. Bao nhiêu yêu thương, quan tâm thì gia đình nhà chồng đều dành cho đứa con trai riêng kia hết. Nhiều chuyện cứ chồng chất lên nhau, khi đã mang trong mình thành kiến, Sâm đâm ra soi mói, tủn mủn từng chuyện nhỏ nhặt.

Dần dần, những bức bối trong lòng không thoát được ra trở thành niềm căm phẫn, ý niệm ghen ghét đố kị và đối tượng để Sâm trút mọi căm phẫn không ai khác chính là cháu Hợp. 

Ngày hôm đó, Sâm định ra đồng làm thì cậu bé Hợp cứ lẽo đẽo đòi đi theo sau, đuổi mãi không được Sâm tức mình giơ tay tát thẳng vào mặt cậu bé 1 cái đau điếng khiến thằng bé khóc ầm lên. Sâm sợ thằng bé sẽ mách chồng mình nên tìm cách dỗ dành nhưng càng dỗ thì Hợp lại càng khóc to hơn. 

Vụ án

Vốn đã coi Hợp là cái gai trong mắt, tiếng khóc dai dẳng của đứa trẻ khiến Sâm gần như phát điên. Chị ta lập tức nghĩ đến việc phải nhổ bỏ cái gai này đi. 

Sâm lừa cháu Hợp vào 1 căn bếp bỏ hoang ven đường. Tại đây, Sâm dùng tay bóp cổ, liên tiếp đánh nhiều nhát vào vùng đầu và lưng đứa trẻ, Sâm cứ lạnh lùng, tàn nhẫn đánh đập như vậy cho đến khi đứa bé tử vong. Xong xuôi, Sâm bình tĩnh nhét thi thể cháu Hợp vào bao tải, đặt vào 1 bên thúng, bên còn lại để 1 tải tro bếp rồi gánh ra cánh đồng bên kia đê để đào hố chôn xác cháu bé Sâm

Thi thể của đứa trẻ tội nghiệp nằm lạnh lẽo dưới đất suốt 4 ngày ròng rã mãi cho đến khi bà Rõ vô tình phát hiện ra...

Anh Nhân đau xót kể lại trong suốt 4 ngày đó, Sâm diễn xuất sắc vai diễn của 1 người mẹ kế yêu thương con chồng. Anh đi đến đâu, Sâm cũng đi đến đó, Sâm theo anh lội ruộng mò ao, theo anh đêm hôm khuya khoắt đi từng góc làng góc xóm để tìm kiếm đứa trẻ. Nào ai có thể ngờ, người đầu ấp tay gối với mình lại đang tâm giết chết đứa con mà hằng ngày vẫn gọi chị ta một tiếng "mẹ". 

TỘI ÁC TÀY TRỜI ẨN DƯỚI VỎ BỌC GÓA PHỤ ĐÁNG THƯƠNG

Nghe thấy chuyện người ta tìm thấy xác đứa trẻ bên bãi Giằng, hơn ai hết, Sâm biết thi thể đó là ai, biết rằng chẳng thể nào trốn tội, Sâm nhân lúc mọi người còn hoang mang hoảng loạn liền bế theo con gái nhỏ mang theo ít tư trang tìm đường bỏ trốn. 

Ghé qua nhà bố mẹ đẻ trong chốc lát, Sâm lại tiếp tục ôm đứa bé chưa đầy tuổi tiếp tục hành trình chạy trốn. Viện cớ đưa con nhỏ đi chữa bệnh, Sâm đi nhờ được 1 người lên trung tâm thành phố Hà Nội. Chiều tối ngày 22-5-1988, khi mà cơ quan chức năng bắt đầu triệu tập Sâm theo đúng quy trình thì chị ta đã có mặt tại ga Hàng Cỏ chờ chuyến tàu gần nhất để vào Nam.

Sâm mang theo ý định trốn tội nên chẳng hề có toan tính sẽ đi đâu về đâu, vốn dĩ Sâm không hề có bà con họ hàng hay người thân quen trong Nam. Suốt 17 năm trời, cơ quan điều tra chưa từng nghĩ chị ta sẽ chạy trốn vào khu vực này. Dọc đường, người ta thấy cô gái trẻ mang theo con nhỏ nên ai nấy cũng động lòng trắc ẩn, Sâm cứ thế mà ôm đứa trẻ xin ăn ngày qua ngày.

Trải qua nhiều ngày lang thang vô định, 2 mẹ con Sâm dạt xuống Bình Dương. Sâm xin phụ việc cho 1 quán ăn, chỉ được đôi bữa thì bà chủ quán qua đời. Ít lâu sau, ông chủ quán thấy Sâm là người thiếu phụ trẻ khỏe mạnh, chịu khó, hoàn cảnh lại thương tâm nên ông chủ nhà động lòng trắc ẩn và hai người nên duyên vợ chồng. Sâm sau đó đã sinh cho ông này 2 người con trai. Cũng chính vì vậy mà Sâm được nhập khẩu vào gia đình này và làm chứng minh nhân dân mới với cái tên Nguyễn Thị Thanh. 

