(Tổ Quốc) - Ngày tôn vinh phụ nữ đang đến gần kề, ở căn gác nhỏ nơi góc phố cổ đất Hà Thành nghìn năm văn hiến, có 1 người phụ nữ kém may mắn nhưng lại chẳng thiếu lòng lạc quan yêu đời.
Phụ nữ dù ở bất kỳ nơi đâu trên địa cầu, sống dưới bất kỳ cuộc đời nào đều là những con người đáng được trân trọng và yêu thương. Tuy rằng không phải người phụ nữ vào sinh ra đều được trải đầy hoa hồng trên mỗi bước chân thì họ vẫn luôn đáng được nhớ về vào cái ngày người ta tôn vinh phụ nữ - ngày 8-3.
Chúng tôi biết đến 1 người phụ nữ đặc biệt lắm, số phận bất công cướp đi của cô 1 cơ thể lành lặn nhưng người phụ nữ ấy vẫn mỉm cười với khó khăn, thiệt thòi. Biến những trớ trêu của cuộc sống thành động lực để lại tiếp tục lạc quan yêu đời.
Người con gái sinh ra và lớn lên trên phố cổ Hà Thành nghìn năm văn hiến
Người ta gọi những người phụ nữ là "phái đẹp" nên có lẽ bất kỳ người con gái nào sinh ra đều có mơ ước được xinh đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Thế nhưng, cuộc sống luôn sẽ vô tình bỏ quên ai đó, số phận đôi khi cũng trớ trêu khi chẳng mang đến cho người phụ nữ 1 cơ thể khoẻ mạnh nhất.
Hà Nội là mảnh đất kỳ lạ lắm, nó cứ luôn mang mác buồn dù khoác lên mình vẻ đẹp được hình thành từ nghìn năm văn hiến, từ những lịch sử lâu đời và từ nền văn hoá mang đậm nét Á Đông.
Nói đến vẻ đẹp buồn của Hà Nội, chúng tôi nhớ đến 1 người phụ nữ sinh ra và lớn lên trên đất phố cổ. Cô có cái tên mang mác buồn như tâm hồn đất Hà Thành - Tuyết Nga, 1 cái tên đẹp, cũng là 1 cuộc đời mang nhiều thiệt thòi.
Những ai sống trên đất Hà Nội chắc hẳn luôn thấy cái chất thơ mộng, lãng mạn riêng của phố cổ. Trên đường Hàng Đào, các căn nhà nho nhỏ ghé sát bên nhau, trên 1 căn gác nơi góc phố đó, có 1 người phụ nữ vẫn ngày ngày sống 1 cuộc sống đầy thi vị với hương hoa và công việc may vá đậm chất gái Hà Nội.
Người phụ nữ đó không may mắn khi sinh ra với căn bệnh bẩm sinh về xương nên chẳng thể đi lại trên chính đôi chân của mình. Nhưng cô có 1 niềm đam mê về văn hoá nghệ thuật và 1 sự am hiểu lớn về văn hoá lịch sử đất Hà Thành.
Căn bệnh quái ác cũng phần nào khiến cô gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt. Ấy vậy nhưng, người phụ nữ này lại chẳng hề cảm thấy thiệt thòi lấy 1 chút nào.
"Mọi hoạt động nấu nướng, ăn uống, đi lại,… cô đều tập làm. Bao năm nay, cô vẫn tự lập thế, mãi rồi thành quen, không cảm thấy có gì là khó khăn nữa. Tuy cô không giỏi chạy nhảy, nhưng có nhiều bạn lắm đấy nhé! Bạn bè trong hội người khuyết tật thành phố, các bạn trẻ tình nguyện viên,… đều chia sẻ và giúp đỡ cô rất nhiều" – cô Tuyết Nga vừa hồ hởi xem ảnh bạn bè, vừa chia sẻ.
Đôi bàn tay khéo léo trời ban
Ông trời thường không lấy hết của ai tất cả, tạo hoá đã không cho cô Tuyết Nga được 1 đôi chân tự do bay nhảy, nhưng bù lại cô lại có 1 đôi tay khéo léo trời ban.
