(Tổ Quốc) - Săn sale váy hoa nhí 6/6 nhưng nhận lại "nùi giẻ", cô gái oan ức vì mất oan gần 300k.
Nhiều người mất tiền oan
Mua hàng trên các trang thương mại điện tử đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng thích mua hàng online. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc hạn chế ra ngoài, tiếp xúc ở môi trường công cộng càng thúc đẩy việc đặt hàng online tăng lên.
Thế nhưng, mua hàng online không chỉ có mặt lợi ích mà rủi ro cũng nhiều. Ngay như mới đây, ViVi Nguyễn (hiện đang sống tại Sài Gòn) cũng đã gặp phải tình huống "dở khóc dở cười" khi đặt hàng săn sale trong ngày 6/6 với giá trị là 260k nhưng nhận về là một chiếc giẻ.
ViVi Nguyễn cho biết: "Ngày 6-6 mình săn sale trên một sàn TMĐT, kết quả 7-6 nhận được cái nùi giẻ. Đơn hàng giao y chang thông tin đơn đã đặt trên sàn TMĐT. Đơn hàng mình đặt là 260.350 đồng và mở ra là 1 cái giẻ. Còn đơn hàng đặt trên sàn khi kiểm tra thì vẫn chưa giao. Mình nhắn cho sàn thì báo không hỗ trợ, báo bên ship thì xin được số điện thoại nhưng gọi không bắt máy".
Không chỉ riêng ViVi Nguyễn mắc phải hoàn cảnh mất tiền oan này, mà nhiều người tiêu dùng khác cũng đã từng rơi vào trường hợp tương tự. Bạn Bảo Nguyên chia sẻ: "Mình đặt máy xông tinh dầu kích thước cỡ lớn nhưng lại được giao đến là miếng xốp mỏng chưa tới 2cm. Mình có tìm hiểu shop đó qua facebook thấy nhiều người cũng bị dính (đặt sạc điện thoại thì được ship cát và sạn). Mình có thấy đánh giá và bình luận dưới sản phẩm nhưng thấy giọng văn y nhau là biết shop tự đánh bóng tên tuổi. May mắn mình nhìn biết lừa và anh shipper cũng chịu khó trả hàng giúp mình nên không mất tiền oan".
Nguyên nhân được lý giải từ người trong nghề
Lưu Hoàng Anh (hiện là người đang đào tạo và kinh doanh Thương mại điện tử) cho biết, đây không phải là chiêu thức mới. Bởi lẽ đã có rất nhiều người tiêu dùng "dính chưởng" và mất tiền oan vì việc không cảnh giác. Theo đó, trường hợp này có thể tới từ các nguyên nhân sau:
- Chủ shop "lươn lẹo" gửi hàng sai cho khách
Có nhiều trường hợp là shop sẽ tạo ra nhiều trang shop A, B, C khác nhau. Bạn đặt hàng shop A thì shop A sẽ đặt hàng shop B cùng 1 địa chỉ và thông tin của bạn. Sau đó shop B ship hàng cho bạn. Bạn nhận hàng từ shop B nhưng đánh giá shop A là 1 sao thì shop A vào đánh giá shop B là 5 sao. Vậy là shop B vừa bán được hàng lại có nhiều sao nhiều uy tín.
- Từ một shop thứ ba
Theo hình mã vận đơn thì kho lấy là Bưu cục ở Sài Gòn và không liên quan đến đơn đã đặt. Đây có vẻ là một shop ngoài có được thông tin của khách hàng rồi tự gửi hàng đến và yêu cầu thu tiền. Bạn nên lưu ý rằng sàn TMĐT luôn có chỉ nhận hàng khi trạng thái vận chuyển là đang giao hàng.
Ngoài ra, Hoàng Anh cũng có lời khuyên tới mọi người là nên thanh toán online với các đơn hàng để giảm thiểu tối đa việc kẻ xấu có cơ hội lừa bạn. Trên sàn TMĐT cũng có chế độ bảo vệ người dùng nên phát hiện hoặc nghi ngờ tính xác thực của đơn hàng bạn cũng có thể bấm nút trả hàng hoặc hoàn tiền (khi chưa bấm nút đã nhận hàng).
Lưu ý khi nhận hàng để tránh rủi ro
Khi mua hàng online trên sàn thương mại điện tử tức là bạn đang làm việc với bên thứ ba. Việc thông tin mua bán, trao đổi trong quá trình đặt hàng giữa bạn, chủ shop, shipper hiện tại vẫn còn tồn đọng nhiều lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng và chuộc lợi.
Chính vì thế, những sàn thương mại điện tử cũng đã cảnh báo rất nhiều cho khách hàng khi đặt, đặc biệt là với những đơn hàng có dấu hiệu nghi ngờ về tính xác thực.
Bạn có thể tham khảo cảnh báo của sàn thương mại điện tử Shopee dưới đây:
Bí kíp không bao giờ nhận nhầm hàng: Kiểm tra mã vận đơn
Nếu bạn còn chưa biết thì mã đơn hàng cũng như tên và số điện thoại của bạn đều có thể copy lại in ra bill dán lên gói hàng. Thế nhưng mã vận đơn là do đơn vị vận chuyển cung cấp sau khi shop chuẩn bị hàng xong , mã này để bên vận chuyển theo dõi đơn đi tới đâu nên sẽ không thể trùng 1 mã 2 đơn được.
Chính vì vậy, bạn hãy cố gắng dành chút thời gian kiểm tra thêm mã vận đơn của mình nếu cảm thấy có nghi ngờ về tính xác thực của đơn hàng.
KT