(Tổ Quốc) - Cuộc đại phẫu tách dính cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi với 93 y bác sĩ tại các bệnh viện ở TP.HCM tham gia đã vinh dự đón nhận kỷ lục Guinness Việt Nam trong ngày 2 bé xuất viện.
Sáng 7/10, 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi trong ca mổ tách dích song sinh tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã hoàn toàn khỏe mạnh. 2 bé chính thức được xuất viện trở về nhà sau 15 tháng nằm viện và 3 tháng kể từ thời điểm phẫu thuật tách rời.
Trong ngày hạnh phúc của gia đình các bệnh nhi và những nhân viên y tế điều trị cho các bé, niềm vui tiếp tục được nhân lên khi ngoài bằng khen của Sở Y tế TP.HCM dành tặng co các thành viên ekip mổ, ca phẫu thuật cũng chính thức xác lập một kỷ lục Việt Nam.
Cụ thể, ca phẫu thuật "song Nhi" đã được chứng nhận kỷ lục: "Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu thành công cho cặp song sinh".
Tiến sĩ Nguyễn Phùng Phong, Kỷ lục gia Thế giới về Siêu trí nhớ, Phó Viện trưởng thường trực Viện Kỷ lục Việt Nam đã đến BV để trao chứng nhận kỷ lục cho tập thể kíp mổ.
Ngoài ra, 3 thành viên trong ekip thực hiện đại phẫu cũng được nhận kỷ niệm chương của Viện Kỷ lục Việt Nam về thành tích đã đạt.
Có mặt trong ngày vui của Trúc Nhi - Diệu Nhi, Giáo sư Trần Đông A, cố vấn trong ca phẫu thuật nhận định, giữa lúc thế giới đang căng thẳng với đại dịch, ca phẫu thuật qua những thông tin của báo đài giúp bạn bè quốc tế nhìn nhận ngành y tế Việt Nam đã làm được những việc đáng ngưỡng mộ.
Về quá trình điều trị sau xuất viện, Giáo sư Đông A cho biết Diệu Nhi sẽ đóng hậu môn tạm sớm và sẽ sớm lên cân khi hậu môn hoạt động bình thường.
"Người có hậu môn hoạt động bình thường như có cả một gia tài vô giá" – Giáo sư nói.
Về vấn đề di chuyển sau này, Giáo sư Đông A cho rằng việc tập sức cơ rất quan trọng. Tập sức cơ tốt trước khi tập đi sẽ giúp bé đi đứng tốt và người sẽ ngay ngắn.
Đồng quan điểm này, Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố nói thêm, ngoài tập sức cơ còn cần tập hỗ trợ cột sống. Trúc Nhi đã có thể ngồi được như Diệu Nhi thì chưa. Phải có thể ngồi được, lật được thì mới tính đến chuyện đi đứng.
"Trong cuộc mổ chúng tôi cứ nghĩ Trúc Nhi sẽ ổn hơn Diệu Nhi. Nhưng sau đó chính Trúc Nhi lại gặp vấn đề về hô hấp và phục hồi chậm hơn Diệu Nhi. Tuy nhiên, dù chậm nhưng chắc.
Đây là ca tách dính thứ 2 trong cuộc đời tôi. Ở ca đầu tiên không vấn đề gì. Với ca thứ 2 trường hợp Phi Long – Phi Phụng đã có 1 bé tử vong. Do đó trước mổ ca này chúng tôi rất lo lắng, phải theo dõi các tài liệu để tính xác xuất thành công bao nhiêu.
Tất cả những điều chúng tôi làm trên 2 bé đều dựa trên hình ảnh, tính toán, dựa trên y văn chứ không thể làm bừa.
Nhiều anh chị thường hỏi rằng như vậy ca mổ có thể coi là thành công chưa, tôi chỉ có thể trả lời rằng đây chỉ mới là thành công bước đầu. Bởi phía trước là cả chặng đường dài, chưa biết điều gì sẽ xảy ra" - bác sĩ Định chia sẻ.
Trong khoảnh khắc vừa nhận xong giấy ra viện, mẹ Trúc Nhi - Diệu Nhi cho biết bản thân mừng lắm.
"Lúc nào tôi cũng mong muốn con trở về ngôi nhà thực sự của mình. Dù vậy cũng có một chút lưu luyến, vì các bé ở đây đã quá thân quen với các điều dưỡng, các y bác sĩ rồi.
Sau khi trở về, hai vợ chồng sẽ cố tập cho các bé vận động, đi đứng, ăn uống tốt. Bé còn phải quay lại tái khám theo y lệnh của bác sĩ" - người mẹ tâm sự.
Dự kiến, Trúc Nhi – Diệu Nhi còn phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật nữa để có thể hi vọng trở lại hình hài, cuộc sống như bao trẻ bình thường.
Hoàng Lê