Cặp vợ chồng già lượm ve chai chục năm ở lều không điện nước, muốn hồi hương mà bất lực

(Tổ Quốc) - Hơn chục năm nay, họ đi lang thang khắp Sài Gòn làm thuê đủ thứ nghề, đến khi sức lao động giảm dần hai vợ chồng già mưu sinh bằng nghề lượm ve chai.

Ở tuổi lục tuần, cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu nhưng vợ chồng cô Thu, chú Hiệp (quê Trà Vinh) vẫn đang cặm cụi với gánh nặng mưu sinh mỗi ngày. Họ hiện đang làm công việc lượm ve chai. 

Theo lời kể của cô Thu, để kiếm được khoảng 200 nghìn mỗi ngày, hai vợ chồng già phải thức trắng đêm để làm việc. Mỗi đêm họ thường đi lượm nhặt phế liệu, sáng trở về thì lột giấy, bao, chai lọ ướt đem phơi khô rồi đem bán.

Ngay góc bãi đất trống phơi ve chai là "căn nhà" của vợ chồng này. Đó chính là 1 chiếc lều nhỏ, xung quanh được che chắn bằng tấm bạt, phía cửa ra vào được bọc bởi tấm nilong.

Cặp vợ chồng già lượm ve chai chục năm ở lều không điện nước, muốn hồi hương mà bất lực - Ảnh 1.

Cặp vợ chồng miền Tây đã lên Sài Gòn mưu sinh hơn chục năm nay bằng nhiều nghề khác nhau trước khi đi lượm ve chai.

Trong chiếc lều chật hẹp, chú Hiệp đặt một tấm phản để ngả lưng mỗi khi mệt. Cạnh đó là chiếc bếp ga mini, trên bếp là chiếc nồi được bọc kín nilong để tránh ruồi. Một góc cuối lều treo vài bộ quần áo.

Chỉ có mấy món đồ đơn giản của hai người già vậy nhưng vừa mở "cửa" là đàn ruồi bay kín lều. Xung quanh nhiều cây cối, ẩm ướt lại gần nơi phơi, trữ phế liệu nên lúc nào cô chú cũng như sống chung cùng ruồi muỗi.

Hơn chục năm lên Sài Gòn kiếm sống là từng ấy năm họ sống cảnh lều bạt.

Kể về cuộc đời nổi trôi của mình, cô Thu rưng rưng: "Vợ chồng tôi lên Sài Gòn sinh sống đã hơn chục năm nay. Trước đó, chúng tôi cũng không có tiền thuê nhà trọ nên dựng một căn chòi ở làm đủ thứ nghề rửa bát thuê, giặt đồ, phụ hồ. Nay ổng yếu rồi, vợ chồng tôi quyết định đổi nghề lượm ve chai nên cũng chuyển chỗ ở luôn.

Nhiều người hỏi đến con cái nhưng các con cũng ở cảnh khổ nên vợ chồng tôi không dám nghĩ đến chuyện nhờ chúng. Con trai mình còn con dâu, con gái mình cũng còn con rể nên tôi bảo ông cố làm qua ngày chứ con cái đâu thể nuôi mình mãi được".

Mỗi ngày nhặt phế liệu không kể ngày đêm, cặp vợ chồng già kiếm được 200 nghìn đồng. Số tiền quá ít ỏi để họ có thể thuê nhà trọ, trả điện nước và duy trì chi phí sinh hoạt nên họ đành lựa chọn cuộc sống màn trời chiếu đất.

Cặp vợ chồng già lượm ve chai chục năm ở lều không điện nước, muốn hồi hương mà bất lực - Ảnh 3.

Chú Hiệp nhìn về phía xa xa nơi chiếc lều tạm bợ của hai vợ chồng.

Cặp vợ chồng già lượm ve chai chục năm ở lều không điện nước, muốn hồi hương mà bất lực - Ảnh 4.

Chiếc hồ sen chú thường tắm mỗi chiều và lấy nước cho vợ.

Ở Sài Gòn khổ là vậy nhưng khi nhắc về chuyện hồi hương, cô Thu không giấu được những giọt nước mắt nữa.

"Về quê không có đất cát, chúng tôi đi tha hương cầu thực còn có kiếm được việc mà sống lay lắt. Thực tình ở nhà tôi ai cũng nghèo, đâu có ai mướn việc gì nên đến chết cũng phải đi vậy thôi chứ đâu còn cách khác. Cảnh khổ phải chịu thôi, đâu dám than gì đâu", người phụ nữ buồn bã nói.

Dù sống cảnh thiếu thốn đủ đường nhưng cô Thu và chú Hiệp đã quen với cảnh ấy nên câu chuyện mỗi ngày của đôi vợ chồng già là bảo nhau giữ sức khỏe, lo sắp xếp công việc làm ăn. Họ vẫn gọi nhau hai tiếng "anh", "em" đầy ngọt ngào. Mỗi buổi chiều, sau khi đi qua bãi đất trống đến hồ sen nhỏ tắm, chú Hiệp lại xách một thùng nước về cho vợ.

Nguồn: Anh Tình Vlogs

Minh

Tin mới