(Tổ Quốc) - Không ít mẹ bầu than thở rằng ban đêm mất ngủ vì những cú đá, cú đạp của em bé ở trong bụng. Có vẻ như các bé đều thích hoạt động về đêm.
Khi mang trong mình một sinh linh bé bỏng, chắc hẳn người mẹ nào cũng mong chờ những lần khám thai để được nhìn con của mình thông qua màn hình siêu âm và chờ nghe câu "thai khỏe" của bác sĩ. Khi em bé trong bụng lớn dần lên, bạn lại được cảm nhận thiên chức thiêng liêng ấy bằng những cử động của con.
Mỗi cú đá nhỏ dễ thương của bé khiến bạn mê mẩn, bởi khi đó bạn được "chạm" vào tay, chân, hay mông, đầu của con. Tuy đáng yêu là thế, nhưng có rất nhiều mẹ than phiền về việc em bé luôn lựa những lúc đêm tối, mẹ cần ngủ nghỉ để "luyện võ công", đến nỗi, mẹ không tài nào ngủ được.
Vì sao thai nhi đạp nhiều vào ban đêm?
Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, khi thai nhi lớn, chúng sẽ học cách duỗi chân duỗi tay và cử động cơ thể. Càng về cuối thai kỳ, em bé còn học được cách lăn, đấm và đá. Những hoạt động của bé có thể liên quan đến tiếng ồn, cảm xúc, tư thế ngồi, nằm không thoải mái của mẹ hoặc mùi vị thức ăn mà mẹ ăn kích thích bé hay do bé có chu kỳ "ngủ ngày cày đêm".
Nhà giáo dục sinh sản Deena Blumenfeld, làm việc tại Khoa Giáo dục tiền sản Shining Light, thuộc trường Cao đẳng Giáo dục Sinh sản Hoa Kỳ (FACE) cho biết các cử động của người mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến em bé: "Khi các bà mẹ thức, các cử động hàng ngày như đi lại, làm việc nhẹ nhàng, lắc lư thường xuyên... có tác dụng ru bé ngủ. Còn khi bạn ngủ vào ban đêm, bạn không di chuyển nhiều, do đó, bé có xu hướng thức và hoạt động. Chúng lăn, đá, duỗi chân, hay mút ngón tay".
Một nguyên nhân nữa giải thích cho sự thích hoạt động về đêm của thai nhi là bởi vì khi thức, bạn làm việc và không dành 100% tâm trí vào bé, nên bạn không biết nhiều đến những lúc bé ngọ nguậy. Nhưng khi bạn đi ngủ vào ban đêm, tâm trí và cơ thể được thư giãn thoải mái và nó hòa hợp với các cử động của thai nhi, điều này khiến bạn nhận ra là có vẻ như con mình thích hoạt động nhiều hơn vào ban đêm.
"Trên thực tế, thai nhi không di chuyển nhiều vào ban đêm hơn so với ban ngày, mặc dù người mẹ có thể nhận thấy điều ngược lại. Tuy vậy, thai nhi dường như cử động nhiều hơn khi người mẹ bắt đầu nghỉ ngơi. Điều này có thể được lý giải là bởi khi mẹ nằm xuống, các cơ ở bụng được thư giãn và thai nhi có nhiều khoảng trống để di chuyển hơn".
Peter Hepper, một nhà tâm lý học thai nhi làm việc tại Đại học Queen, Belfast (Anh)
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Mang Thai Hoa Kỳ còn cho biết có một nguyên nhân nữa khiến em bé hoạt động về đêm là vì mùi vị món ăn mà mẹ đã ăn vào buổi tối hoặc ăn nhẹ vào buổi đêm kích thích bé. Hay đơn giản là bé phấn khích khi nghe được giọng nói của mẹ, vì Mayo Clinic - một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ - đã chỉ ra rằng ở cuối tam cá nguyệt thứ 2, bé đã có thể nghe thấy giọng nói của mẹ.
Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Một em bé hoạt động quá nhiều vào ban đêm có thể gây mất ngủ và khó chịu cho bạn. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ để giúp bạn giải quyết vấn đề:
- Hát cho thai nhi nghe
Thay vì cho nghe nhạc, bạn hãy hát cho con nghe. Các nghiên cứu từ Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ chứng minh rằng giọng nói của người mẹ giúp thai nhi bình tĩnh hơn. Đây là lý do tại sao hát một bài hát ru có thể xoa dịu và đưa em bé vào giấc ngủ.
- Bắt chước thói quen ban đêm vào ban ngày
Bắt chước thói quen hàng đêm của bạn vào giờ nghỉ trưa để giúp em bé nhận ra môi trường xung quanh. Bạn hãy xem TV, nằm xuống nghỉ ngơi hoặc đọc sách trong khoảng thời gian nghỉ trưa của mình. Các hoạt động tĩnh tại trong vài giờ/ngày có thể dạy bé thích nghi với các tình huống mẹ không chuyển động.
- Quan sát
Dành một vài giờ trong ngày để quan sát thói quen của em bé. Chẳng hạn bé cứ nghe thấy nhạc hoặc giọng nói của mẹ là đạp liên hồi. Thói quen của bé có thể giúp bạn hiểu hành vi của bé. Bạn có thể ngạc nhiên khi nhận thấy con mình cũng hoạt động năng nổ vào ban ngày lắm chứ. Và một em bé năng động là một em bé khỏe mạnh.
BT