Không thể phủ nhận được những lợi ích của chiếc ti giả mang lại cho cả mẹ và bé. Mỗi khi con mệt, buồn ngủ hay cần được an ủi, vỗ về thì "bảo bối" này ngay lập tức khiến bé trở nên dễ chịu và cuộc sống của mẹ bỉm cũng nhàn nhã hơn. Tuy nhiên, khi bé đã lớn hơn, việc cai ti giả lại trở thành vấn đề khiến nhiều phụ huynh cảm thấy stress.
Nhiều bà mẹ trẻ cho biết cai ti giả khó không kém gì cai sữa mẹ cho con. Có người phải mất đến vài tuần, có khi là vài tháng, thậm chí là cai được một thời gian lại phải dùng lại vì bé quá nghiện. Thế nên, cứ mỗi lần đến giai đoạn này, trên các diễn đàn nuôi con nhỏ lại ngập trong các câu hỏi làm cách nào để cai ti giả mà con không quấy khóc.
Cai ti giả cho con và cái kết. Nguồn: Tiktok
Mới đây, tài khoản tiktok có tên Gia đình Ken Ca đã tạo nên thử thách cai ti giả cho con và thu hút hơn 3000 lượt xem. Bà mẹ này đã sử dụng cách cắt núm ti giả đi và đưa cho bé để xem phản ứng của con thế nào. Ban đầu, bé gái rất háo hức và vui sướng khi nhìn thấy "bảo bối" quen thuộc nhưng chỉ vài giây sau khi nhận ra có gì đó sai sai, cô bé đã òa khóc nức nở. Thậm chí dù mẹ đã thử lại thêm 1 lần nữa nhưng bé vẫn không tin là sự thật.
Phản ứng của bé gái khiến hội bỉm sữa vừa buồn cười vừa thương. Không biết bao lâu sau chuyện cai ti giả này mới thành công nhưng chắc chắn sẽ không dễ dàng gì với cả hai mẹ con. Tuy nhiên, khi đã quyết tâm cai cho bé thì mẹ bỉm phải thật kiên trì, không lung lay và cố gắng tìm các cách khác nhau để hỗ trợ và giúp đỡ bé.
- Ôi thương chưa kìa, cảm giác cuộc đời sụp đổ, nào có thiết tha gì nữa. Mọi thứ tươi đẹp đã mất đi rồi, còn gì nữa mà khóc với sầu...
- Bảo yêu mình mà cắt ti giả của mình? Như thế là yêu à, thế là ghét mình rồi...
- Thương con quá mà không nhịn được cười. Thế là hỏng luôn 2 cái ti giả rồi, tối nay hai mẹ con tha hồ mà khóc lóc với nhau nhé. Nhà mình mất hẳn một thời gian mới cai được đấy, vật vã lắm.
Khi nào nên cai ti giả?
Các nhà khoa học khuyến cáo rằng nên ngừng sử dụng núm vú giả khi trẻ đã được 3 tuổi hoặc thậm chí là sớm hơn. Những thay đổi trong quá trình phát triển khuôn mặt cho trẻ có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp việc sử dụng núm giả của trẻ kéo dài. Về cơ bản, thói quen này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của chính con nếu bạn tiếp tục cho bé sử dụng núm vú giả sau 3 tuổi.
Tuy nhiên, việc cai ti giả cũng phải có kế hoạch và tùy vào sự thích nghi của bé. Dưới đây là một số cách bố mẹ có thể tham khảo cho con của mình.
1. Cho bé cai một cách từ từ
Đây là phương pháp giúp trẻ cai ti giả mà không bị hụt hẫng. Ban đầu, mẹ hãy cất ti giả ở nơi khuất mắt bé để bé không tìm được. Đến khi bé đòi chiếc ti giả của mình, hãy bảo rằng bạn sẽ đưa cho bé sau. Mẹ hãy cố gắng trấn an con là con sẽ không sao cả và chuyển sang hoạt động khác.
Sau đó, để bé quên dần rằng mình đang đòi ti giả, mẹ hãy cho bé ăn vặt hoặc dẫn bé đi chơi hay chơi đồ chơi cùng bé. Nếu bé cảm thấy vui, bé sẽ không nghĩ nhiều đến ti giả của mình nữa. Nếu bé vẫn không chịu, hãy đưa cho bé thứ gì đó mới mẻ như là một đồ chơi mới, không nên ép buộc hay giằng co với bé.
Tất nhiên, trong ngày, cũng có lúc bé được dùng ti giả, nhưng dần dần mẹ hãy tăng thời gian từ chối đưa ti giả đến khi bé không còn nghĩ về nó. Cữ ngủ ngày và tối sẽ là nấc cuối cùng trong việc cai ti giả cho con vì đây là thời điểm mà bé cần và đòi ngậm ti nhiều nhất.
2. Dùng biện pháp cứng rắn
Đây là cách nhanh nhất để đạt được kết quả. Bạn cần kiên nhẫn và quyết tâm rất lớn. Bất chấp bé khóc lóc bao lâu, la hét và cầu xin, bạn cần giữ vững lập trường của mình và nhất quyết không đưa bé cho đến khi bé chấp nhận không có ti giả.
Tuy nhiên, cần lựa chọn đúng thời điểm sử dụng cách này. Trong vòng 1-2 tuần, bạn sẽ rèn được bé từ bỏ ti giả.
3. Tìm phương án thay thế
Bất cứ khi nào bạn thấy phù hợp để cai ti giả cho bé, thì hãy thử giới thiệu những món đồ chơi khác để bé quên đi. Hoặc có thể bạn cho bé đi ra ngoài, xem hoạt hình trên Youtube..., cố gắng vận dụng tất cả để giúp bé quên "món" ti giả khoái khẩu của mình.
Tuy nhiên, nên cẩn thận khi bạn định dùng đồ ăn nhẹ để thay thế. Thói quen ăn uống thoải mái với đồ ăn vặt còn có hại hơn rất nhiều so với chứng nghiện ti giả.
4. Thu hẹp dần thời gian bé được ngậm ti giả
Giảm dần thời lượng bé sử dụng ti giả mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể giữ ti giả trong túi và tăng số lượng thời gian bạn kiên nhẫn đưa cho bé dù bé có khóc lóc đòi. Về nguyên tắc, trẻ sẽ dần nhận ra chúng cần làm quen với việc phải từ bỏ ti giả và dừng lại việc đòi hỏi.
5. Dùi lỗ vào ti giả của bé
Khi bạn không muốn bé dùng đến nó nữa và muốn bỏ nó đi, hãy dùi một cái lỗ trên đó, khiến nó không còn hoạt động khi bé mút nó. Điều này làm cho đứa trẻ tự nghĩ là nó đã hỏng và bé sẽ không còn thích nó nữa.
San San