(Tổ Quốc) - Đây là một ca thẩm mỹ mũi hiếm có vì bệnh nhân đã phải trải qua đến 9 lần làm và sửa trong vòng 5 năm, trong đó có 8 lần bị hỏng.
Chiếc mũi bị biến dạng đến nỗi bệnh nhân đã nhiều lần đến các bác sĩ thẩm mỹ khác để sửa lại mũi nhưng bị từ chối
Trong 5 năm, vì mặc cảm nên bệnh nhân luôn khư khư chiếc khẩu trang trên mặt khi tiếp xúc với người khác. Thậm chí, vì tuyệt vọng nên bệnh nhân đã tính đến việc tự tử.
Cụ thể, bệnh nhân đã trải qua 8 lần phẫu thuật mũi bị hỏng như sau:
Lần 1: Bệnh nhân được bác sĩ dùng phương pháp sụn nhân tạo (dùng thanh silicon làm sống mũi), dùng sụn tai bọc đầu mũi. Sau khi về, vết mổ bị hở đường may và nhiễm trùng khiến chiếc mũi sưng và chảy dịch.
Lần 2: Vì mũi sưng và chảy dịch nên một tháng sau, bệnh nhân quay trở lại gặp bác sĩ đã làm cho mình để được sửa chữa. Nhưng sau khi bệnh nhân về nhà, mũi lại bị sưng và chảy dịch lần thứ hai.
Lần 3: Bệnh nhân tiếp tục quay trở lại gặp bác sĩ đó vào ba tháng sau lần mổ thứ hai. Lần này mũi không nhiễm trùng nữa nhưng bị ngắn. BS rút thanh silicon ra. Mũi bệnh nhân trở lại như trước khi thẩm mỹ.
Lần 4: Bệnh nhân đến một thẩm mỹ viện khác và được bác sĩ tại đây sửa lại mũi bằng phương pháp S-line, lấy sụn tai và sụn vách ngăn làm sống mũi và bọc đầu mũi. Nhưng sống mũi bị cao lên tới trán và hếch đầu mũi.
Lần 5-6-7-8: Khoảng 6 tháng - một năm sau, bệnh nhân lại đến một thẩm mỹ viện khác nữa để sửa lại mũi. BS tại đây sửa bằng phương pháp lấy sụn sườn. Kết quả, chiếc mũi đã đẹp hơn nhưng hơn một tháng sau bệnh nhân lại bị nhiễm trùng nặng. Mũi sưng, chảy dịch nên lại phải sửa lại lần khác và tiếp tục bị nhiễm trùng.
Mỗi lần nhiễm trùng, bệnh nhân phải truyền kháng sinh, có lần 7 ngày, có lần 10 ngày. Tổng cộng tại thẩm mỹ viện này, bệnh nhân đã được lấy 4 lần sụn sườn để sửa lại mũi. Nhưng sau đó mũi của bệnh nhân đã bị biến dạng nặng.
Trong thời gian một tháng sau khi sửa mũi, bệnh nhân đã không tuân thủ nghiêm túc lời dặn của BS nên bị kích ứng khói thuốc lá và một số hóa chất. Vì thế, sang hôm sau, mũi bệnh nhân bị sưng và chảy dịch.
Lần cuối cùng sửa mũi của cô gái này đã cách đây hơn một năm.
Lần 9: Bệnh nhân đến chỗ tôi và tôi trực tiếp chỉnh sửa.
Mũi của bệnh nhân được sửa lại với kết quả như trong ảnh (vào ngày thứ 13). Tôi phải dùng sụn ở mỏm ức của bệnh nhân để sửa lại. Trụ mũi đã thẳng và không bị ngắn.
Đây là ca khó nhất trong gần 20 năm làm nghề của tôi.
Vì chiếc mũi của bệnh nhân đã sửa đến 8 lần, nhiễm trùng nhiều lần nên các tổ chức đã bị xơ cứng sau nhiễm trùng. Chất liệu tự thân từ sụn vành tai, sụn vách ngăn và sụn sườn (đã lấy 4 lần) gần như hết, không thể lấy tiếp. Niêm mạc trong lòng mũi bị bở và hoại tử mất kích thước. Bệnh nhân đã bị nhờn hơn 1/2 chủng loại các kháng sinh. Bệnh nhân bị dị ứng khói thuốc lá, dễ bị nhiễm trùng sau mổ.
Tôi phải dùng sụn sườn làm nhuyễn thành bột để bơm lên sống mũi và chóp mũi bị co kéo sẹo gãy mô tổ chức, dựng lại toàn bộ vách ngăn mũi. Phần niêm mạc bị thiếu hổng phải sử dụng vạt xoay niêm mạc từ nền mũi mới khâu kín được vết mổ. Đây là thủ thuật rất khó khăn đòi hỏi BS phải rất nhiều kinh nghiệm trong lúc phẫu thuật và chăm sóc vết mổ hậu phẫu.
Lần phẫu thuật sụn sườn bột đầu tiên này để khắc phục chiều dài và sẹo lõm của mũi. Khoảng một năm sau, khi niêm mạc mũi đã lành và đàn hồi tốt sẽ tiếp tục dùng sụn bột đã để dành bơm vào chóp mũi để đạt độ cao mong muốn.
Sụn bột từ sườn là vật liệu hoàn toàn tự thân cho nên mức độ an toàn là 99%, không nhiễm trùng, không co rút và có thể đảm bảo mũi sau phẫu thuật thẩm mỹ sẽ đẹp tự nhiên 99% như mũi thật.
Lời khuyên cho các bạn muốn đi thẩm mỹ mũi:
- Nếu bạn không may bị nhiễm trùng khi có vật liệu cấy ghép nhân tạo thì phải tháo ra ngay và trong vòng 6 tháng không được phẫu thuật lại.
- Nếu mũi bạn sinh ra đã ngắn thì khi trao đổi với BS không nên cho phép lấy sụn vách ngăn, vì hầu hết người mũi ngắn có sụn vách ngăn ngắn và mềm, nếu BS không đủ kinh nghiệm mà chỉ tiến hành thủ thuật như công thức thì dễ dẫn đến tình trạng sụn vách ngăn bị biến dạng kéo theo đầu mũi bị co rúm và mũi ngắn hơn. Đây là khó khăn lớn nhất khiến các BS nhiều kinh nghiệm cũng ngại sửa lại cho bạn.
- Cơ địa người Việt rất khác người phương Tây cũng như các nước châu Á phát triển. Lý do là người Việt có quá trình dài sử dụng kháng sinh một cách bất cẩn nên gặp nhiều khó khăn hơn để vết thương lành và tạo sẹo đẹp. Do vậy bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm túc chế độ kiêng khem sau phẫu thuật, trong 3-4 tuần đầu sau phẫu thuật tuyệt đối không được dùng rượu bia thuốc lá vì những chất trên làm co mạch máu nuôi, gây khó khăn cho quá trình lành vết thương hoặc gây loét vết mổ.
- Phải cẩn thận với các chiêu thức quảng cáo "lùa" đám đông trên mạng của các thẩm mỹ viện không được cấp phép. Khi cần đi phẫu thuật thẩm mỹ phải nghiên cứu kỹ người bác sĩ sẽ làm phẫu thuật cho mình về tay nghề và đạo đức.
- Không nuôi nấng giấc mơ vịt hoá thiên nga một cách hão huyền phi lý.
BS Nguyễn Đức Khải