(Tổ Quốc) - Không có người bố hoàn hảo nào tồn tại trên đời. Bố có thể ít nói, có thể không hay thổ lộ tình cảm, có thể "khô khan"... nhưng tình yêu bố dành cho con thì luôn hoàn hảo.
Bạn đoán xem, ở đâu chúng ta có thể chạm tới một thứ tình yêu không gợn chút toan tính, yêu vô điều kiện, bất kể ta thành công hay thất bại, giàu có hay chật vật, lúc khỏe mạnh cũng như khi ốm đau…? Nghe thì giống ước trong lễ cưới, nhưng tình yêu ấy chỉ có ở bố mẹ chúng ta thôi.
Trong khi mẹ thường là ngọt ngào, ấm áp, đôi lúc càm ràm hoặc “quá khích” đến mức ta cảm thấy phiền; bố thường là thái cực “lạnh” hơn, kiệm lời hơn, lơ mơ là “ăn đòn”. Vậy nhưng, ẩn sau những cái lừ mắt, những hành động gai góc ấy, hóa ra lại là tình cảm vô ngần, sâu như trầm tích giấu chặt trong lòng đất.
Bữa kem ngốn gần 1 chỉ vàng và múi sầu riêng nơi đất lạ
Tôi có một tình yêu đặc biệt với ăn uống và những câu chuyện ẩm thực. Chẳng hiểu vì gia đình tôi vốn sẵn có "tâm hồn ăn uống" hay do tôi ham ăn, mà nhớ về bố mẹ, đặc biệt là bố, tôi toàn nhớ về đồ ăn. Hồi tôi còn nhỏ, gia đình sống ở Hà Nội. Cứ cuối tuần bố sẽ đưa tôi lên phố chơi, mỗi tuần ghé vào một quán, thử một món ăn. Khi có sự kiện quan trọng nào đó, bố không tiếc tiền mua đồ ăn ngon cho tôi thưởng thức, vì "có biết ăn ngon, sau này mới biết cách làm ra tiền để được ăn ngon".
Một trong những dịp "lưu truyền sử xanh" mà tôi còn nhớ, ấy là một ngày hè, năm tôi chuẩn bị vào lớp 1. Hôm ấy, ông nội ở quê lên thăm gia đình tôi. Bố đưa hai ông cháu đi chơi chơi, tiện đường tạt vào đón thêm đứa em họ tôi, kẹp bốn phi lên Bờ Hồ.
Gần Tràng Tiền hồi ấy có một nhà hàng kem ly của Ý mới mở, cửa kính sáng choang, bàn ghế rất xịn, bài trí sang trọng đúng kiểu Tây. Nói không ngoa, đó có lẽ là quán kem sang trọng nhất nhì Hà Nội những năm 90. Giá một ly kem, tôi nhớ mãi, là 72 nghìn, gấp khoảng 20 lần kem Tràng Tiền, Thủy Tạ. Mấy lần trước đi qua tôi đã ngoái nhìn tấm biển quảng cáo nhiều màu sắc, nhìn bọn trẻ con nhà giàu đang ngồi ăn kem trong nhà hàng một cách đầy thèm thuồng.
Hôm ấy, bố dừng lại trước nhà hàng kem trong sự ngỡ ngàng của 3 người chúng tôi. Bố hào phóng gọi 4 ly. Giá ly kem Ý ấy gấp 20 lần kem nội địa, nhưng cảm giác mình được xúc một thìa kem béo ngậy, mát lịm, dẻo thơm chỉ dành cho trẻ con nhà giàu vào miệng, hào hứng ăn hết ly kem to như cái bát ô tô… thì đáng giá hàng nghìn que kem.
Về nhà, nghe bố mẹ chuyện trò, tôi mới biết bố đã chi "6 tờ xanh" - tờ 50 nghìn mà cả "vụ" Tết gặt lì xì khách đến nhà nườp nượm, tôi có 2 tờ là đã mặt vênh nhất khu tập thể. Năm ấy, giá vàng đâu đó khoảng 450 nghìn/chỉ.
Năm tôi 9 tuổi, có một biến cố lớn xảy ra, rồi gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sống. Bố vào trước mấy tháng chuẩn bị nhà cửa, mẹ đưa tôi theo sau. Nhà mới của chúng tôi là một cái nhà cấp bốn xây bên cạnh ruộng rau muống, đường vào nhà trải đá dăm, đêm còn nghe tiếng ễnh ương kêu oàm oạp.
