Bộ Y tế đề nghị các địa phương chấn chỉnh các biện pháp phòng dịch không phù hợp

(Tổ Quốc) - Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 không phù hợp. Hiện cả nước có 7 tỉnh vùng cam và không có tỉnh vùng đỏ.

Ngày 17/1, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên cả nước về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Bộ Y tế, cho biết, vừa qua Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về một số sự việc báo chí phản ánh như: "Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục"; "Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vaccine" hay việc người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chấn chỉnh các biện pháp phòng dịch không phù hợp - Ảnh 1.


Trước thực trạng trên, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 128, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn của mình tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định.

Các tỉnh, thành phố phải kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương phải kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo nêu. Nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chấn chỉnh các biện pháp phòng dịch không phù hợp - Ảnh 2.


Do lo ngại dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa qua, một số tỉnh, thành phố ban hành thêm quy định nhằm kiểm soát việc đi lại của người dân về địa phương, nhất là những người về từ vùng có cấp độ dịch 3 (màu cam - nguy cơ cao) và 4 (màu đỏ - nguy cơ rất cao).

- Tại Phú Thọ, nếu trở về từ địa phương thuộc cấp độ dịch 3 và 4, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

- Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người dân về từ khu vực nguy cơ cao, đặc biệt là Hà Nội phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên âm tính.

-  TP Hải Phòng còn yêu cầu người về từ vùng đỏ và vùng cam phải thực hiện biện pháp cách ly. Ngoài ra, người từ vùng dịch cấp độ 1 và 2 về Hải Phòng phải tự theo dõi sức khỏe trong 7-14 ngày, tương ứng với trường hợp vừa khỏi bệnh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và chưa tiêm đủ.

- Bắc Giang vừa qua cũng yêu cầu người đến từ những nơi có ca nhiễm cộng đồng vào tỉnh phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.

Ngoài các tỉnh, thành trên, nhiều địa phương cũng ban hành quy định về việc cách ly, xét nghiệm người về từ những nơi khác theo tinh thần "mỗi nơi một kiểu". Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương phải tuyệt đối thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh chấn chỉnh các biện pháp phòng dịch không phù hợp - Ảnh 3.


Tối cùng ngày, Bản tin của Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 16/01 đến 16h ngày 17/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.378 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh thành.

- Ngày 17/01/2022, Sở Y tế Cà Mau đăng ký bổ sung 5.366 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Cà Mau.

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-130), Lạng Sơn (-129), Khánh Hòa (-124).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau ( 270), Trà Vinh ( 177), Thái Nguyên ( 127).

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.155 ca/ngày.

- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 68 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).

TÌNH HÌNH ĐIỀU TRỊ

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn).

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 20.172 ca

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.747.462 ca

2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.218 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.938 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 855 ca

- Thở máy không xâm lấn: 136 ca

- Thở máy xâm lấn: 702 ca

- ECMO: 19 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Từ 17h30 ngày 16/01 đến 17h30 ngày 17/01 ghi nhận 179 ca tử vong tại:

Tại TP. Hồ Chí Minh (12) trong đó có 1 ca từ Tiền Giang chuyển đến.

Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (23 ca trong 02 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (15 ca trong 02 ngày), Hà Nội (14), Tiền Giang (11), Vĩnh Long (11), Kiên Giang (11), Tây Ninh (10), Cần Thơ (10), Khánh Hòa (7), Bến Tre (5), Bạc Liêu (5), Bình Phước (4), Cà Mau (4), Trà Vinh (4), Hà Giang (3), Bình Định (3), Sóc Trăng (3), Huế (3), Bình Dương (3), Đắk Lắk (2), Hải Phòng (2), Hòa Bình (2), Phú Yên (2), Đắk Nông (2), Long An (2), Bắc Kạn (1), Lạng Sơn (1), Quảng Ninh (1), Gia Lai (1), Phú Thọ (1), Lâm Đồng (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 180 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.788 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

TÌNH HÌNH XÉT NGHIỆM

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.519.938 mẫu tương đương 76.308.450 lượt người, tăng 39.025 mẫu so với ngày trước đó.

TÌNH HÌNH TIÊM CHỦNG

Trong ngày 16/01 có 897.167 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 168.960.116 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.618.347 liều, tiêm mũi 2 là 72.437.514 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17.904.255 liều.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chấn chỉnh các biện pháp phòng dịch không phù hợp - Ảnh 5.

Minh Ngọc

Tin mới