(Tổ Quốc) - Tính đến ngày 28/3, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là 594.344, với 27.251 trường hợp tử vong và 132.622 người đã hồi phục. Hiện tại, dịch bệnh đã ảnh hưởng và lây lan đến 199 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong chưa đầy 24 giờ, Mỹ đã ghi nhận thêm 16.961 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca ở nước này lên tới 102.396, có thêm 312 người chết, theo đó tổng sô ca tử vong là 1.607. Các khu vực là ổ dịch lớn nhất nước này là New York và New Jersey - chiếm khoảng 1 nửa tổng số ca. Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết mỗi ngày Mỹ tiến hành khoảng 100.000 xét nghiệm, sau nhiều tuần thống đốc các bang và nhân viên y tế phàn nàn rằng họ không có đủ dụng cụ để thực hiện. Ngoài ra, riêng bang New York có thể cần đến 40.000 máy trợ thở để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch.
Italy ngày hôm qua cũng có thêm 5.909 trường hợp dương tính với virus corona mới, đưa tổng số ca ở nước này lên 86.498. Số ca tử vong cũng tăng thêm 919, lên 9.134. Trong khi đó, Italy cũng đón nhận thông tin tích cực là một cụ ông 101 tuổi đã được xuất viện, sau khi được xác nhận nhiễm Covid-19 hồi tuần trước. Ngoài ra, số ca mới ở Italy cũng tăng với tốc độ chậm hơn. Mới đây, người đứng đầu viện sức khoẻ quốc gia đã cảnh báo rằng số ca của nước này vẫn chưa đạt đỉnh.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 7.933 người nhiễm trong 1 ngày, tổng số ca hiện tại là 65.719, với 5.138 trường hợp tử vong, tăng 773 ca so với ngày hôm qua. 27/3 là ngày ghi nhận nhiều người chết nhất đối với Tây Ban Nha. Nước này cho biết có gần 200 binh sĩ và gần 300 cảnh sát dương tính với virus corona. Chính quyền thành phố Madrid đã cảnh báo người dân rằng tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn bởi số ca nhiễm vẫn chưa đạt đỉnh. Cho đến nay, Tây Ban Nha và Italy là 2 quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới.
Đức và Pháp ngày hôm qua cũng có thêm 6.933 và 3.809 ca nhiễm Covid-19 mới, theo đó tổng số người nhiễm ở 2 quốc gia này lần lượt là 50.871 và 32.964. 2 nước có thêm 84 và 299 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 351 và 1995. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe mới đây cho biết lệnh phong toả sẽ được kéo dài đến ngày 15/4, các quy định hạn chế sẽ được mở rộng hơn nữa nếu cần thiết.
Số trường hợp dương tính với virus corona ở Anh tăng thêm 2.885 lên 14.543 và có thêm 181 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 759. Ngày hôm qua, Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đều xác nhận đã nhiễm virus corona, nhưng có triệu chứng nhẹ và đang thực hiện cách ly tại nhà.
Iran vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc, với 32.332 người nhiễm, tăng 2.926 so với ngày hôm qua và 2.378 trường hợp tử vong. Truyền thông Iran ngày 27/3 đưa tin nước này đã có gần 300 người chết và 1.000 bị thương do nghe theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng uống cồn công nghiệp có thể chữa Covid-19.
Malaysia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với 2.161 trường hợp và 26 ca tử vong. Indonesia có tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 ca nhất khu vực, 8,3%, với 87 người chết trong khi có 1.046 trường hợp nhiễm bệnh.
Libya mới đây đã xác nhận có trường hợp đầu tiên nhiễm nCoV, có nghĩa là 21 trong số 22 quốc gia Đông ĐỊa Trung Hải đã bị ảnh hưởng. WHO cảnh báo khả năng ứng phó với dịch bệnh của Libya ở một số khu vực là cực kỳ và thậm chí là không thể với mức độ di chuyển lớn của người dân các nước láng giềng.
Ngoài ra, đại dịch sẽ gây nhiều khó khăn với Syria. WHO cho biết 1 nửa số bệnh viện ở quốc gia này đã không hoạt động sau 9 năm chiến tranh và hàng nghìn nhân viên y tế đã rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, WHO đã sử dụng 300 bộ test nhưng chưa có trường hợp nào cho kết quả dương tính.
Giang Ng