(Tổ Quốc) - Người này đã theo dõi từ lâu nhưng lại lẳng lặng không lên tiếng.
Có lẽ chỉ những ai làm mẹ mới hiểu tình cảnh bị con bám đuôi là như thế nào. Nhiều mẹ than thở suốt cả ngày không làm được bất cứ việc gì, dù nấu cơm, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa... lúc nào cũng có một nhân vật quyền lực sát sao bên cạnh. Không ai khác chính là những đứa trẻ, bé xíu mà "lộng hành" ghê gớm.
Chỉ vắng mẹ một chút xíu thôi là các cô bé, cậu bé đã không yên tâm rồi, phải theo tận nơi mới được. Thế nên các mẹ bỉm ở nhà trông con thôi mà cũng có cả loạt tình huống dở khóc dở cười như trong clip dưới đây.
Chẳng là tranh thủ lúc chồng trông con hộ, mẹ bỉm này vội vàng đi tắm. Thế nhưng, trong lúc đang tắm, cảm thấy có gì đó khác lạ nên người mẹ quay ra và hoảng hốt khi phát hiện nhân vật quyền lực đang chăm chú theo dõi mình. Tình cảnh khiến chị chẳng biết nên khóc hay nên cười.
Bám hơn cái đuôi các mẹ ạ
Hóa ra, bé gái đã theo dõi mẹ qua ô thoáng của cửa sổ phòng tắm từ khi nào. Cô bé im thin thít vì được nhìn thấy mẹ, khuôn mặt lẫn biểu cảm ngơ ngác xen lẫn thích thú khiến ai nấy ôm bụng cười. Có lẽ bà mẹ nào cũng đã không ít lần gặp phải tình cảnh tương tự.
Dưới phần bình luận, các mẹ bỉm thi nhau kể chuyện nhà mình: "Ôi biết có người theo dõi mà không giận nổi, nhìn cái mặt thấy ghét không. Con mình cũng thế, theo từ lúc đi vệ sinh cho đến khi ngủ, không làm được việc gì luôn"; "Nhiều lúc bực lắm nhưng nhìn cái mặt dỗi hờn là mình lại quên hết", "Nhìn trộm thế kia có đáng sợ không chứ"...
Ai đó trông khá nguy hiểm mọi người ạ!
Trẻ bám mẹ thường rất lo lắng khi phải rời xa mẹ, tuy nhiên đây là một giai đoạn phát triển cảm xúc bình thường, bắt đầu khi trẻ dần hiểu rằng mọi thứ và con người tồn tại ngay cả khi chúng không có mặt - một khái niệm được gọi là tính vĩnh viễn của đối tượng.
Ở một số giai đoạn nhất định, hầu hết trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi sẽ thể hiện sự lo lắng thực sự và trở nên khó chịu trước viễn cảnh - hoặc thực tế - bị xa cách cha mẹ. Nếu bố mẹ nghĩ về sự lo lắng chia ly như một phần của sự trưởng thành, điều đó hoàn toàn hợp lý: Một đứa trẻ không có khả năng tự vệ sẽ tự nhiên cảm thấy buồn khi bị lấy đi khỏi người bảo vệ và chăm sóc mình.
Theo nhiều cách, thái độ về trẻ sơ sinh và sự ngăn cách là văn hóa. Các nước phương Tây có xu hướng nhấn mạnh quyền tự chủ ngay từ rất sớm. Nhưng ở nhiều nền văn hóa khác, trẻ sơ sinh hiếm khi bị tách khỏi mẹ trong năm đầu đời. Theo thời gian, chúng thường trở thành những đứa trẻ bám mẹ, hay còn gọi là trẻ bện hơi.
Bất kể nguồn gốc của giai đoạn phát triển này là gì, trẻ sơ sinh và cha mẹ đều cảm thấy khó chịu. Tin tốt là nỗi lo lắng về sự chia ly sẽ dần qua đi - và bạn có thể thực hiện các bước để kiểm soát nó dễ dàng hơn.
San San