(Tổ Quốc) - Gian bếp đặc biệt của chị Mai chẳng những “độc nhất vô nhị” quận Hoàn Kiếm bởi những củi lửa, vỏ trấu, vỏ lạc “quê kệch” trên tầng 5 nhà phố, mà còn bởi nó là không gian thư giãn, đón khách rất hiện đại của gia đình chị.
Kết hợp bếp củi “nhà quê” với góc chill của nhà phố
Ký ức về bếp trong bạn là gì? Có thể là bếp điện với may-xo cuộn tròn đỏ rực, trước khi sờ vào nhất định phải lau khô tay nếu không muốn bị giật tê tê. Có thể là mùi khen khét của khói xám bốc lên từ lò than tổ ong, khi bà hoặc mẹ lấy vỏ bưởi, giấy báo nhét vào cửa lò be bé, lấy quạt nan đập phành phạch xuống đất đều tay cho than bén lửa.
Có thể là cái bếp dầu xanh xanh, phải vặn thật cao núm xoay cho bấc nhô lên mà châm đóm vào, rồi phải chỉnh thật khéo để lửa vừa vặn, kẻo bấc tụt sâu quá, phải dỡ cả bếp ra mà khều lên thì thể nào cũng ăn mắng…
Còn với chị Vương Mai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ký ức về bếp là những rơm rạ, tro trấu, những thanh củi khô sẵn có trong vườn nhà được gom vào gian bếp rất nhiều ô thoát khói, là bờ tường đầy những bồ hóng.
Mỗi lần nấu nướng xong, mùi khói bếp ám vào tay, quần áo, tóc và cả trong thức ăn. Nhưng đổi lại, là những nồi cơm chảo gang có vầng cháy dày, giòn tan mà có ấn đi ấn lại nồi cơm điện 3 lần cũng không tạo được; là miếng cá kho được ủ trấu đến nục cả xương; là củ khoai lùi bên ngoài hơi sém nhưng bên trong mềm tan…
Chị hóm hỉnh bảo, mình là người gốc “nhà quê”, sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nên dù sống ở Hà Nội nhiều năm, nhà chồng lại ở một con phố khá sầm uất, hương vị bếp củi vẫn cứ vấn vương mãi trong lòng. Chính những kỷ niệm đẹp với bếp củi trong những năm tháng sống ở quê nhà đã thôi thúc chị Mai xây hẳn một chiếc bếp củi xinh xinh trong ngôi nhà 5 tầng.
Bếp củi trong lòng Hà Nội, nơi chị Mai nấu ra những món ngon dành cho gia đình.
Khi sửa nhà, chị “nhân tiện” tỉ tê với chồng làm thêm khu bếp củi ở tầng thượng để… chơi, mặc dù chị đã có gian bếp “nghìn đô” rất hiện đại, có cả máy rửa bát ở tầng 1. Vốn mê thiên nhiên, thích bày biện hoa theo mùa, trồng cây cối ở ban công nên anh chị đã cải tạo không gian cũ của nhà kho (gần như không mấy ai lên vì chỉ có cầu thang hẹp, nắp sập và… đồ đạc) thành sân thượng rất chill.
Tầng thượng trước là kho để đồ, sau được cải tạo thành nơi nấu nướng phụ và ban công để chơi hoa.
Tầng thượng căn nhà đã được “hô biến” thành không gian thư giãn, tách biệt khỏi sự ồn ào và náo nhiệt của phố phường tấp nập. Bên cạnh bếp củi là “địa hạt” riêng của chị Mai, được thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, khu tầng thượng nhà anh chị được bố trí không gian theo khu rất hợp lý.
Chỉ trong gần 40m2 mà sắp xếp được bếp củi, khu bàn ăn nhìn ra ban công ngập hoa, nhìn xuống dưới đường thông thoáng, có thể xem tivi; khu nhà kho và bồn rửa bát bên trong; bên ngoài là bàn đá sát tường để ngồi chill, thưởng trà, cafe; ngay cạnh là tiểu cảnh với nước róc rách… Tất cả là để ngôi nhà có thêm không khí, gió trời và gần gũi với thiên nhiên.
Khu vực bếp sân thượng này được gia đình chị Mai rất “nghiện” vì không gian vừa tối ưu, phù hợp với nhu cầu thực tế của cuộc sống hiện đại, vừa có sự lắng đọng để lấy lại năng lượng, “chiều chuộng” cảm xúc và thỏa mãn đam mê nấu nướng với bếp củi.
Thi công cầu kỳ, đặt an toàn lên hàng đầu
Việc “nông thôn hóa” cái bếp của một ngôi nhà phố, nghe thì thơ mộng nhưng thực ra chủ nhà đã phải đau đầu để thiết kế. Một phần vì diện tích nhà chị Mai không thể rộng thênh thang như ở quê, phần khác phải tính toán kỹ lưỡng những rủi ro về cháy nổ, khói bụi… Mới đầu, chồng chị gợi ý làm bếp nướng BBQ di động cho tiện, không bị phả hơi nóng xuống tầng 4 (phòng ngủ của anh chị).
