(Tổ Quốc) - Tưởng rằng đã "mẹ tròn con vuông" và được xuất viện về nhà, chị Diệp đã phải trở lại bệnh viện để thực hiện nạo, hút nhau thai còn sót trong tử cung.
Nhau thai được hình thành sau khi trứng thụ tinh thành phôi thai. Nhau thai liên kết với mẹ và bé thông qua dây rốn và có tác dụng truyền các chất dinh dưỡng, oxy từ máu mẹ tới thai nhi. Sau khi sinh xong, cơ thể của người mẹ sẽ không cần đến nhau thai nữa.
Toàn bộ bánh nhau phải được loại bỏ khỏi tử cung sau khi mẹ sinh con xong. Thế nhưng trong một số trường hợp, một phần nhau thai bị sót lại trong tử cung và được gọi là hiện tượng sót nhau thai. Sót nhau thai có thể để lại hậu quả như viêm tắc vòi trứng, viêm cổ tử cung, nguy hiểm hơn là gây băng huyết và ảnh hưởng đến tính mạng. Mới đây, một sản phụ đã bị sót nhau thai sau sinh dẫn đến việc phải nhập viện trở lại để nạo, hút nhau thai còn sót. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Diệp, 23 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Anh Nguyễn Thanh - chồng của chị Diệp chia sẻ, ngày 20/5 vợ anh bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ là vỡ ối nên gia đình lập tức đưa chị vào một bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở Hà Nội để cấp cứu. Toàn bộ quá trình khám, theo dõi thai kỳ của vợ anh đều diễn ra ở đây.
Tại đây, chị Diệp được nằm theo dõi đến ngày 22/5 thì bác sĩ cho tiêm thuốc kích sinh. Sau đó, chị Diệp sinh con thành công bằng phương pháp sinh thường. Chị Diệp lưu lại bệnh viện 2 ngày sau đó được xuất viện về nhà.
Tuy nhiên 7 ngày sau khi xuất viện thì chị Diệp bị sốt, đau bụng âm ỉ và trở lại bệnh viện nơi đã sinh con để khám. Sau khi siêu âm, bác sĩ tại bệnh viện đã kết luận chị bị "Viêm niêm mạc tử cung do sản dịch, nhau thai còn sót". Các bác sĩ đã tiêm và truyền thuốc để kích thích nhau thai tự thoát ra ngoài nhưng không được nên chị Diệp phải thực hiện nạo, hút nốt phần nhau thai còn sót ra ngoài. Các bác sĩ cũng cho biết, nếu chỉ chậm 1-2 ngày, khả năng chị Diệp sẽ phải đối diện với nguy cơ bị nhiễm trùng máu dẫn tới tử vong.
Anh Thanh bày tỏ sự bức xúc, cho rằng các y tá đã chủ quan và tắc trách, không kiểm tra kỹ và lấy hết nhau thai cho vợ anh dẫn đến bị sót nhau. "Khi xuất viện, gia đình tôi không được bác sĩ, y tá khám lại hay dặn dò việc quay lại khám, siêu âm sau sinh nên mới dẫn đến sự việc như ngày hôm nay" - anh Thanh nói.
Ngoài vấn đề mất tiền, mất thời gian, anh Thanh cũng rất lo cho sức khoẻ của vợ. Việc phải tiêm kháng sinh để chống viêm cũng khiến chị Diệp bị mất sữa, không được ở gần con dù mới sinh xong ít ngày.
Những nguyên nhân dẫn đến sót nhau thai
- Nhai thai bám sâu vào thành tử cung, khi lấy ra có thể nhau bị đứt hoặc không lấy hết được.
- Do lần mổ trước để lại, nhau thai có thể dính vào vết sẹo hoặc vết rạch nào đó trong tử cung.
- Một phần nhau thai bị kẹt lại không thoát ra ngoài được khi cổ tử cung đóng quá sớm.
- Do nhân viên y tế lấy không kiểm tra kỹ hoặc không biết còn nhau thai.
- Phụ nữ mang thai ở độ tuổi ngoài 30 sinh non, quá trình sinh lâu hoặc thai lưu cũng dễ có dấu hiệu sót nhau thai.
Cách xử lý sót nhau thai sau sinh
- Khi phát hiện các triệu chứng như sốt, đau đớn không ngừng, có dịch kèm mùi hôi chảy ra từ vùng kín và có thể có hiện tượng băng huyết, sản phụ cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.
- Bác sĩ sẽ thực hiện lấy nhau thai bằng tay bằng cách đặt ống thông tiết niệu để dẫn nước tiểu ra ngoài và làm trống bàng quang, cho sản phụ dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch để ngăn ngừa nhiễm trùng. Sản phụ cũng sẽ được gây tê cục bộ, cột sống hoặc ngoài màng cứng. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt tay vào bên trong tử cung để loại bỏ nhau thai.
- Các loại thuốc làm giãn tử cung tức thời cũng có thể sử dụng để nhau thai có thể thoát ra ngoài. Cho con bú cũng khiến cho tử cung co bóp và có thể đẩy nhau thai ra. Đôi khi chỉ cần đi tiểu cũng tạo ra áp lực kép giúp nhau thai thoát ra dễ dàng hơn.
- Nếu tất cả các cách trên đều không thành công, bác sĩ cùng sẽ dùng các biện pháp thích hợp để can thiệp như nạo, hút nốt nhau thai ra ngoài và sử dụng kháng sinh chữa các viêm nhiễm.
V.V.