(Tổ Quốc) - Biết đám cưới là chuyện trọng đại của cả đời người song vợ chồng chị vẫn duy trì phương châm đơn giản, tiết kiệm, không cần quá cầu kỳ.
Giống như các cặp đôi khác, ngày cưới vợ chồng chị Hạnh cũng cố gắng hết sức để sắm sửa, chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất, rộn ràng song anh chị vẫn luôn đề cao tinh thần tiết kiệm để lo cho cuộc sống, tương lai sau này.
Chị Hạnh chia sẻ, vợ chồng chị yêu hơn 3 năm mới cưới. Chồng chị làm kỹ sư xây dựng lương 1 tháng được 13 triệu, chị làm hành chính văn phòng thu nhập 9 triệu/tháng. Vì ngay từ đầu hai người xác định sẽ tiến tới hôn nhân nên yêu được 1 năm là anh chị tính chuyện tích lũy chung để lo đám cưới.
Anh chị quy định rõ mỗi tháng hai người chỉ tiêu tối đa 50% lương còn đâu giữ lại tiết kiệm. Một tháng anh Lâm đưa chị Hạnh 7 triệu, cộng 4 triệu của chị nữa là được 11 triệu tiết kiệm. Trong vòng hơn 2 năm, anh chị bỏ ra được 280 triệu bao gồm cả lãi.
Đầu năm 2019 anh chị quyết định kết hôn. "Cũng biết là đám cưới là chuyện trọng đại của cả đời người song vợ chồng mình vẫn duy trì phương châm đơn giản, tiết kiệm.
Không cần quá cầu kỳ bởi bản thân vợ chồng mình hiểu cuộc sống sau cưới còn nhiều khó khăn cần tới tài chính kinh tế.
Vậy nên ngay từ đầu mình với chồng thống nhất chỉ sắm những vật dụng thật thiết thực, tuyệt đối không 'phóng tay quá trán'. Riêng cỗ bàn bố mẹ hai bên bỏ ra hoàn toàn, bọn mình không phải lo".
Chi phí cho đám cưới của vợ chồng chị Hạnh như sau:
Thuê nhà: 4 triệu - Vì xác định hai đứa kết hôn xong sẽ ra ngoài ở riêng luôn nên vợ chồng mình thuê 1 căn chung cư mini với giá 4 triệu một tháng, đặt cọc trước nửa năm.
Giường, chăn ga cưới, tủ quần áo: 13 triệu
Gói ảnh cưới, thuê váy, trang điểm cô dâu 2 ngày ăn hỏi, cưới: 8 triệu
Chi phí cho tuần trăng mật 3 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng: 10 triệu
Nhẫn cưới: 5 triệu.
Tổng chi phí cho đám cưới hết: 60 triệu.
Sau cưới, vợ chồng chị Hạnh thu về 120 triệu tiền mừng của bạn bè người thân. Số tiền này ban đầu anh chị tính gửi lại bố mẹ để họ trang trải tiền cỗ bàn nhưng cả hai bên gia đình đã thống nhất cho lại anh chị làm vốn riêng
Như vậy trừ các khoản chi phí, sau cưới vợ chồng chị Hạnh còn lại 220 triệu tiền tiết kiệm 120 triệu tiền mừng = 340 triệu.
Kết hôn rồi, vợ chồng chị Hạnh vẫn giữ mức chi tiêu như cũ, chỉ tiêu 40% thu nhập, 60 % để tích lũy.
Các khoản chi phí một tháng của vợ chồng chị Hạnh:
Tiền ăn: 3 triệu
Tiền xăng xe đi lại: 500k
Đối nội đối ngoại: 1.5 triệu
Sinh nhật bạn bè: 1 triệu
Quần áo, giày dép: 1 triệu
Điện nước: 1 triệu
Tiền nhà (đã trả trước 6 tháng)
Tổng chi tiêu 1 tháng của vợ chồng chị Hạnh là 8 triệu, còn lại 13 triệu gửi tiết kiệm.
Sau cưới, ban đầu vợ chồng mình cũng chưa tính tới chuyện mua nhà ngay vì thực lực kinh tế chưa cho phép. Nhưng sau được bạn bè tư vấn, bọn mình lại quyết tâm sẽ mua nhà trước, sinh con sau vì hai đứa con trẻ.
Bước sang tháng thứ 5 sau khi kết hôn, bạn mình làm bên bất động sản giới thiệu cho 1 căn hộ ở Hoàng Mai, rộng 65m2 với giá 1.050 tỷ, thấy ưng nên quyết định mua ngay.
"Khi ấy tiền tiết kiệm của mình chỉ có 405 triệu, vợ chồng mình bán hết vàng cưới bố mẹ hai bên cho được 130 triệu, dồn vào là được 535 triệu, còn lại vay ngân hàng.
Hiện mỗi tháng cả gốc cả lãi vợ chồng mình phải trả là hơn chục triệu.
Tuy cũng áp lực nhưng cả mình với anh xã đều rất thoải mái vì thứ nhất 2 đứa mua được nhà sớm hơn dự định. Thứ 2 khoản nợ kia hoàn toàn nằm trong khả năng chi trả của vợ chồng nên không đáng ngại.", chị Hạnh chia sẻ.
Giang Nguyễn