Vụ án

Tưởng chừng như tìm được hạnh phúc thì cũng chỉ được có vài năm, người chồng thứ 2 của Sâm bỗng nhiên qua đời vì bạo bệnh. Giữa lúc 1 nách 3 đứa con nheo nhóc thì Sâm lại nên duyên với người đàn ông thứ 3. Hai người không kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Có nhà, có cửa cùng với hàng mẫu đất của người chồng thứ hai để lại, cuộc sống của Sâm cùng người chồng hờ khá ổn định. 

Người chồng hờ này của Sâm đã cao tuổi và là người có uy tín cao trong vùng, có lẽ Sâm cũng muốn nương tựa vào người đàn ông này để qua mắt cơ quan chức năng. Thế nhưng lại 1 lần nữa, khi Sâm mới sinh đứa con trai cho người chồng thứ 3 thì ông này cũng về với cát bụi.

Sâm lại 1 lần nữa trở thành góa phụ, 1 đàn con nheo nhóc là thế nhưng cuộc sống của mẹ con Sâm cũng không đến nỗi nào bởi lẽ vừa có ruộng vườn vừa có nhà cửa 2 đời chồng kia đã để lại.

Thế nhưng xuyên suốt 2 thế kỷ đó, Sâm có thể trốn được pháp luật nhưng không trốn được cảm giác tội lỗi cứ dâng lên mỗi ngày. Kể cả vào những ngày tháng hạnh phúc nhất, chị ta chưa 1 ngày được ngủ an giấc. Trong mỗi giấc mơ, chị ta đều nhìn thấy đứa con chồng mà mình đang tâm giết hại, thậm chí ngay cả khi thức, ám ảnh về đứa trẻ đó cũng không khi nào buông tha bà dì ghẻ độc ác.

Gieo nhân nào gặt quả đó, trải qua bao thăng trầm cuộc đời, Sâm hiểu hơn ai hết, tội lỗi mình gây ra sẽ luôn phải trả giá dù không bằng cách này thì cũng bằng cách khác. Dù trốn được tội với đời nhưng chẳng thoát tòa án lương tâm luôn trực chờ trên đầu trên cổ.

Ông trời không dưới 1 lần bắt Sâm phải nếm trải cảm giác mất mát người thân. 3 đời chồng nhưng thời điểm bị bắt, Sâm vẫn là 1 góa phụ với 1 đàn con nheo nhóc. Tội lỗi Sâm mang theo không ít bận thúc ép Sâm ra đầu thú nhưng rốt cuộc chị ta vẫn không đủ dũng cảm để đối diện với quá khứ chứa đựng tội ác tày trời của mình.

Vụ án

Rồi thì Sâm tìm đến cửa Phật, với tâm niệm tìm đến 1 biện pháp an ủi tâm linh để xoa dịu cảm giác sợ hãi, ám ảnh bởi cái chết của đứa con chồng. Thế nhưng dù có đi lễ bao nhiêu lần, dù có sám hối bao nhiêu ngày, Sâm vẫn luôn sống trên đống lửa, vừa ám ảnh vì tội ác, lại cũng sợ hãi sợ bị cơ quan chức năng bắt được.

Với tội danh giết người, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây khi đó đã tuyên phạt Nguyễn Thị Sâm bản án tù chung thân. Về thụ án tại Trại giam số 5 (Thanh Hóa), Sâm hầu như không có người thân thăm nuôi. Nhiều đêm, tỉnh giấc giữa phòng giam lạnh lẽo, Sâm mơ thấy cháu Hợp về đòi mạng sống. Tỉnh dậy, mồ hôi Sâm vã ra đầm đìa, lạnh toát sống lưng, không sao ngủ tiếp được nữa.

Và cuối cùng, người nhận về nhiều đau thương nhất có lẽ là anh Nhân - bố đẻ của cháu Hợp. Vào những ngày tăm tối năm 1988 đó, anh 1 lúc mất đi người vợ và 2 đứa con. Đứa con trai đầu lòng thì đã mãi mãi an giấc ngàn thu, đứa con gái năm đó Sâm bế đi lại chẳng thể nối lại tình cảm, bởi lẽ chừng ấy năm trời trôi qua, đứa trẻ chưa 1 lần gặp lại cha và chính anh Nhân lại cũng chẳng thể nào dung thứ cho tội ác mà người đàn bà từng đầu ấp tay gối với mình đã gây ra.

Mạn Ngọc (T/H)

Tin mới