(Tổ Quốc) - Với ICAAP, các NHTM giờ đây sẽ phải đi từ vốn quay ngược lại phân bổ kế hoạch kinh doanh, giám sát hoạt động kinh doanh, luôn luôn điều chỉnh sao cho phù hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ như một "bác sĩ" của các ngân hàng thương mại thông qua việc kiểm tra và giám sát.
Chỉ một tháng nữa là thông tư 41/2016 - TT/NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc triển khai mô hình Basel II trong quản trị rủi ro cho toàn bộ hệ thống ngân hàng. Khung pháp lý cốt lõi về triển khai chuẩn mực Basel II sẽ là dữ liệu quan trọng để các ngân hàng hiểu rõ và có những kế hoạch cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện thông tư 41.
Mô hình Basel II gồm 3 trụ cột chính là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, quy trình rà soát giám sát và việc công khai thông tin. Về góc độ pháp lý, hiện nay NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định cho cả 3 trụ cột, cụ thể đối với trụ cột thứ nhất là thông tư 41/2016 - TT/NHNN, trụ cột thứ hai là thông tư 13/2018 - TT/NHNN, trong đó thể hiện phần quản lý rủi ro và ICAAP (Internal Capital Adequacy Assessment Process - Quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ), trụ cột thứ ba cũng được quy định trong thông tư 41 qua phần công bố thông tin. Như vậy, qua hai thông tư 41 và thông tư 13, toàn bộ khuôn khổ pháp lý hướng dẫn việc triển khai Basel II đã hoàn chỉnh.
Trụ cột 1: Yêu cầu về vốn tối thiểu
Thông tư 41 yêu cầu xác định số vốn đảm bảo cho ba loại rủi ro là rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Đối với rủi ro tín dụng, NHNN áp dụng cách tính dựa theo phương pháp tiêu chuẩn (SA) với phiên bản sửa đổi năm 2016 của ủy ban Basel. Theo phương pháp này, việc sử dụng thứ hạng tín nhiệm nhằm mục đích xác định hệ số rủi ro trong các khoản phải đòi đối với các TCTD trên cơ sở tiếp cận đồng thời cả 2 góc độ là sản phẩm dịch vụ (facilities level) và đối tượng khách hàng (customers level). Các ngân hàng thương mại sẽ phân loại tài sản và áp dụng các hệ số rủi ro tương ứng để tính ra số vốn an toàn. Trong đó, một số thông tin đòi hỏi ngân hàng bắt buộc phải có để có thể thực hiện phân loại được như doanh thu, vốn chủ sở hữu, tỷ lệ đòn bẩy, …
Với việc áp dụng phương pháp tiêu chuẩn, chia sẻ tại buổi hội thảo sáng 30/11 vừa qua tại Viện Ngân hàng Tài chính thuộc ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Lê Trung Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ 2, Cơ quan Thanh tra Giám sát, NHNN Việt Nam, cho biết các ngân hàng hiện nay có đủ cơ sở dữ liệu để phân loại tài sản tương ứng với các hệ số rủi ro theo đúng quy định của NHNN. Đơn cử như với doanh nghiệp, ngân hàng cần có báo cáo tài chính đã qua kiểm toán hoặc báo cáo thuế, trường hợp không có dữ liệu về tình hình doanh nghiệp, ngân hàng sẽ phải áp dụng hệ số rủi ro cao hơn. Điều này đã buộc các ngân hàng chủ động hơn trong việc thu thập dữ liệu khách hàng nhằm tiết kiệm vốn.
Còn đối với rủi ro thị trường, vẫn áp dụng phương pháp tiêu chuẩn tuy nhiên, điểm cần lưu ý là phải tách biệt các giao dịch trên sổ kinh doanh (hoạt động tự doanh) và các giao dịch trên sổ ngân hàng (hoạt động ngân hàng). Đây là lần đầu tiên, NHNN thực hiện bóc tách 2 hoạt động là hoạt động tự doanh và hoạt động ngân hàng, 2 hoạt động này sẽ áp dụng những hệ số rủi ro khác nhau với những cách tính khác nhau nên các NHTM cần đặc biệt lưu ý khi triển khai thông tư 41. Chẳng hạn như hoạt động mua bán trái phiếu sẽ có lúc được coi là hoạt động ngân hàng nếu ngân hàng giữ đến ngày đáo hạn, nhưng cũng có lúc được coi là hoạt động tự doanh nếu như ngân hàng sử dụng trái phiếu là công cụ để mua bán trên thị trường trong ngắn hạn.
