(Tổ Quốc) - Bánh gạo mềm dẻo đã trở thành 1 loại thực phẩm giết chết không ít người mỗi năm.
Vào dịp năm mới, người Nhật Bản có phong tục ăn bánh gạo. Nhưng với người lớn tuổi, nhất là những người sống một mình, họ đành phải bỏ qua nghi thức truyền thống này vì không có khả năng thực hiện. Chính vì thế, nhiều người nổi tiếng ở Nhật đã tặng bánh gạo miễn phí cho nhóm người lớn tuổi này.
Nhưng công chúng dường như không đánh giá cao hành động đẹp này mà còn chế nhạo nó, cho rằng đây là cách thức "thi hành án hợp pháp", "giải quyết lão hóa dân số Nhật Bản" và "tiết kiệm lương hưu dưỡng già".
Tại sao lại như vậy? Câu trả lời là bởi vì bánh gạo là kẻ giết người vô hình nguy hiểm nhất của người già.
Đặc biệt, những người cao tuổi sống một mình, không có người chăm non là những người gặp nguy hiểm cao nhất vì nghẹn do bánh gạo. Đó là nguyên nhân có câu nói: "Nếu bạn muốn giết một người già cô độc thì hãy tặng bánh gạo cho người đó".
Là vùng sản xuất gạo chủ yếu, món ăn truyền thống quen thuộc nhất ở Châu Á chính là bánh gạo. Cách ăn bánh gạo ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực là khác nhau, có thể luộc, chiên, xào, hấp,... nhưng dù thế nào thì bánh gạo vẫn không hết dính, nhất là bánh gạo Nhật Bản.
Tinh bột là một chất phân tử được liên kết bởi nhiều glucose, được gọi là polysaccharide. Và tinh bột được chia thành 2 loại, một loại là amyloza, loại còn lại là amylopectin. Bánh gạo dính như thế là vì chúng chứa một lượng lớn amylopectin.
Cái gọi là amyloza là mỗi chuỗi khoảng 1.000 phân tử glucose. Nhưng amylopectin thì khác, nó phân nhánh ngắn với số lượng lớn, khoảng 5.000 đến 20.000 glucose.
Khi đun nóng trong nước, tinh bột sẽ bị hồ hóa. Trong quá trình này, amylopectin khó hòa tan trong nước hơn amyloza và dễ hình thành một mạng lưới xen kẽ nhau, khiến chúng có độ dính cao hơn. Hàm lượng amylopectin trong thực phẩm càng nhiều thì càng dính nhiều hơn.
Trong gạo thường có khoảng 25% - 30% amyloza và còn lại là amylopectin. Còn với gạo nếp, gần như 100% là amylopectin. Chính vì thế, gạo nếp luôn là nguyên liệu chính để làm bánh gạo.
Ở Trung Quốc, khi làm bánh gạo, người ta thường cho gạo Japonica (còn được gọi là gạo Sinica, là 1 trong 2 giống gạo chính được trồng ở Châu Á) có hàm lượng amylopectin thấp được thêm vào với gạo nếp để giảm độ dính, khi ăn không bị bám vào răng.
Nhưng, bánh gạo Nhật Bản được làm từ gạo nếp nguyên chất, độ dính nhiều hơn so với bánh gạo thông thường. Cùng với ngoại lực từ việc đập và nhào bột, các phân tử tinh bột hồ hóa sẽ tạo thành một mạng lưới liên kết chặt chẽ hơn, có độ đàn hồi và độ dính cao hơn.
Cũng chính vì đặc điểm này mà bánh gạo Nhật Bản có độ sát thương lớn nhất. Bánh gạo mềm dẻo đã trở thành 1 loại thực phẩm giết chết không ít người mỗi năm.
Thật đáng kinh ngạc với thông tin ở Nhật Bản số người chết vì nghẹt thở do thực phẩm cao hơn người chết do tai nạn giao thông. Theo dữ liệu Cảnh sát Nhật Bản công bố, năm 2016 đã có 3.902 người chết do tai nạn giao thông. Trong khi đó, số người tử vong do thức ăn tắc trong khí quản đã vượt quá 4.000 và chủ yếu là người già.
