(Tổ Quốc) - Bức ảnh khiến nhiều người xúc động trước tình cảm chàng trai dành cho bố, nhưng cũng làm ta bùi ngùi nghĩ về người bố của mình. Hình như trong cuộc sống đời thường, chúng ta quá vô tâm...
Mới đây, dân mạng rần rần chia sẻ một bức ảnh cảm động được chụp trong Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Trên giường bệnh, hai cha con đang nằm ngủ. Người con trai đã trưởng thành, có lẽ ngủ thiếp đi vì mệt, đang lấy thân mình làm đệm nằm cho bố. Người bố luống tuổi, gầy gò mặc đồ bệnh nhân, nằm co quắp trên người con trai, gương mặt lộ vẻ khắc khổ, đau đớn.
Câu chuyện phía sau được người chụp bức ảnh chia sẻ cũng chạm đến trái tim số đông. Chuyện là, ông bố mắc bệnh khá nặng, đến đêm đau quá không ngủ nổi, cậu con trai nghe vậy đã dìu bố xuống ghế rồi lấy thân mình làm gối tựa, tay xoa lưng cho bố ngủ. Một lúc sau, cả hai cha con đều ngủ thiếp đi…
Dù đang gây sốt trên mạng xã hội, được chia sẻ rất nhiều và hút hàng chục nghìn lượt tương tác trong ít giờ, nhưng thực ra bức ảnh này không mới. Nó đã từng tạo nên “bão like” thời điểm xuất hiện lần đầu, tháng 2/2020.
Hiện nay, không có thông tin cập nhật về cặp cha con trong bức ảnh, cũng không rõ vì sao bức ảnh bỗng dưng bị “đào” lại, nhưng thông điệp và tính lay động của nó thì vẫn vẹn nguyên.
Câu chuyện và khoảnh khắc này đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Chúng ta xúc động với tình cảm của người con trai dành cho bố, thương cảm cho người cha tuổi xế chiều bỗng gặp biến cố, sà vào lòng con như mong cầu an ủi.
Chúng ta sẽ rơi lệ vì một câu chuyện đẹp như thế, tốt thôi, vì đó là khi ta hiểu lòng mình chưa chai sạn. Chúng ta có thể thả tim, "share" ngay một tấm ảnh nào đó về tình cảm gia đình làm mình dễ chịu, tốt thôi, vì ta cần chút “tăng lực” nho nhỏ ấy để sống giữa đời. Nhưng trong đời thực, ta có thể dễ dàng thổ lộ tình cảm với bố mình như thế đâu?
Thật lạ là chúng ta rất dễ nói lời ngọt ngào, rất nín nhịn với người ngoài, nhưng nói những lời yêu thương với gia đình, đặc biệt là với bố thì rất khó. Thậm chí ta còn dễ cáu, tức giận, quát mắng bố mẹ vì thấy phiền với những lời dặn dò, quan tâm.
Ngày bé, ta dễ dàng sà vào lòng bố, ôm ghì lấy cổ, vít lấy má mà thơm. Nhưng trưởng thành rồi, có khi cả phần đời sau này ta cũng ngại không ôm bố lần nào. Những câu yêu thương cũng trở nên “sến súa”, và ta ngừng nói ra. Mọi hành động thể hiện tình cảm bỗng trở thành kỳ cục.
Hình ảnh này chắc chắn sẽ còn lan tỏa rộng hơn nữa với thông điệp sâu sắc ẩn chứa bên trong.
Không phải là ta không thương bố nữa, mà là ta ngại ngần, mà là ta vô tâm. Ta thường vin vào cớ khoảng cách thế hệ đang đẩy mình và bố ngày một xa nhau. Ta cứ đinh ninh là bố mình sẽ hiểu. Ta chứ đinh ninh mình còn nhiều thời gian, như thể chẳng ai già đi và vòng đời là vô hạn.
Cho đến khi, bức ảnh ông bố nằm lọt thỏm trong lòng con trai, trên giường bệnh kia khiến ta giật mình. Thật tuyệt vời khi những ngày tháng đau đớn ấy, người bố có con trai kề cận, khi anh ân cần xoa lưng, vỗ về ông, (có lẽ) như ông đã làm thế hồi anh còn thơ ấu.
Nhưng tốt hơn là, chúng ta đừng đợi đến khi bố mình đổ bệnh, đến khi lằn ranh sinh ly tử biệt đã cận kề rồi mới trao tặng những lời yêu thương, dịu dàng. Yêu thương không cần “có dịp” và cũng chẳng cần hò hẹn đến hạn kỳ. Ai mà dám chắc mình sẽ còn lại bao tháng ngày bên ông, để sửa lại những lời gắt gỏng, để bù đắp những lần vô tâm, để làm vơi đi những nhung nhớ?
Một buổi rủ bố đi cafe, một tối ngồi cùng chơi cờ, xem tivi, một món quà dành tặng bố, hoặc chỉ cần một cái ôm mà ta “dũng cảm” vượt qua ngại ngùng cũng có thể khiến bố nhận ra ta yêu ông đến nhường nào rồi. Đừng đợi, vì ai mà biết, bố sẽ còn bên ta đến bao lâu...
Bích Chi