(Tổ Quốc) - Sau chưa đầy 3 tháng đón khách trở lại, các điểm du lịch Đà Nẵng như Bà Nà Hills, công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài và lữ hành tiếp tục hứng chịu làn sóng thứ 2 do Covid-19.
Các điểm du lịch nổi tiếng Đà Nẵng chính thức tạm ngưng hoạt động chống Covid-19
Đề xuất thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố Đà Nẵng do ở mức nguy cơ cao từ 0h ngày 28/7 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng nay (ngày 27/7).
Đà Nẵng sẽ phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, yêu cầu dừng mọi hoạt động không cần thiết, áp dụng từ 0h ngày 28/7/2020 ít nhất trong 14 ngày.
Trong diễn biến mới của dịch Covid-19, nhiều điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng đã bắt đầu tạm ngưng hoạt động. Thông báo mới nhất từ Sun World Bà Nà Hills cho biết, điểm du lịch sẽ tạm dừng dịch vụ từ ngày 27/7 đến khi có thông báo mới. Đây là lần thứ 2 trong năm, khu du lịch này tạm đóng cửa vì dịch Covid-19.
Sau 3 tháng mở cửa trở lại đón khách, Bà Nà Hills lại tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19.
Nhiều điểm du lịch, vui chơi tạm ngưng phục vụ từ hôm nay.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, cũng từ hôm nay, du lịch Núi Thần Tài Đà Nẵng, Công viên Văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An... đóng cửa để chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19. Là những điểm đến nổi tiếng với các công trình đẹp như Cầu Vàng, dịch vụ tắm khoáng nóng hay các hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo… nên không ít khách du lịch cảm thấy nuối tiếc vì lỡ cơ hội được đến đây thưởng ngoạn phong cảnh.
"Mình có lịch trình đầu tháng 8 vào Đà Nẵng, dù phải tạm hoãn nhưng giờ sức khỏe, chống dịch là quan trọng nhất, hẹn gặp lại thành phố vào ngày không xa", tài khoản Minh Thùy bình luận trên Fanpage du lịch Đà Nẵng.
"Tôi đã đóng 100% tiền tour bao gồm vé máy bay, tiền khách sạn cho bên lữ hành trị giá hơn 10 triệu đồng. Hiện tại có thể chuyển địa điểm du lịch, hoặc lùi thời gian đi Đà Nẵng. Mặc dù cách hỗ trợ ổn thỏa nhưng tôi đã hủy chuyến, chờ khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ quyết định", anh Nguyễn Tiến Anh, trú tại Thanh Xuân chia sẻ.
Trên các trang du lịch Đà Nẵng, rất nhiều người đang thanh lý vé máy bay và liên hệ với đơn vị đặt tour, khách sạn để được hỗ trợ đổi vé hoặc thay đổi hành trình.
Bên cạnh đó, một làn sóng mới từ cộng đồng du lịch được khởi xướng trên mạng xã hội Facebook kêu gọi không hủy tour, hủy khách sạn, thay vào đó chỉ đổi ngày du lịch để cùng thành phố biển vượt qua khó khăn.
Cụm từ #Savedulichdanang (giải cứu du lịch Đà Nẵng) đã được gắn trên 1.400 bài viết trong vòng 24h qua.
Lữ hành cấp tốc xoay chuyển tình hình
Chia sẻ với phóng viên, đại diện công ty lữ hành Viettour (tại hàng Gai, Hà Nội) cho biết, hơn 20 tour Đà Nẵng của công ty đều đã được chuyển đổi. Theo đó, các tour khởi hành từ 24/7 đều đã thu xếp lịch trình để đoàn về tới Hà Nội hôm 26/7.
"Các tour đi Đà Nẵng từ hôm nay (ngày 27/7) đều được khách rời lại sau dịch Covid-19. Một số tour bị hủy sẽ được bảo lưu bằng voucher chuyển đổi địa điểm hoặc bồi hoàn cho khách chi phí", đại diện này chia sẻ.
3 trong số 5 tour khởi hành của tháng 7 và tháng 8 tới của Minh Huệ, hướng dẫn viên Hà Nội là đến Đà Nẵng. Vì dịch bệnh nên hiện tại toàn bộ tour đã tạm ngừng. Công ty lữ hành đã liên hệ với phía khách sạn để bảo lưu lưu trú.
"Những tour đến hoặc có lịch trình ghé Đà Nẵng đều được công ty dời lại đến hết tháng 8/2020 để an toàn cho chính nhân viên và khách hàng của mình, đợi đến khi có thông tin mới đến giữa tháng 8 sẽ tính toán tiếp", Huệ chia sẻ.
Mặc dù hành trình đi Đà Nẵng bị gián đoạn song lữ hành vẫn triển khai các tour đi các tỉnh thành khác như Phú Quốc, Nha Trang, Khánh Hòa… theo lịch trình từ trước và cẩn trọng hơn trong các biện pháp phòng chống Covid-19. Tuy vậy, ở một số công ty, lượng khách đặt tour có dấu hiệu chậm lại sau tin Đà Nẵng có ca nhiễm Covid-19.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, trong quý 1/2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý 2/2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng, trong đó ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng, tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng, các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng, các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng.
Hoàng Linh