(Tổ Quốc) - Không còn là hành vi trộm cướp theo lối truyền thống, mà thủ đoạn mới đây của bọn cướp giật đã thay đổi tinh vi hơn, hóa trang thành những "vai" khác nhau để thực hiện dã tâm đen tối.
Nếu như trước đây, các đối tượng cướp giật tài sản thường thực hiện hành vi của mình một cách lén lút hoặc "nhắm" được "con mồi" là xông đến cướp đồ rồi chuồn mất, thì hiện tại, thủ đoạn của bọn trộm cướp này đã tinh vi và bài bản hơn rất nhiều.
Thủ đoạn mới của đối tượng này là đóng giả thành nạn nhân, nửa đêm cầu cứu, tri hô để gia chủ nghe tiếng, mở cửa (cổng) trợ giúp. Chỉ cần như vậy, đối tượng xấu sẵn sàng xông đến khống chế rồi cướp tài sản, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của chủ nhà.
Nửa đêm đập cửa nhà dân giả vờ kêu cứu
Điển hình như vụ việc mới đây khiến mạng xã hội xôn xao bàn tán. Người chủ nhà đã đăng tải đoạn clip ghi lại từ camera an ninh của mình cho thấy, nửa đêm, nghe tiếng tri hô cầu cứu của nam giới, người chủ nhà định ra mở cửa nhưng check camera thì thấy người này xăm trổ, tay cầm hung khí, nhảy từ cổng cao vào trước cửa nhà mình nên đã hô to lên cảnh báo.
Tên cướp đóng giả nạn nhân, liên tục đập cửa kêu cứu hòng cướp tài sản trong đêm
Thế nhưng lại bị đối tượng này chống đối bằng cách dọa giết và đập vỡ hết tài sản. Quá hoảng sợ, người chủ nhà đã gọi cho hàng xóm và cơ quan chức năng. May mắn đồ đạc bên ngoài bị phá hỏng nhưng tính mạng cả gia đình không ai bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vụ việc khiến ai xem đoạn clip cũng vô cùng kinh sợ trước hành vi côn đồ và thủ đoạn tinh vi của đối tượng này.
Hóa trang thành những "vai" khác nhau để cùng thực hiện việc lừa đảo, cướp giật
Theo thông tin từ Bộ Công an, tội phạm đột nhập nhà dân để thực hiện hành vi cướp thường chủ động tạo ra những lý do hợp lý như: Giả danh, hóa trang thành nhân viên kiểm tra điện, nước, truyền hình cáp… để chủ nhà, người có trách nhiệm quản lý tài sản mất cảnh giác, cho các đối tượng vào nhà, rồi sau đó bất ngờ dùng vũ lực, đe dọa để khống chế, chiếm đoạt tài sản.
Hoặc do quen biết với chủ nhà nên xin lưu trú lại, đến thời điểm thuận lợi thì dùng vũ lực khống chế, chiếm đoạt tài sản.
Ðặc biệt, để cướp tài sản, thời gian gần đây còn xuất hiện thủ đoạn các đối tượng tự tạo ra những tình huống khiến người tham gia giao thông mất cảnh giác, buộc phải dừng phương tiện như: Cho trẻ em ngồi, đóng giả người gặp tai nạn nằm trên đường, đặt các chướng ngại vật giữa đường vào buổi tối; hoặc dàn cảnh các vụ tai nạn, va chạm giao thông, đánh ghen, đánh nhau… khi người tham gia giao thông nhìn thấy, dừng phương tiện và tiến lại gần, các đối tượng phục sẵn quanh khu vực này sẽ ngay lập tức xông ra khống chế, hoặc dùng các thủ đoạn khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (như đánh thuốc mê) và chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng cũng có thể đóng giả là khách thuê xe ôm, thuê taxi… để dẫn nạn nhân đến địa điểm vắng vẻ, ít người qua lại hoặc có đồng bọn đợi sẵn…, sau đó thực hiện hành vi cướp tài sản.
Người dân cần làm gì để giữ an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình?
Để phòng tránh mối nguy hiểm từ những thủ đoạn tinh vi của tội phạm, Bộ Công an từng có nhiều những khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác và có các biện pháp tự phòng ngừa, hạn chế tối đa điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Quán triệt, thông báo đến các thành viên trong gia đình về những phương thức, thủ đoạn mà đối tượng thường sử dụng để đột nhập và thực hiện hành vi cướp tài sản. Cụ thể:
- Lắp đặt và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo hệ thống an ninh vẫn hoạt động tốt, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng có thể lợi dụng để đột nhập; đảm bảo mọi thành viên trong gia đình đều có số điện thoại của cơ quan Công an, Tổ trưởng tổ dân phố nơi sinh sống và lực lượng bảo vệ, an ninh (đối với các khu chung cư).
- Quán triệt, thông báo đến các thành viên trong gia đình về những phương thức, thủ đoạn mà đối tượng thường sử dụng để đột nhập và thực hiện hành vi cướp tài sản; tuyệt đối không mở cửa cho người lạ; trong trường hợp có người lạ gõ cửa kêu cứu, nhờ giúp đỡ gấp hay tự xưng là nhân viên sửa, kiểm tra điện, nước, truyền hình cáp… cần thật sự tỉnh táo, check camera trước hoặc yêu cầu cung cấp giấy tờ, đồng thời gọi điện xác minh qua công ty nơi họ làm việc, Tổ trưởng tổ dân phố hoặc bảo vệ tòa nhà (đối với các khu chung cư)…
- Trong trường hợp buộc phải mang trong người nhiều tài sản di chuyển trên các tuyến giao thông, nên để tài sản vào cốp xe, giữ bí mật, không được để người lạ hoặc những người có mối quan hệ không thân thiết biết, khi di chuyển phải có ít nhất 02 người, biểu hiện tự nhiên và di chuyển thẳng đến nơi cần đến.
- Hạn chế di chuyển trên các tuyến đường vắng, ít người qua lại (nhất là vào ban đêm); trường hợp buộc phải di chuyển trên các tuyến đường này, trước khi di chuyển cần thông báo cho người thân, để hạn chế thấp nhất tình huống xấu có thể xảy ra.
- Trường hợp khi đang di chuyển trên đường vào ban đêm, thấy có người nằm và kêu cứu hoặc trẻ em ngồi một mình bên đường, có vật cản đường… người điều khiển giao thông cần nhanh chóng quan sát xung quanh, dùng các thiết bị ghi hình hiện có để ghi lại hình ảnh, sau đó quay ngược đầu xe về phía khu vực có đông dân cư và thông báo với lực lượng Công an, chính quyền địa phương để kịp thời có phương án xử lý, cứu chữa.
Minh Khôi