(Tổ Quốc) - Nếu như với nhiều gia đình Việt, Tết đến xuân về dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền thì hiện nay nhiều gia đình đã đặt bánh chưng hương vị gấc, nếp cẩm hoặc bánh chưng ngũ sắc để cúng gia tiên và vừa đổi vị ngày Tết.
Có thể nói, trong tâm thức người Việt, món bánh chưng ngày Tết là một món ăn truyền thống, món ăn đặc trưng dân tộc.
Thậm chí với nhiều người, cứ thấy bánh chưng là thấy Tết và là cơ hội cho họ được trở về cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng. Với nhiều người khác, chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết lại đơn giản là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong ngày đầu năm mới.
Có lẽ vì vậy mà mỗi khi cận Tết, các gia đình Việt nhà nào cũng gói nồi bánh chưng xanh. Hoặc nếu không muốn lích kích gói bánh chưng, mọi nhà đều đặt dăm ba cặp bánh chưng vuông xinh xắn. Chính bởi thế, ngay từ thời điểm này, nhiều gia đình đã mở dịch vụ nhận đặt gói bánh chưng Tết. Dịch vụ này ngay lập tức điều nhiều bà nội trợ vào ầm ầm đặt hàng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, 30 tuổi ở Minh Khai, Hà Nội – một tiểu thương nhận đặt và gói bánh chưng mỗi dịp Tết cho biết: "Mình làm nhân viên văn phòng thôi. Nhưng Tết đến, mình thường nhận gói bánh chưng cho mọi nhà. Bởi ở nhà mình, bố mẹ cũng gói bánh chưng bán quanh năm. Ngày Tết, mình rao trên chợ mạng thêm để có thêm đơn".
Theo chị Hạnh cho biết, những ngày thường, bố mẹ chỉ chỉ gói loại bánh chưng xanh để bán cho khách ăn ngày thường. Tuy nhiên vào những ngày cận Tết, bố mẹ chị thường gói 4 loại bánh chưng để đáp ứng nhu cầu ăn Tết đa dạng của mọi gia đình.
"Cứ đến Tết, từ thời điểm này trở đi, nhà mình nhận gói 4 loại bánh chưng. Theo đó tùy loại bánh chưng khác nhau mà có mức giá bán khác nhau. Chẳng hạn như bánh chưng xanh được gói bằng gạo nếp Tú Lệ, to nhiều thịt được bán giá 85 ngàn đồng/cái. Bánh chưng gấc cũng được làm từ nếp Tú Lệ với gấc tươi và nhiều thịt đỗ được bán giá 130 ngàn đồng/cái. Bánh chưng nếp cẩm được gói bằng gạo nếp cẩm, rất nhiều thịt nhiều đỗ được bán giá 130 ngàn đồng/cái. Riêng bánh chưng ngũ sắc, do quá trình làm cầu kỳ từ 5 loại màu sắc nên được bán với giá 160 ngàn đồng/chiếc".
Chị Hạnh cũng cho biết, mỗi chiếc bánh chưng các loại nhà chị thường rất to và có cân nặng từ 1,35-1,4kg. Đặc biệt, vì là bánh nhà gói nên người này cam kết bánh chất lượng nhất. Quá trình luộc bánh cũng được gia đình chị Hạnh luộc bằng than từ 9-10 tiếng chứ không phải nồi điện. Vì thế bánh chưng nhà chị rất dẻo, thơm và không bị nát, lại an toàn.
Người này cũng cho biết, trong các loại bánh chưng bán Tết thì bánh chưng xanh vẫn được nhiều khách đặt hàng nhất. Tuy nhiên, để đổi vị ăn bánh chưng ngày Tết, các loại bánh chưng gấc, bánh chưng nếp cẩm và bánh chưng ngũ sắc vẫn được nhiều bà nội trợ đặt mua.
Ngoài gói bánh chưng kích cỡ trên, gia đình chị Hạnh còn nhận gói rất nhiều cỡ bánh khác nhau để khách có thể thuận lợi mang đi biếu hoặc mang đi lễ. Chỉ cần mọi người đặt bánh trước 1-2 ngày là nhà chị Hạnh sẽ có bánh giao cho khách đúng yêu cầu.
"Nhà mình thường nhận đặt bánh đến 26 Tết và giao hàng đến 28 Tết đối với khu vực Hà Nội. Còn ở các tỉnh, thì nhà mình chỉ nhận tới 23 âm lịch thôi. Bởi càng sát Tết, đơn hàng đặt bánh càng nhiều. Nếu nhận phục vụ xa, nhà mình sẽ không có nhân lực chạy đủ", chị Hạnh nói.
Khi đặt bánh chưng ngày Tết, để đảm bảo bánh không bị hỏng, nhà chị Hạnh cũng hút chân không cẩn thận cho khách. Khách mua bánh về, chỉ cần để ở bên ngoài nhiệt độ phòng cũng bảo quản được từ 10-15 ngày.
Chị Đỗ Quyên, 40 tuổi ở Láng Hạ, Hà Nội cho biết hôm qua chị cũng vừa đặt mua mấy cặp bánh chưng. Trong đó chị đặt 2 chiếc bánh chưng xanh, 2 chiếc bánh chưng gấc, 2 chiếc nếp cẩm và 4 chiếc bánh chưng ngũ sắc để dâng cúng gia tiên ngày Tết và có bánh chưng ăn Tết.
Người phụ nữ này cho biết, trước đây, gia đình chị thường tự gói bánh chưng xanh. Nhưng hiện nay, vì công việc ai cũng bận rộn, nhà lại có nhiều người đi xa nên chị không tiện gói. Vì thế 3 năm nay chị thường tìm đến một nhà gói bánh chưng ở Hà Nội và đặt mua vài cặp bánh.
"Trước thì mọi người thích ăn bánh chưng xanh truyền thống. Nhưng hiện nay, nhà mình mọi người lại thích ăn bánh chưng nếp cẩm và bánh ngũ sắc. Riêng bố mẹ chồng mình thì thích ăn bánh chưng gấc nên mình cũng mua mỗi loại bánh 1 cặp. Về cúng mấy ngày Tết xong thì bỏ xuống ăn cho lạ miệng", người phụ nữ này nói.
Năm nay, mẹ chồng chị Quyên cũng nhắc con dâu mua thêm 1 cặp bánh ngũ sắc để bà làm món quà đặc sản để mang về quê biếu cho người họ hàng: "Giờ bánh chưng mua cũng rất ngon. Vì nơi nào làm họ cũng đặt chữ "Tín" lên hàng đầu. Do đó, bánh chưng mua sẵn cũng an toàn, hợp vệ sinh và chất lượng lắm".
Thảo Nguyên