(Tổ Quốc) - Trong khi mọi người đang vây quanh em bé mới sinh trêu đùa thì bà mẹ chợt nhớ ra không thấy con gái lớn đâu, dù rõ ràng vừa nãy còn thấy bé ở trong phòng.
Trong gia đình, khi đứa con thứ 2 chào đời không chỉ là bước ngoặt mới trong "sự nghiệp" làm cha mẹ của các bậc phụ huynh, mà đó cũng là một sự kiện lớn đối với đứa con lớn của họ. Đang là trung tâm của cả gia đình, bỗng chốc bé phải chia sẻ một nửa tình yêu của mọi người, thậm chí còn bị "ra rìa" khi người lớn trong nhà đều chú ý đến em bé. Đó không nghi ngờ gì là cú sốc đối với mỗi đứa trẻ.
Mới đây một bà mẹ người Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện về bé gái đầu lòng của gia đình cô, qua đó muốn nhắc nhở và cảnh tỉnh những bà mẹ khác có chung cảnh ngộ. Chuyện là bà mẹ này vừa sinh con trai thứ 2 không lâu, vì đã có một bé gái trước đó nên bé trai trở thành đứa con được mong đợi trong gia đình cô. Ngay khi cậu bé vừa chào đời đã thu hút gần như mọi sự chú ý cả ông bà nội ngoại và những người trong gia đình.
Hôm đó, vì bé trai vừa thức dậy nên mọi người đang vây quanh cậu bé trêu đùa. Bà mẹ này nhìn quanh không thấy con gái đâu, trong khi cô nhớ rõ ràng bé vừa nãy còn ở trong phòng. Cô lấy làm lạ, bèn đi tìm con. Cuối cùng cô nhìn thấy con gái trong một căn phòng và bé đang ngồi khóc 1 mình.
Người mẹ lặng người khi chứng kiến cảnh tượng ấy, sau đó cô vội vàng bế bé lên, dỗ dành con. Hóa ra con gái cô tủi thân vì cảm giác bị mọi người bỏ rơi, cho rằng không còn yêu thương bé nữa.
Tới lúc ấy cô mới sâu sắc cảm thấy mình đã vô tâm thế nào và trẻ con nhạy cảm, dễ bị tổn thương ra sao. Cũng may cô sớm phát hiện, nếu để tình trạng này kéo dài chắc chắn tâm lý con sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế, tình huống trong câu chuyện trên không hiếm xảy ra ở các gia đình có 2 con. Khi em bé thứ 2 chào đời, phần vì em bé cần nhiều sự chăm sóc hơn, phần vì coi nhẹ sự ghen tị, tủi thân trong lòng đứa con lớn mà nhiều bậc cha mẹ vô tình khiến con lớn bị tổn thương.
Do đó, khi sinh con thứ 2, cha mẹ cần lưu ý:
- Không được bỏ quên con lớn: Sau khi sinh em bé thứ 2, vì em bé cần nhiều sự chăm sóc hơn nên cha mẹ thường vô tình quên bẵng mất đứa con lớn của mình. Đó là một điều rất đáng lo ngại, làm cho con lớn có cảm giác bị bỏ rơi. Vì thế, dù bận rộn với em bé mới sinh thế nào thì cha mẹ vẫn phải quan tâm đến đứa con lớn như trước.
- Trò chuyện với con lớn nhiều hơn: Khi có thêm em, trẻ sẽ phải san sẻ tình cảm của cha mẹ - thứ mà trước đây chỉ mình bé độc chiếm. Điều đó chắc chắn ít nhiều khiến trẻ hụt hẫng và bất an. Việc cha mẹ cần làm lúc này là phải thường xuyên trò chuyện, an ủi trẻ, khẳng định với con cha mẹ vẫn luôn yêu bé không có gì thay đổi.
- Xây dựng mối quan hệ giữa hai đứa trẻ: Ngay từ khi mang thai, mẹ cần thiết để con lớn làm quen với em bé, cho con lớn trò chuyện với em bé trong bụng để dần xây dựng tình cảm giữa 2 đứa trẻ. Sau khi em bé chào đời, cha mẹ nên hướng dẫn đứa con lớn cùng cha mẹ chăm sóc và chơi đùa với em bé. Điều đó vừa giúp xóa bỏ cảm giác bị bỏ rơi trong trẻ, vừa khiến tình cảm giữa 2 đứa bé thân thiết hơn.
- Luôn đối xử công bằng: Cha mẹ phải duy trì sự công bằng trong suốt quá trình trưởng thành của các con. Đó là nền tảng cốt lõi tạo nên 1 mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp giữa chúng.
Tú Cầu