(Tổ Quốc) - Khi biết được nguyên nhân khiến cậu bé đi lang thang nhặt rác, người ta không khỏi thán phục trước cách dạy con của người mẹ này.
Khi con cái hư hỏng, nghịch phá, việc bị trừng phạt là điều nên làm. Tuy nhiên, cha mẹ nên chú ý tới cách phạt của mình, bởi nếu áp dụng sai nó không chỉ khiến trẻ bất mãn, không rút kinh nghiệm mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy khác nghiêm trọng hơn.
Cách dạy con hiệu quả hơn cả đòn roi của người mẹ
Cách đây không lâu, trên mạng lan truyền một câu chuyện kể về một cậu bé 8 tuổi nghịch ngợm, phá hư đồ đạc của nhà trường. Mặc dù mẹ cậu bé và nhà trường đã có buổi trao đổi với nhau, vấn đề cũng được giải quyết xong. Tuy nhiên, người mẹ vẫn quyết định dạy dỗ con mình theo một cách thức riêng.
Sau đó, người mẹ yêu cầu con trai mình phải đi nhặt rác để kiếm tiền bồi thường cho nhà trường. Khi thấy đứa trẻ lang thang nhặt rác, nhiều người không khỏi tò mò nên đã tiến lại hỏi chuyện.
Một người hỏi: "Tại sao con lại đi nhặt rác như vậy?".
Cậu bé trả lời: "Vì con làm bể cửa kính lớp học nên phải kiếm tiền để đền".
Người này nói tiếp: "Có phải con bị mẹ phạt đi nhặt rác không?".
Cậu bé đáp: "Không phải là trừng phạt. Đây là do mẹ con không có tiền, mẹ đã nhờ con giúp mẹ nhặt rác. Sau đó, mẹ sẽ bán nó và trả tiền bồi thường cho nhà trường".
Qua cuộc trò chuyện, mọi người biết được cậu bé đang học tiểu học. Bình thường cậu bé rất hay nghịch ngợm, không chỉ làm bể cửa kính nhà trường nhiều lần mà còn thường xuyên phá phách trong lớp.
Vì lần này phía nhà trường yêu cầu gia đình phải bồi thường, người mẹ nghĩ rằng nếu chỉ đơn giản trả tiền cho nhà trường, con mình sẽ không nhận ra bài học gì cả. Vì thế, người mẹ quyết định dùng cách này để giáo dục con mình về tính trách nhiệm.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, cách giáo dục thực tế này hữu ích hơn gấp nhiều lần so với việc trẻ bị mắng mỏ hay đánh đập. Nó giúp cho một đứa trẻ tự nhận ra lỗi lầm của mình, tự chịu trách nhiệm về hành vi mình gây ra.
Rõ ràng, người mẹ này đã khéo léo nhờ con giúp đỡ mình thay vì ra lệnh cho con phải nhặt rác kiếm tiền để nộp phạt. Bằng cách này, trẻ vui vẻ đi làm và cảm thấy mình vừa giúp đỡ được mẹ, vừa chịu trách nhiệm với lỗi lầm đã gây ra.
Trên thực tế, có không ít những vấn đề của trẻ em bắt nguồn từ việc thiếu trách nhiệm như trì hoãn, không thích làm việc nhà, ăn vạ, lười biếng. Trách nhiệm là tính cách cực kỳ quan trọng đối với một người cả trong học tập và công việc sau này. Vì vậy, việc trau dồi tính trách nhiệm cho trẻ ngay từ nhỏ là một trong những điều cần được cha mẹ chú trọng khi giáo dục con cái.
PHAN HIỀN