Chiều hôm sau ngủ dậy, bố chuẩn bị quà chiều để cho tôi "ra mắt" vùng đất mới: Một quả sầu riêng rụng, múi nào múi nấy tròn ủm, căng mọng cơm. Tôi bất giác bịt mũi, cau mày trước mùi lạ, kêu oai oái vì mùi khó chịu. Bố cười sằng sặc, cầm múi sầu riêng chạy theo tôi mời gọi: "Dốt lắm, đặc sản đấy, đắt lắm đấy con ạ. Ăn đi để rồi mà nghiện, sau lại thèm, suốt ngày đòi mua nhé" trong khi tôi chạy lòng vòng quanh nhà để trốn.
Bố túm được tôi, vừa cười khoái chí vừa bấu một miếng cơm sầu riêng nhét vào miệng tôi. Mà bố nói chuẩn ghê, chỉ 1 tháng sau đó và đến hơn 20 năm sau này, tôi đã là một tín đồ sầu riêng thực thụ, mỗi mùa hè tiêu tốn 1/5 quỹ lương để mua sầu riêng.
Lạ ghê, cũng ông bố ấy, từng ép tôi ăn mỡ và bì trong miếng thịt kho tôi vừa nhè ra, đến mức tôi nước mắt nước mũi giàn giụa, cố van nài xin tha mà không được. Lý do ư? Bố bảo phải biết tôn trọng người ăn cùng, tôn trọng thời gian, sức lao động bố mẹ. Phải biết ăn "thập cẩm", chén tuốt tuồn tuột được cả đồ ăn ngon - dở.
Bố bảo, để sau này giàu hay nghèo cũng có thể thích nghi...
Vai áo mồ hôi chua và chiếc xe cà-tàng đưa con vào đời
Khi tôi ngấp nghé vào cấp 3, bố là chủ xưởng hàn sắt một thành viên, vừa là phu khuân vác, vừa là thợ cả lành nghề, vừa là nhân viên marketing tiếp thị sản phẩm. Trang phục quen thuộc nhất bố hay mặc là bộ đồ bảo hộ dày cộp, vải thô, vai sờn rách, thủng lỗ chỗ hàng chục nốt. Mắt bố, dù có kính bảo hộ vẫn đỏ kè, lúc nào cũng ầng ậng nước, và mặt thì lem nhem bụi sắt.
Tôi, cũng như nhiều đứa trẻ 15 tuổi hồi ấy, tự lo được chuyện đi học mà không mấy khi phải có bố mẹ đón đưa. Nhưng có một buổi xe đạp hỏng, tôi đành nhờ bố đưa đến lớp học thêm, vào thời điểm ôn thi chuẩn bị vào lớp 10. Bố chở tôi trên chiếc xe máy ông vẫn thường chở máy hàn đi công trình, có cái khung rất to phía sau đuôi. Đôi phuộc nhún ọp ẹp kêu cót két qua từng cung đường, ì ạch lên dốc. Và đằng trước là bố tôi, bỏ dở công việc để đưa tôi đi học trong bộ đồ thủng lỗ chỗ vết hàn, nồng chua mùi mồ hôi.
Bây giờ nhớ lại, tôi nhận ra đó là bộ đồ đẹp nhất của bố, đẹp hơn cả bộ vest bố tôi mặc trong lễ đường ngày cưới con. Nhưng bạn có biết không, hôm ấy, đứa trẻ 15 tuổi là tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Tôi đỏ lựng mặt ngồi tụt thật xa mà không ôm bố, không nói chuyện với bố câu nào. Đến cách nhà cô giáo 50m, tôi bảo bố dừng lại, ôm cặp chạy vụt đi, không quay đầu lại vì sợ ai đó nhìn thấy bố mình trong bộ dạng lem nhem kia.
Thực ra, hồi ấy tôi không xấu hổ vì bố mình làm nghề lao động tay chân, mà tôi giận vì (cho rằng) ông lười biếng, an phận. Trước đây, ông vốn là phi công quân đội, là kỹ sư cấp cao được tu nghiệp ở nước ngoài. Vào Sài Gòn sống, ông được mời đi làm chuyên gia giàn khoan ở Vũng Tàu, mức lương 20 triệu/tháng, nhưng ông không nhận. Tôi giận vì ông đã chọn việc trở thành chủ xưởng hàn tại gia, thu nhập xoàng xĩnh mà lại đầu tắt mặt tối, chỉ để có nhiều thời gian ở bên gia đình.