Trong khi đó, với rủi ro hoạt động, phiên bản 2006 của ủy ban Basel áp dụng phương pháp căn bản (Basic Indicators), tuy nhiên phương pháp này trong quá trình triển khai đã bộc lộ những điểm hạn chế. Chính vì vậy, đến năm 2014, ủy ban Basel đã có phiên bản sửa đổi, đưa ra phương pháp chỉ số kinh doanh (Business Indicators). NHNN thấy rằng phương pháp này phù hợp để áp dụng tại Việt Nam. Theo đó, ngân hàng căn cứ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để tính vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động.
Trụ cột 2: Rà soát giám sát
Thông tư 13 về việc hướng dẫn triển khai trụ cột thứ hai, đã quy định hệ thống kiểm soát nội bộ với 5 cấu phần chính, đó là giám sát quản lý cấp cao, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, đánh giá nội bộ về mức đủ vốn và kiểm toán nội bộ; trong đó nội dung về các bước thực hiện đánh giá mức đủ vốn (ICAAP) được quan tâm hơn cả. Các NHTM cần phải xác định mức vốn kinh tế cần thiết để bù đắp tất cả các loại rủi ro, từ đó mới xác định được tỷ lệ an toàn vốn mục tiêu. Các NHTM sẽ điều hành và lập kế hoạch trên cơ sở vốn mục tiêu đó, chứ không chỉ đơn giản áp dụng con số tỷ lệ vốn tối thiểu 8% quy định ở trụ cột 1. Đây là điểm đặc biệt lưu ý, là điểm khác biệt căn bản của Basel II so với Basel I mà trong đó, ICAAP đóng góp rất nhiều trong việc thay đổi tư duy quản trị điều hành một ngân hàng.
Thông tư 13 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, tuy nhiên phần ICAAP sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 với mục đích để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị để đạt được vốn mục tiêu. Trong năm tới, theo kế hoạch, NHNN sẽ xây dựng một thông tư về phương pháp đo lường rủi ro nâng cao (AMA - Advanced measurement approach) khi các ngân hàng thực hiện được đầy đủ 3 trụ cột. Thông tư này sẽ được lấy ý kiến rộng rãi và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2021 hoặc năm 2022.
Ông Kiên cũng nhận định: "Ngân hàng như một cơ thể sống, nếu trước đây, các NHTM "sinh hoạt theo nhu cầu", chỉ đến khi "kiểm tra sức khỏe" và phát hiện ra những chỉ số không tốt, lúc đó, các ngân hàng mới bắt đầu thực hiện những biện pháp để cải thiện. Thì hiện nay, với ICAAP, các NHTM sẽ đi "thăm khám sức khỏe" định kỳ, trên cơ sở các chỉ số tính toán được, họ mới bắt đầu quay ngược lại điều chỉnh "chế độ sinh hoạt" cho phù hợp để duy trì các chỉ số lành mạnh".
"Các NHTM trước đây cứ việc kinh doanh, sau đó tính toán vốn dựa trên các số liệu kinh doanh, nếu may ra thì đủ, còn thừa thiếu thì cũng không biết xử lý như thế nào. Với ICAAP, các NHTM sẽ từ vốn để quay ngược lại phân bổ kế hoạch kinh doanh, giám sát hoạt động kinh doanh để luôn luôn điều chỉnh sao cho phù hợp. Các NHTM sẽ tự "lo cho sức khỏe của chính mình", và NHNN sẽ đóng vai trò như một "bác sĩ" của các NHTM thông qua các công tác kiểm tra và giám sát", ông Kiên nói thêm.
Trụ cột 3: Công khai thông tin
Liên quan đến trụ cột thứ ba, các ngân hàng thương mại phải công khai thông tin nhằm thúc đẩy an toàn và minh bạch trong hoạt động ngân hàng. Bởi lẽ nếu chỉ để ngân hàng tự giám sát hay có sự giám sát của cơ quan quản lý là chưa đủ mà cần phải có các lực lượng thị trường khác giám sát, ví dụ như người gửi tiền hay các nhà đầu tư,… Để lực lượng thị trường này có thể giám sát được thì yêu cầu bắt buộc các NHTM phải công khai thông tin. Và trong thông tư 41 cũng đã ban hành đầy đủ quy định về những thông tin cơ bản và những thông tin liên quan mà các NHTM cần phải công khai cũng như cách thức và định kỳ công khai thông tin.
Bích Ngọc - Phương Nhi - Thái Cẩm