(Tổ Quốc) - Ngày hôm nay 24/7, cả nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỉ lục với hơn 7.000 ca. Cũng trong ngày hôm nay, Hà Nội bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, giãn cách xã hội toàn TP.
Diễn biến dịch ngày 24/7
Thông tin các ca mắc mới:
- Tính từ 6h đến 19h ngày 24/7 có 3.977 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca ghi nhận trong nước, tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 3.326 ca.
- Trong ngày 24/7, cả nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc kỷ lục với 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước tại.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục với 5.396 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Tình hình điều trị:
- 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24/7.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 17.583 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.
Tình hình xét nghiệm:
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 98.990 xét nghiệm cho 410.862 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.
Tình hình tiêm chủng
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.
Hà Nội và TP.HCM siết chặt, tăng cường hơn nữa biện pháp phòng dịch
Trong bối cảnh tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, 2 địa phương này đã có quyết định siết chặt, tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng dịch nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan nguy cơ cao.
Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Tại Hà Nội, trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Trong những ngày gần đây liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn là rất lớn nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để ngăn chặn.
Trước tình hình đó, UBND Thành phố quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 6h ngày 24/7.
Ngày hôm nay là ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng quy định. Tại 22 chốt kiểm dịch cửa ngõ ra vào Thủ đô, lực lượng chức năng yêu cầu mọi phương tiện quay đầu, không vào Hà Nội. 100% phương tiện quay đầu, chấp hành nghiêm quy định, ngoài trừ các xe đi "luồng xanh" (phục vụ phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia và thực hiện công tác vận tải hàng hoá thiết yếu).
Ngoài ra, trong khu vực nội đô, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành xử phạt một số trường hợp ra đường không cần thiết ngay trong ngày đầu thực hiện giãn cách.
Cũng theo Chỉ thị 17, nhiều hoạt động, loại hình kinh doanh, dịch vụ... cũng đã phải tạm ngừng. Trong đó phải kể đến hoạt động giao hàng, dịch vụ đi chợ thay... của các ứng dụng online. Mặc dù việc tạm ngừng dịch vụ, hoạt động này ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người dân. Nhưng trước những đặc thù như di chuyển nhiều, khó kiểm soát, nếu không may một người nhiễm bệnh thì sẽ rất nguy hiểm nên Sở GT-VT quyết định tạm dừng hoạt động, dịch vụ này.
Trong những ngày tiếp theo, TP sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện những quy định trong Chỉ thị nêu ra để ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm có thể xuất hiện trong cộng đồng.
TP.HCM siết chặt, tăng cường Chỉ thị 16 đến 1/8
Tại TP.HCM, sau 13 ngày nỗ lực quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm hàng ngày vẫn ở mức rất cao; Số ca đang điều trị, tử vong ngày càng tăng; Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng chống dịch đã quá tải...
Bên cạnh đó là những diễn biến hết sức cấp bách khi biến chủng Delta diễn biến nhanh, mạnh và phức tạp; để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 tại TPHCM như sau:
Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm: Phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan nguy cơ cao.
Theo Chỉ thị 12-CT/TU ngày 22/7/2021 của Thành ủy TP.HCM, sẽ tăng cường nhiều biện pháp cụ thể để triển khai những quy định trong Chỉ thị 16 đồng thời thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đặc biệt, trong đó nhấn mạnh về quy định giãn cách tại khu dân cư.
TP.HCM vượt 40.000 ca trong vòng 15 ngày
Tính đến ngày 23/7, TP.HCM đã kết thúc 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Sau 15 ngày thực hiện giãn cách, những con số "biết nói" đã được lãnh đạo TP cung cấp, qua đó đã phản ánh đầy đủ, khách quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM.
Trong số đó, số ca nhiễm trong vòng 15 ngày qua cho thấy tình hình dịch vẫn đang rất căng thẳng.
Số ca nhiễm cộng đồng của TP từ ngày 9-7 đến 6 giờ ngày 23-7 có 40.255 ca.
Như vậy, từ ngày 9-7 đến ngày 23/7, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh. Các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
Tâm thư khẩn thiết kêu gọi tham gia chống dịch tại TP.HCM
Kể từ khi dịch bùng phát mạnh, TP.HCM cũng như Bộ Y tế đã kêu gọi các đơn vị ngành Y trên cả nước cùng tham gia hỗ trợ TP chống dịch. Đáp lại lời kêu gọi đó, hàng trăm y bác sĩ, tình nguyện viên từ hàng chục đơn vị y tế... đã chi viện cho TP. Trước số lượng ca nhiễm ngày một tăng, vượt 40.000 ca, TP đã huy động số lượng cán bộ, mọi lực lượng tham gia chống dịch khủng.
Tuy nhiên hiện nay, trước số lượng ca nhiễm ngày một tăng lên, trong khi công tác điều trị gặp khó khăn và quả tải. Đứng trước những khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã viết một lá thư ngỏ đầy xúc động để mong huy động mọi nguồn lực cùng tham gia chống dịch.
"...
Hiện tại nhờ nỗ lực của Thành phố và sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện.
Nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quả tải.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống Y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực Y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM.
Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh...
Hãy chung tay cùng nhau khống chế dịch bệnh đưa Thành phố sớm quay lại cuộc sống bình thường. Xin chân thành cảm ơn Quý đồng nghiệp".
Tổng số nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn TP là 14.129 người, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của TP là 10.022 người; Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người. Chỉ riêng nhân sự phục vụ công tác lấy mẫu là 4.456 người.
Ngoài ra, Công an TP HCM đã huy động 13.853 cán bộ chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch; trong đó lực lượng tăng cường của Bộ Công an là 786 CBCS; sinh viên các trường CAND trên địa bàn TP là 794 sinh viên; điều động 832 CBCS các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP HCM tăng cường cho Công an các địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Bộ Tư lệnh TP HCM cũng đã điều động 27.769 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và khu phong tỏa. Đồng thời mở đợt cao điểm phối hợp với lực lượng hóa học của Quân khu 7, Bộ Quốc phòng và lực lượng hóa học TP HCM thành lập 2 đội, mỗi đội 8 xe phun khử khuẩn diện rộng toàn TP, tổ chức liên tục tại những khu vực cách ly, phong tỏa, khu vực bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, địa bàn có nguy cơ cao, các khu nhà trọ, khu dân cư.
HẠ VŨ