Cảnh báo: Nghiên cứu mới xác định virus corona có thể bám trên khẩu trang tới hơn 1 tuần

(Tổ Quốc) - Nghiên cứu mới cho thấy thời gian virus bám trụ trên bề mặt khẩu trang dài hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Bởi vậy, tất cả cần tạo thói quen không chạm tay vào mặt trước của khẩu trang sau khi sử dụng, và rửa tay thường xuyên.

Nghiên cứu mới do ĐH Hong Kong (HKU) cho biết, virus corona SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 có thể bám trụ trên bề mặt nhựa và thép không gỉ đến 4 ngày. Nhưng quan trọng hơn là với bề mặt khẩu trang, thời gian ấy lên tới 1 tuần.

Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet vào ngày 2/4, với mục đích bổ sung thêm vào nghiên cứu về ổn định của SARS-CoV-2, và làm rõ những gì có thể làm để ngăn cản virus lây lan.

"SARS-CoV-2 có độ ổn định rất lớn trên các môi trường thuận lợi. Dẫu vậy, nó cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp khử trùng cơ bản," - trích lời Lee Poon Lit-man, trưởng phòng nghiên cứu tại ĐH Hong Kong, và Malik Peiris - chuyên gia bệnh truyền nhiễm. Lit-man cho biết, những dụng cụ khử trùng phổ biến trong gia đình - như thuốc tẩy - có thể diệt virus hoàn toàn hiệu quả.

Cảnh báo: Nghiên cứu mới xác định virus corona có thể bám trên khẩu trang tới hơn 1 tuần - Ảnh 1.

Để có được kết quả này, các chuyên gia đã làm thí nghiệm xem trong nhiệt độ phòng, virus có thể tồn tại được bao lâu trên các bề mặt khác nhau. Kết quả cho thấy, thời gian bám trụ của virus chỉ ở mức dưới 3h với các loại giấy (cả giấy ăn lẫn giấy in). Trong khi đó với gỗ và vải (cotton), virus biến mất sau 1 ngày.

Thủy tinh và tiền giấy vẫn cho thấy dấu vết virus sau 2 ngày, nhưng cũng hoàn toàn biến mất vào ngày thứ 4. Thép không gỉ và nhựa có thời gian dao động từ 4 đến 7 ngày.

Điều gây ngạc nhiên nhất là khẩu trang. Các chuyên gia cho biết họ vẫn xác định được vết virus trên lớp ngoài cùng của khẩu trang sau 7 ngày.

"Đây chính xác là lý do vì sao nếu bạn đeo khẩu trang y tế, bạn phải nhớ tuyệt đối không chạm tay vào mặt ngoài," - Peiris nhận xét. "Bởi bạn có thể khiến tay dính virus, và nếu chạm tay vào mắt thì bản thân bạn sẽ nhiễm bệnh."

Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cho biết mật độ virus trên toàn bộ bề mặt dùng trong thí nghiệm giảm đi với tốc độ khá nhanh qua thời gian. Hơn nữa, kết quả này không đồng nghĩa với "rủi ro nhiễm bệnh thường ngày" tăng lên, bởi virus được phát hiện nhờ các công cụ trong phòng thí nghiệm - nghĩa là điều kiện khá kỹ lưỡng và ngặt nghèo chứ không như bình thường.

Trước đó, một nghiên cứu do Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ kết hợp với CDC công bố trên tạp chí Nature cũng có kết luận rằng virus corona có thể tồn tại trên các bề mặt trong nhiều ngày. Theo nghiên cứu này, virus có thể bám trụ trên nhựa và thép trong 72h, nhưng chỉ có thể bám trên đồng trong 4h, và với bìa carton trong 24h.

Kết quả nghiên cứu từ ĐH Hong Kong cũng bổ sung thông tin mới nhất dành cho câu chuyện: mọi người cần phải đề phòng thế nào khi mua sắm vật dụng bên ngoài trong bối cảnh đại dịch xảy ra.

Theo Lee Poon Lit-man, việc quan trọng nhất vẫn là phải rửa tay. "Nếu muốn bảo vệ bản thân, hãy rửa tay thường xuyên và hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng trước khi rửa," - ông cho biết.

"Có rất nhiều cách để giảm mật độ virus. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là rửa tay."

Nguồn: SCMP

J.D

Tin mới