(Tổ Quốc) - Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, trên mạng xã hội hiện đang lan truyền rất nhiều thông tin chưa đúng, thậm chí xuyên tạc về tình hình dịch bệnh.
"5 máy bay trực thăng phun khử khuẩn vào tối nay"
Đây là thông tin được lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 26/7 mới đây với dòng tin nhắn cùng nội dung: "Tối nay, từ 11 giờ 40 tối không ai nên ra đường. Cửa ra vào và cửa sổ nên được đóng lại khi 5 máy bay trực thăng phun chất khử trùng vào không khí để diệt trừ coronavirus".
Thế nhưng, chiều ngày 26/7, phản hồi với Trung tâm Báo chí TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM khẳng định, thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Điều đáng nói trong các đợt dịch trước đây, cứ mỗi khi có quyết định giãn cách tại một địa phương nào đó là y như rằng, lại có tin đồn này được chia sẻ trên mạng.
Trước đó, sáng 23/7, Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Lữ đoàn 87 Binh Chủng hóa học, Tiểu đoàn Phòng hóa 38 Quân khu 7 cùng với lực lượng vũ trang TP.HCM và 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đồng loạt mở đợt cao điểm phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn TP.HCM, trong thời gian 7 ngày.
Mỗi ngày sẽ có 20 lượt xe tham gia phun thuốc khử khuẩn. Đồng thời cũng chuẩn bị 6 tấn thuốc hóa học để phun khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Qua đợt cao điểm này, lực lượng vũ trang TP.HCM tin tưởng góp phần cùng TP.HCM đẩy lùi dịch COVID-19.
Hà Nội lập 3.000 chốt phòng dịch COVID-19
Đây cũng là một trong những tin đồn thất thiệt được rêu rao trên mạng xã hội những giờ qua. Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin với nội dung: "Sáng mai (tức sáng 27/7 - PV) có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết...".
Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều bình luận của người dân. Trong đó, có nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, hoang mang.
Tuy nhiên, tối 26/7, trao đổi với báo Tin tức, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, thông tin trên mạng xã hội Facebook về nội dung "Thủ đô sẽ có 3.000 chốt kiểm dịch COVID-19 được lập trong thời gian tới" là hoàn toàn sai sự thật. Đây là những thông tin bịa đặt, không có cơ sở, thiếu chính xác và gây hoang mang dư luận.
Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Công an TP đã đề nghị lực lượng an ninh mạng và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông vào cuộc, truy tìm tài khoản đăng thông tin sai sự thật, để nhanh chóng xử lý, không làm người dân hoang mang, lo lắng.
Những hình ảnh "sưu tầm" về dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang dư luận
Thậm chí nguy hiểm hơn, một số cá nhân còn lan truyền hình ảnh "xác chết do Covid-19" và cho là ở Việt Nam gây hoang mang dư luận.
Cụ thể, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh bức ảnh chụp nhân viên y tế cùng nhiều thi thể nằm dưới sàn nhà được quấn nhiều lớp vải đặt trong các túi nilon và cho rằng, đây là hình ảnh các bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại TP.HCM.
Tuy nhiên, Trung tâm Báo chí TP.HCM dẫn nguồn từ Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam khẳng định, đây là tin giả. Bức ảnh này được chụp ở Indonesia. Việc một số tài khoản Facebook tung tin thất thiệt đang gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch Covid-19.
Không chỉ một vài bức ảnh sai sự thật, trong những ngày vừa qua, khi diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM trở nên phức tạp, trên các nền tảng mạng xã hội lại xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, đưa tin vô căn cứ, gây hoang mang trong cộng đồng.
Hàng loạt những trang mạng xấu, độc khác tiếp tục đưa ra những hình ảnh sai sự thật, rằng TP.HCM sắp "vỡ trận", chuẩn bị "giờ giới nghiêm", cấm người dân di chuyển ra ngoài trong mọi trường hợp.
Điều này khiến đa số độc giả chưa cần suy xét đã tin ngay và cho rằng tình hình đang rất nguy nan và lực lượng chống dịch đang rối như tơ vò, dẫn đến không hợp tác, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và trên cả nước.
Ăn trứng gà chữa được virus Corona
Trước đó, hẳn chúng ta còn nhớ, nhiều người dân huyện miền núi ở Nghệ An nghe tin đồn ăn trứng gà luộc sẽ chữa được bách bệnh, trong đó có dịch Covid-19 nên đã đua nhau đi mua trứng.
Nhiều câu chuyện được thêu dệt rằng, có một đứa trẻ sinh ra đã biết nói, và cho rằng, đêm nay ai không ăn trứng gà, ngày mai sẽ chết.
Thông tin trên được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người tin đó là sự thật nên đi mua trứng về ăn.
Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được thông tin trên, Công an huyện Tương Dương, Nghệ An khẳng định, đây là tin đồn thất thiệt, mê tín dị đoan, không đúng sự thật, gây hoang mang cho nhân dân.
Khuyến cáo người dân không nghe theo tin đồn
Mạng xã hội với nhiều tiện ích đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và lợi ích đem lại thì sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã kéo theo khá nhiều hệ lụy.
Điều này chúng ta thấy rất rõ hiện nay, khi đã có nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp để tung tin đồn, tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng nhằm gây hoang mang, lo sợ, kích động quần chúng nhân dân.
Thêm vào đó, cũng có một bộ phận người dân, do chưa nhận thức được đúng đắn đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin giả mạo nên vô tình đã tiếp tay, làm lan truyền với tốc độ "chóng mặt" các nội dung thất thiệt này.
Vì thế, để đảm bảo công tác chống dịch được hiệu quả, người dân ngoài việc thực hiện tốt 5K cũng như các Chỉ thị của lực lượng chức năng thì cần tỉnh táo, chắt lọc thông tin, tránh nghe tin một chiều rồi biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả của những kẻ có ý đồ xấu, gây hoang mang dư luận.
Mỗi người cần nói "không" với tin giả, tin sai sự thật, để trở thành một phần của "lá chắn" trước những luồng thông tin độc hại.
Vô tình hay cố ý đăng tin thất thiệt về Covid-19 đều vi phạm luật
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật .
Bên cạnh đó, người nào lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức, cá nhân và gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng, gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự.
Về truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì có thể áp dụng theo quy định Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Cụ thể, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông có thể chịu mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù, phạt tiền cao nhất lên đến 200 triệu đồng
Minh Khôi