Miệng của con người vốn có khả năng nhận ra kết cấu của thực phẩm, trong quá trình nhai chúng ta có thể xác định thức ăn có thể nuốt được hay không. Nhưng với người già, chức năng nhai và nuốt của họ cũng suy giảm. Do giảm khả năng nhai, khô miệng và độ nhạy cảm phản xạ cuống họng giảm, người lớn tuổi sẽ xuất hiện những trở ngại trong quá trình nhai nuốt ở các mức độ khác nhau.
Các nghiên cứu cho thấy, có đến 50% số người trong độ tuổi 50 đến 80 đang phải chịu đựng những cản trở trong vấn đề nuốt thức ăn khác nhau. Điều này khiến người lớn tuổi dễ gặp phải tai nạn nghẹn thức ăn.
Tại Nhật Bản, số ca tử vong vì nghẹt thở do thực phẩm đã tăng 1,2 lần trong 10 năm qua. Trong đó, bánh gạo là nguyên nhân lớn nhất.
Đầu tiên, cắn một miếng bánh gạo đòi hỏi sức nhai đáng kể. Thứ 2, trong lúc ăn, bánh gạo sẽ cứng lại do nhiệt độ giảm xuống và có thể ảnh hưởng đến phản xạ nuốt. Nhiều khả năng bánh gạo sẽ bị nuốt khi nhai chưa đủ. Hơn nữa, bánh gạo thường có hình dạng khá lớn và cản trở việc hô hấp. Nhưng đáng sợ hơn, bánh gạo khi nuốt vào họng rất dễ tiến đến gần khí quản, dẫn đến nghẹt thở và rất khó cứu chữa.
Tuy nhiên, nguy cơ tử vong do thực phẩm còn do tần suất tiêu thụ. Ở Nhật, bánh gạo thực sự phổ biến và cũng rất đa dạng cách ăn. Theo thống kê, mỗi người Nhật ăn trung bình 1kg bánh gạo mỗi năm. Và người lớn tuổi là nhóm người tôn trọng phong tục truyền thống nhất, với suy nghĩ "Không thể không ăn bánh gạo trong tháng Giêng", họ sử dụng rất nhiều bánh gạo.
Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức cộng đồng thường kêu gọi người dân (nhất là người già) không nên ăn bánh gạo khi không có ai bên cạnh, đồng thời cũng cần phải cắt thành miếng nhỏ trước khi ăn và nhai thật chậm.
Trong khi đó, một số công ty Nhật Bản cũng đang cố gắng sản xuất và quảng bá một loại bánh gạo an toàn, có thể giảm khả năng nghẹt thở khi ăn. Bánh gạo này chứa 1 loại enzyme làm giảm độ dính nhưng vẫn giữ được hương vị gạo nếp quen thuộc.
Ngoài ra, người Nhật cũng đặc biệt phát minh một loại thực phẩm dành cho người già gọi là Engay, nghĩa là thực phẩm dễ nuốt. Phương pháp này chính là nghiền nhỏ thực phẩm, rồi dùng một chất lỏng (gel) đặc biệt để kết dính chúng lại, sau đó tạo hình và thêm hương vị. Chúng có hình thức giống với những món ăn tương tự nhưng dễ nuốt hơn. Ngày càng nhiều người cao tuổi ở Nhật Bản sử dụng loại thực phẩm này, do đó nó được gọi là "thực phẩm của tương lai".
Ngoài vấn đề thay đổi thực phẩm, một số người tập trung vào sự đổi mới trong phương pháp cấp cứu. Năm 2001, một cụ ông Nhật Bản 70 tuổi bất ngờ bị nghẹn trong lúc ăn bánh gạo. Người nhà cố gắng dùng ngón tay lấy mẩu bánh gạo ra nhưng không thành.
Khi thấy gương mặt tím tái và gần như không thở được của cụ ông, trong cái khó ló cái khôn, người con gái vội vã dùng ống dẫn của máy hút bụi trực tiếp hút bánh gạo từ cổ họng cụ ông ra ngoài. Cuối cùng cụ ông đã được cứu sống.
Và trong thực tế, các chuyên gia cũng đồng ý rằng, trong trường hợp ăn bánh gạo hoặc thức ăn khác mà bị nghẹn, sử dụng máy hút bụi thật sự là một biện pháp tốt. Kể từ đó, một số nhà sản xuất thiết bị y tế đã phát minh một ống hút đặc biệt có thể gắn vào máy hút bụi.
Nguồn: Zhihu
YU