Ngày tôi thi cấp 3, bố gọi tôi dậy thật sớm, trên người là áo sơ mi, quần âu đóng thùng. Bố đi mượn ở đâu đó cái xe máy Future còn khá mới, chở tôi gần 20km đến trường. Giữa đường, bố ghé vào hàng phở Bắc, gọi một tô tái chín đặc biệt, 2 cái trứng chần cho tôi, một tô bình thường cho bố. Bố còn gắp thêm vài miếng thịt tái từ tô của ông sang cho tôi.
Trời Sài Gòn nắng gắt, bố ngồi ở cổng trường đợi tôi thi xong, với một chai nước suối ướp lạnh mà chắc ông mua ở quán cafe gần trường, nhễ nhại mồ hôi. Vẫn là cái mùi hoi nồng của vất vả, chỉ khác là trong bộ quần áo khác, chiếc xe khác, mùi mồ hôi đã gửi gắm tôi vào cuộc đời.
Ông chủ trang trại trồng cam, nuôi yến hoành tráng nhưng vẫn "tính toán từng đồng" với con
Tốt nghiệp đại học xong, tôi một mình trở về Hà Nội. Bố chẳng phản đối dữ dội, can ngăn như mẹ, chỉ thủng thẳng bảo: “Sống ở đâu cũng được, sống tốt là được”. Tôi làm việc ở cao ốc, mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu, ánh sáng quen thuộc là đèn neon, điều hòa luôn ở mức tiêu chuẩn 28 độ. Tôi ít nghĩ về cơm áo theo kiểu chạy ăn từng bữa, nhưng căng đầu vì deadline, KPI. Tay gõ phím cũng mỏi nhừ, mắt cũng nhòa đi với số liệu, phần trăm, với những tăng trưởng dự án…
Có những ngày muốn gục ngã trước áp lực áo cơm, tôi gọi điện cho bố mẹ ở đầu kia đất nước mà chỉ chực khóc. Bố chẳng dỗ dành gì, không trách quyết định của tôi hồi còn là một “tấm chiếu mới”, chỉ nói: “Xin nghỉ phép đi, vào đây tao nuôi, chơi chán rồi về”. Điện thoại dứt, bố gửi cho mấy cái ảnh vườn cam trổ quả xanh mướt, video đàn yến nhà chao liệng trên đầu, hót ầm ĩ trong chiều tà...
Quãng 12 - 13 năm nay, bố tôi không ở Sài Gòn nữa mà xuống Bình Dương thuê đất trồng cam hữu cơ, xây nhà cho yến để khai thác tổ. Tôi hay đùa, thế thì bố là đại gia rồi, tôi được nhờ rồi. Tôi trêu ông, bố mẹ người ta còn chu cấp thức ăn hàng tuần, hàng tháng đóng thùng xốp cho con cháu, bố ở xa không cho được thế thì một tuần gửi dăm thùng cam, một tháng vài ký tổ yến cũng được, coi như phụ một tay nuôi cháu.
Bố phát biểu xanh rờn: “Con ai nấy nuôi, tao hết trách nhiệm với mày rồi. Thích bán buôn thì tao để lại cho giá ưu đãi, ưu tiên tuyển hàng ngon nhất chứ không bán xô như thương lái, nhưng tiền gốc thì phải trả đủ, không được nợ. Tao đầu tư bao tiền chưa thấy lãi đâu, lại còn phải cho mày thì sạt nghiệp à”. Mà ông làm thế thật, đồ tôi ăn, ông cho; nhưng hàng tôi lấy ra bán, ông “tính toán từng đồng”, tiền bạc phân minh, nhận hàng là phải chuyển tiền sòng phẳng.
Bố tôi là như vậy đấy. Người sẵn sàng “vung tay” chi đậm để con được thưởng thức món ngon dù chẳng lấy gì làm giàu có. Người từng tự hào khoác áo nhà binh thì cũng vui vẻ mặc vào những chiếc áo chua nồng mồ hôi, miễn là kiếm được đồng tiền lương thiện. Người xấp xỉ 60 vẫn loay hoay khởi nghiệp, bắt đầu một nghề mới với đầy vẻ háo hức, ham học hỏi. Người sẵn lòng chìa vai cho con dựa khi bối rối, nhưng dựa một tí thôi, rồi “chân ai nấy đứng, đời ai nấy sống”.
Tôi đoán rằng, chắc có nhiều ông bố như thế, mang trong mình tình yêu đặc biệt với con, nhưng giấu rất sâu trong hành động, trong cả sự phũ phàng, “lạnh nhạt” với con, có phải không?
Phong Linh