Căn gác nhỏ tầng 2 nơi góc phố Hàng Đào, cô sống 1 mình với chú mèo nhỏ đã nhiều năm. Ở căn gác đó, hằng ngày cô vẫn cặm cụi với máy khâu, với kim chỉ, vải vóc... Từ những nguyên liệu đó, trên chiếc xe lăn nhỏ, từ đôi bàn tay khéo léo cô tỉ mỉ may vá để kiếm thêm thu nhập lo chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Căn gác nhỏ chan hoà ánh sáng ấm áp, khó mà tin nổi trong 1 diện tích nhỏ hẹp như vậy, 1 người phụ nữ gặp khó khăn trong di chuyển lại có thể sắp xếp đầy ngăn nắp và chỉn chu đến như vậy.
Đôi khi không ít những người hàng xóm ghé chơi với các cháu nhỏ khiến căn nhà của cô Tuyết Nga có thêm tiếng trẻ nhỏ vui đùa. Cuộc sống với cô tuy không hoàn thiện nhưng nhìn cách mà người phụ nữ ấy lặng lẽ vượt qua thử thách, mới thấy cô luôn giữ cho mình một lẽ yêu đời.
Bàn làm việc với chiếc máy may, kim chỉ các màu được sắp xếp hợp lý và gọn gàng. Chú mèo nhỏ quấn chủ nằm ngủ yên ả bên chiếc máy khâu mặc cho những tiếng ồn nho nhỏ phát ra mỗi lần đường chỉ chạy trên miếng vải.
Cái chất của người con gái Hà Nội thật rõ ràng trên từng cử chỉ, từng nếp sống sinh hoạt tích cực của cô Tuyết Nga. Đôi bàn tay và sự lạc quan với cuộc sống ấy chính là món quà mà thượng đế đã mang lại cho người phụ nữ sinh ra đầy thiệt thòi này.
Vườn hoa xinh xẻo trên căn gác nơi góc phố nhỏ
Bước vào căn gác nhỏ này, chúng tôi ấn tượng với vườn hoa mini xinh xắn mà cô vẫn ngày ngày chăm bẵm.
"Cô dành phần lớn thời gian cho công việc chính bên chiếc máy khâu. Những lúc rảnh rỗi, cô chăm bón cho vườn cây cảnh nhỏ gần mái hiên. Nhà trong phố cổ nên diện tích không lớn, nhưng từng ấy là đủ để cô thiết kế một sân vườn cho bản thân".
Cô đặc biệt thích ngắm hoa, chu đáo đặt những bình hoa "mùa nào thức nấy" ở bàn trà. Những ngày đầu tháng Ba, không gian nhỏ trong căn nhà, mùi hương hoa bưởi tỏa ra dịu nhẹ.
Chính vì yêu thích các loài hoa như vậy, dù không gian nơi ở tại các căn nhà trong phố cổ đều khá hạn hẹp nhưng cô Tuyết Nga vẫn để dành ra 1 góc nhỏ nuông chiều sở thích thanh nhã này của mình.
Một bữa cơm nhỏ nhỏ cũng được cô tỉ mẩn chuẩn bị chất lượng từ hương vị đến cách trình bày đầy thẩm mỹ.
Bữa cơm hấp dẫn, nhiều màu sắc trong ngày mưa lạnh của Hà Nội có: xa lát rau củ sốt mè, trứng cút kho, tôm rim chua ngọt mà cô Tuyết Nga chuẩn bị khiến căn phòng ấm cúng hơn gấp nhiều lần.
Ngày tôn vinh phụ nữ đang đến gần, nhìn nụ cười của người phụ nữ Hà Nội này khiến chúng tôi thêm phần nể phục cái cách cô thản nhiên đối diện với sóng gió cuộc đời.
Tiềm ẩn bên trong "phái yếu" mà người ta vẫn thường nói đến là nghị lực và sức mạnh to lớn đến không ngờ. Và riêng với những người phụ nữ như cô Tuyết Nga thì đó là cả câu chuyện dài về sự cảm thông và cả lòng mến mộ.
Mạn Ngọc - Thanh Hiền