(Tổ Quốc) - Các bố mẹ luôn tỏ ra khó hiểu tại sao con mình nhiều đồ chơi thế rồi mà bé vẫn luôn kêu buồn chán?
Trẻ con luôn hào hứng với những trò chơi mới lạ. Một chút thay đổi dù là màu sắc hay hình dạng của món đồ cũng đã khiến bé trở nên thích thú. Với tâm lý muốn con được trải nghiệm và chơi thỏa thích, nhiều bậc phụ huynh không tiếc tiền sắm cho từ món đồ này sang món đồ khác. Thế nhưng họ vẫn không hiểu sao bé chỉ chơi được trong một vài ngày rồi lại quẳng một xó và chẳng bao giờ thèm ngó ngàng tới nơi, cho đến một lúc cả phòng chất đầy một núi đồ chơi và các bé thì vẫn kêu buồn chán.
Quả thực các món đồ chơi mới luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ, thế nhưng việc mua và có quá nhiều đồ chơi lại vô tình gây ra nhiều tác hại cho trẻ. Ngoài việc bé không sáng tạo, luôn đòi hỏi món đồ mới thì chính đồ chơi cũng trở nên vô dụng, không phát huy hết công dụng của nó. Nếu bạn cũng rơi vào tình huống như vậy thì hãy lắng nghe 3 cách của mẹ bỉm sau và áp dụng thử xem có đem lại hiệu quả không nhé.
1. Không hướng dẫn con cách chơi từ lần chơi đầu tiên
Trẻ con có những suy nghĩ mà đôi khi khiến người lớn cũng phải bất ngờ. Hãy để bé được thỏa sức đam mê, sáng tạo bằng cách hạn chế nói "không". Khi thấy bé có một cách chơi mới không giống như hướng dẫn sử dụng thì cũng đừng vội nói "con sai rồi, để mẹ hướng dẫn", mà hãy để trẻ tự do suy nghĩ xem nên làm thế nào với đồ vật này. Tin chắc rằng bé sẽ có cách chơi khiến bố mẹ cũng phải ngạc nhiên đấy.
Việc dạy con ngay từ đầu với tất cả mọi vấn đề đều làm giảm khả năng sáng tạo của bé. Dần dần bé sẽ trở nên phụ thuộc, nếu không có bố mẹ thì không biết chơi gì hay chơi thế nào, không có cơ hội tập suy nghĩ vì chưa kịp tìm hiểu thì bố mẹ đã chỉ sẵn cho luôn rồi. Theo thời gian sẽ dẫn đến bé ngại tiếp xúc với những cái khó và lúc nào cũng sợ rằng "liệu mình làm thế có đúng không nhỉ".
Thế nên khi có một món đồ chơi nào mới, trước tiên bố mẹ hãy cho con thời gian tự khám phá và tìm tòi, đừng tỏ ra sốt ruột khi thấy con loay hoay hay chơi sai cách. Sau đó nếu cần thì khéo léo gợi ý hoặc giúp con tìm cách chơi đúng chứ không chỉ thẳng cho bé. Bạn chắc chắn sẽ phải ngạc nhiên vì có những món đồ chơi con tự tìm ra cách chơi khiến bé vui vẻ dù không đúng mục đích ban đầu của món đồ.
2. Thay đổi các đồ chơi liên tục
Điều này không đồng nghĩa với việc mua cả loạt đồ về rồi cho con chơi tùy thích. Hãy sắp xếp để mỗi món đồ con chơi trong thời gian cố định, có thể là nửa ngày. Sau đó mẹ hãy cất món đồ đó đi và khoảng 1 tuần sau sẽ mang ra. Làm như vậy bé sẽ cảm thấy hào hứng hơn là chơi mãi một món đồ đến phát ngán.
Khi cho bé chơi liên tục đến chán, thì qua hôm sau bé sẽ mất hứng thú với trò đó. Điều này gây ra việc vừa phí tiền mua đồ chơi, vừa chơi không hiệu quả. Thêm vào đó, thay vì để con chơi một mình thì thi thoảng bố mẹ hãy cùng chơi với bé. Vẫn là món đồ ấy nhưng chơi 2, 3 người sẽ vui hơn rất nhiều so với chơi một mình đấy.
Ngoài ra, thi thoảng bố mẹ hãy thử cách "tất cả đồ chơi bỗng dưng biến mất", tranh thủ lúc các con ngủ hãy cất vài món đồ chơi đi và xem phản ứng của các bé. Thay vì thắc mắc đồ chơi của con đâu thì rất nhiều bé lãng quên và tìm cách tự sáng tạo với những món đồ cơ bản và chơi rất vui vẻ.
3. Lựa chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sản xuất bán các món đồ chơi kèm theo lứa tuổi riêng, kể cả với các đồ chơi giống nhau nhưng xét về độ phức tạp vẫn được chia theo tuổi để đảm bảo các bé phù hợp với món đồ chơi này. Cụ thể, các bậc phụ huynh không nên chọn đồ chơi ít hoặc nhiều hơn trong lứa tuổi nhà sản xuất đưa ra, bởi nếu trò quá dễ dàng sẽ khiến bé mau chán, ngược lại nếu trò quá khó so với khả năng tư duy của con sẽ làm bé dễ bỏ cuộc.
Thay vì cho bé mới 2 tuổi chơi những trò như xếp hình 50 miếng ghép (dành cho bé lớn hơn) vì trò này sẽ khiến bé chỉ phá, nghịch thì bố mẹ nên tìm đồ chơi phù hợp hơn. Bố mẹ nên nghiên cứu kỹ và dựa vào khả năng thực tế của con để có những lựa chọn thích hợp.
San San