(Tổ Quốc) - Ai cũng cho rằng ăn xong thì rửa bát đũa lúc nào cũng được, rửa bằng giẻ và dầu rửa bát thế nào chẳng sạch trơn. Thực tế, thời điểm rửa bát rất quan trọng, giúp cả gia đình bạn phòng bệnh ung thư gan.
Có một kiểu rửa bát khiến cả gia đình bạn có nguy cơ ung thư gan, đó chính là ngâm bát đũa qua đêm
Sau khi ăn uống no say, nhiều người lười lắm chuyện đứng dậy rửa một đống bát đĩa đang ngâm trong bồn rửa. Thế là chúng ta chần chừ đợi 30 phút, rồi một tiếng, rồi chậc lưỡi bận việc này việc kia, thôi ngâm đó sáng mai dậy rửa sớm. Rửa bát thôi mà, trước sau gì chẳng được làm sạch để ăn cho bữa tiếp theo.
Nghĩ vậy nên nhiều gia đình có thói quen ngâm bát đũa để qua đêm rồi mới rửa vào sáng hôm sau. Thế là nguyên một mâm bát đĩa để đầy bồn rửa, nước xối dội lên ngâm mười mấy tiếng đồng hồ trước khi được tay người chạm vào rửa sạch. Ai cũng cho rằng điều này là hiển nhiên và không nghĩ gì đến sức khỏe vì luôn có chiếc bát sạch thơm vào bữa ăn cơm. Bạn đã lầm vì giới chuyên gia nhận định đây là mầm mống gây bệnh ung thư gan cho các thành viên trong gia đình vô cùng đáng tiếc.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), bát đũa ngâm qua đêm rồi mới rửa tức là bát đũa bám bẩn đồ ăn thức uống, để trong bồn rửa trong thời gian dài tất nhiên sẽ sinh sôi nảy nở nhiều vi khuẩn gây hại sức khỏe.
"Đặc biệt, hành động ngâm bát đũa bẩn để qua đêm sẽ làm sản sinh một loại nấm màu vàng có tên Aspergillus, có khả năng gây bệnh ung thư gan. Ngoài ra, bát đĩa và đũa xếp chồng lên nhau cũng có thể bị nhiễm khuẩn chéo và tạo ra nhiều loại nấm mốc khác nhau. Trong khi đó, chúng ta đều biết nấm mốc luôn là nguyên nhân gây ung thư gan mà người dân cần cẩn trọng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Nhiều người cẩn thận hơn, khi ngâm bát đũa để qua đêm, không quên đổ thêm nước rửa bát vào. Thế là bao nhiêu dầu mỡ bám chặt vào xoong nồi, bát đĩa cứ bị bong ra, trôi dần trôi dần, sáng mai tỉnh dậy là rửa siêu nhanh, siêu sạch. Nhiều gia đình cũng cho rằng đổ thêm nước rửa bát là diệt vi khuẩn rồi, không lo nấm mốc có cơ hội hình thành, sợ gì ung thư gan nữa?
Trong thực tế, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, điều này không những không diệt khuẩn, diệt nấm mốc hoàn toàn mà nguy cơ hóa chất ngấm sâu vào trong bát đĩa, đũa, nhất là những dụng cụ làm bằng gỗ. Trong gia đình Việt, đũa gỗ là vật dụng được dùng rất phổ biến. Đó là thứ đầu tiên dễ bị ngấm nhiều nhất hóa chất độc hại từ nước rửa bát. Thế là không chỉ nguy cơ bị ung thư gan, bạn còn có nguy cơ bị nhiễm độc, dần dần mắc các bệnh mãn tính khác mà không thể lường trước.
Rửa bát đũa tránh bị nhiễm bệnh - 5 nguyên tắc cần ghi nhớ
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để bát đũa là đồ dùng bền đẹp, an toàn, nâng niu sức khỏe của gia đình, tất nhiên người người nhà nhà cần thay đổi ngay thói quen ngâm bát đũa để qua đêm.
"Tốt nhất nên đi rửa bát đũa ngay sau khi ăn, nếu muốn ngâm chỉ nên ngâm qua khoảng 15 phút là cùng rồi tiến hành rửa ngay, vừa sạch bát đũa vừa vệ sinh bồn rửa, tránh nguy cơ vi khuẩn sinh sôi, nhiễm khuẩn chéo. Với những loại xoong nồi khó bong dấu vết thức ăn cũng chỉ nên ngâm 15 phút rồi rửa, nếu vẫn còn cặn chưa sạch hoàn toàn thì rửa sạch rồi ngâm tiếp...", chuyên gia nhận định.
Cụ thể, khi rửa bát đũa, bạn cần ghi nhớ những nguyên tắc sau để tránh rước bệnh cho chính mình cũng như cả gia đình:
- Dùng giấy ăn lau qua dầu mỡ, thức ăn thừa bám lại trên bát đĩa, xoong nồi.
- Đổ đầy nước ấm vào bát, cho thêm nước rửa bát vừa phải với lượng bát đũa cần rửa.
- Rửa xong bằng nước rửa bát cần tráng rửa sạch dưới vòi nước.
- Sau khi rửa sạch bát đũa, bạn cần tiến hành lau khô, sấy khô, thậm chí nên khử trùng sau khi rửa càng nhiều càng tốt.
- Sau đó mới úp bát đĩa, xoong nồi vào nơi quy định trong nhà bếp.
TH