(Tổ Quốc) - Thu nhập hai vợ chồng khoảng 30 triệu/tháng, vừa bằng số tiền phải chi ra nên 1 năm nay vẫn chưa để dành được khoản tiền tiết kiệm nào.
Thu nhập 30 triệu/tháng chỉ vừa đủ tiền chi tiêu
Đó là câu chuyện của gia đình chị Trần Lành và chồng (quê ở Thái Nguyên) hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều là người tỉnh lẻ, sinh sống và làm việc ở Thủ đô được gần chục năm nay.
Chồng chị Lành làm cho một công ty công nghệ, lương tháng gần 20 triệu, còn chị Lành làm cho một công ty truyền thông lương 10 triệu/tháng.
Mức lương hai vợ chồng cộng lại được 30 triệu/tháng. Đây là một khoản thu nhập không quá cao nhưng cũng không phải là quá thấp để trang trải cho cuộc sống ở Hà Nội. Thế nhưng từ ngày có con nhỏ, cặp vợ chồng trẻ luôn phải chật vật với việc duy trì và cân đối chi tiêu để không vượt quá khoản thu nhập của mình.
May mắn có ông bà nội ở quê chăn nuôi, trồng rau nên mỗi tháng đều gửi đồ ăn sạch lên cho. Tuy vậy, tiền đi chợ mua bổ sung thứ này thứ khác hay ăn sáng của vợ chồng chị Lành vẫn mất thêm 6 triệu.
Chị Lành chia sẻ: "Gia đình mình có hai vợ chồng và 1 con nhỏ mới 1 tuổi. Vì chưa mua được nhà nên đi thuê căn hộ giá 5 triệu/tháng, có 2 phòng ngủ ở khu vực Tố Hữu - Hà Đông. Căn hộ này vợ chồng để 1 phòng ở cùng với con và 1 phòng dành cho người giúp việc. Giá thuê giúp việc chăm con là 6 triệu/tháng.
Vợ chồng mình may mắn có ông bà nội ở quê chăn nuôi, trồng rau nên mỗi tháng đều gửi đồ ăn sạch lên cho. Tuy vậy, tiền đi chợ mua bổ sung thứ này thứ khác hay ăn sáng vẫn mất thêm 6 triệu/tháng. Tiền điện nước là 1,5 triệu/tháng, tiền mạng là 270k/tháng".
Các khoản chi phí cho con mỗi tháng hai vợ chồng chị Lành tốn thêm 4 triệu nữa, bao gồm tiền sữa: 1 triệu, vitamin thuốc bổ: 1 triệu, bỉm: 1 triệu, quần áo: 500k, đồ ăn dặm hết 400k.
Do hai vợ chồng đi làm ở hai nơi khác nhau, giờ làm việc cũng không thuận nên mỗi người sử dụng 1 xe máy. 1 tháng mất thêm 400k tiền đổ xăng.
Ông bà thường xuyên gửi đồ ăn lên cho con nên mỗi tháng hai vợ chồng gửi biếu 2 triệu, cộng các khoản đám cưới, hiếu hỉ hết 2 triệu nữa. Các khoản chi tiêu linh tinh khác tốn thêm 2 triệu. Thỉnh thoảng bạn bè cũng ghé chơi, tụ tập chi phí khoảng 800k/tháng.
Tìm "đỏ mắt" cũng không thấy khoản nào cắt giảm được
Nhìn vào bảng chi tiêu, chị Lành không khỏi choáng váng vì bấy lâu nay vẫn thường thắc mắc "tiền của mình không biết đi về đâu". Thu nhập ổn định nhưng từ khoảng 1 năm nay khi có thêm con nhỏ, hai vợ chồng chưa để dành được một khoản tiền tiết kiệm nào.
Chị Lành thở dài: "Liệt kê ra mới biết hai vợ chồng tiêu nhiều khoản đến vậy. Nhưng thú thực mình cũng chưa biết bắt đầu cắt giảm từ đâu, vì khoản nào cũng thấy cần và thấy đúng.
Mình cũng thực sự thấy hoang mang, không biết nên điều chỉnh lại cách chi tiêu của gia đình hay cứ giữ nguyên cách sống như hiện nay. Bởi lẽ lương thì không tăng nhưng lạm phát, chi tiêu sẽ ngày một nhiều hơn. Nếu như vậy có lẽ về già, vợ chồng mình cũng không có nổi 1 xu tiết kiệm".
Câu chuyện của vợ chồng chị Lành là thực tế mà nhiều cặp vợ chồng trẻ đang gặp phải. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, hiện nay thu nhập phần lớn vợ chồng trẻ thường ở mức 15-30 triệu đồng/tháng. Nhưng vì chi tiêu quá tay, nhiều gia đình không có bất cứ khoản dự phòng nào.
Theo tư vấn của các chuyên gia, mức thu nhập trên khá tốt và các cặp vợ chồng trẻ hoàn toàn có thể để dành ra 1 khoản tiền dư nếu biết cách tiết kiệm và tích lũy. Một cách phân bổ chi tiêu dễ dàng để áp dụng được gợi ý như sau:
Quỹ ăn uống: 20% thu nhập
Quỹ điện thoại, xăng xe, chăm sóc người thân, con cái, mở rộng quan hệ: 40% thu nhập
Quỹ du lịch, giải trí, vui chơi: 20% thu nhập
Tích lũy dự phòng: 20% thu nhập
Cố gắng duy trì chi tiêu theo công thức này sẽ giúp các cặp vợ chồng trẻ cải thiện được tình hình tài chính và có thêm 1 khoản tiền dành dụm nhất định.
Bài viết ghi theo lời chia sẻ của nhân vật.
Hồng Nhung