Nhưng cân nhắc đủ phương án, họ quyết định sẽ xây bếp đun củi “nghiêm túc”. Chị Mai chia sẻ, căn bếp củi được xây dựa trên ý tưởng của lò sưởi ở phương Tây. “Cả khu tầng thượng này cải tạo hết bao nhiêu tiền thì mình chẳng biết đâu (cười), nhưng riêng cái bếp củi thì khoảng 15 triệu. Mình nhớ con số chính xác vì tất cả bếp được xây bằng vật liệu chịu lửa, 70k/viên gạch, vữa cũng là vữa chịu lửa chứ không phải vữa xây nhà bình thường.
Bếp được xây cách tường, tạo khe thoáng để giảm độ nóng của lò. Khói bếp được dẫn lên mái nhà qua đường ống khói riêng, cao hơn mái 1m. Để an toàn, chồng mình lắp hệ thống “bom” chứa dung dịch chữa cháy ngay cạnh bếp củi, nếu cảm nhận được nhiệt độ lớn hơn 70 độ sẽ vỡ ra ngay. Mỗi tầng cũng đều trang bị bình cứu hỏa nữa” - chị bật mí.
Để bếp củi thật sự là bếp củi, tức là có thể nấu nướng bình thường chứ không phải để trưng, chị Mai về quê “tha lôi” những xoong nồi, chảo, kiềng… - những món đồ bếp “nhọ nhem” bố mẹ chị đã dùng từ hồi ra riêng. Có những món đồ có tuổi đời lớn hơn cả chị, có món “trẻ” đơn chút đỉnh, nhưng đều có lịch sử, có không khí củi lửa từ những ngày xưa.
Khác với những món đồ bếp nghìn đô ở tầng 1, chị khá vất vả để gom đủ dụng cụ cho bếp sân thượng, vì bố mẹ chị đã bỏ bếp củi được một thời gian, đã cho bớt đồ đi. Thấy con gái về lục tung kho, ngắm nghía từng món để mang đi Hà Nội, có khi còn “săn” ở các nhà hàng xóm, bố mẹ chị cứ cười bảo “hâm”.
Nào đã hết, chị còn mang cả vỏ lạc, vỏ trấu, nhặt củi ở quê mang lên làm nhiên liệu. Bìa carton trong nhà cũng được tận dụng để nhóm bếp. “May mà đằng sau một người phụ nữ hâm là một anh chồng hết lòng chiều chuộng cái hâm ấy. Chồng mình chẳng bao giờ phàn nàn khi phải dành chỗ trong cốp ô tô cho mấy thứ lỉnh kỉnh của vợ mỗi lần về quê. Anh còn cùng thiết kế khu treo xoong nồi với mình để tối ưu diện tích nữa”.
Gian bếp củi gắn kết yêu thương
Khi “khoe” gian bếp củi đặc biệt, thú vui của mình trong nhóm Yêu Bếp, bài viết của chị Mai thu hút được lượng tương tác cực cao với hàng chục nghìn like và bình luận. Bên cạnh những thích thú, những lời reo lên như ngưỡng mộ thì cũng có những xì xào kiểu: “Dọn rửa mấy cái xoong nồi này chắc cũng hết ngày”, “Khổ thân hàng xóm nhà chị này thế, ở thành phố mà phải ngửi mùi khói”, “Người ta thành phố hóa nông thôn thì chị lại muốn nông thôn hóa Hà Nội à”...
Chị không đôi co, đáp lời với những lời xôn xao ấy, chỉ tiết lộ rằng mình không mất quá nhiều thời gian khi nấu nướng bằng bếp củi. Việc chụm củi, nhóm bếp chì tốn của chị vài phút. Dọn rửa thì đúng là vất vả hơn một tí, vì dụng cụ đều dính nhọ, không chồng lên nhau được, và đương nhiên không bỏ vào máy rửa bát được. Rửa xong nồi thì phải vệ sinh cả bồn rửa bát nữa. Nhưng bù lại, chị đỡ rất nhiều công lau dọn mặt bếp, đặc biệt khi nấu các món rán, mỡ bắn lung tung thì cũng “chấp” luôn.
Điều tuyệt vời nhất của gian bếp củi này là từ hồi khai lò (đầu tháng 1/2021) đến giờ, chị Mai cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn rất nhiều. Hạnh phúc, chỉ đơn giản là lũ trẻ nhà chị mê tít cái bếp lửa, thích thú giúp mẹ thổi lửa tạo cháy đáy nồi và ăn đẩy hào hứng.
Là con có thể thuyết trình truyện “Cái Tết đầu tiên của mèo con” đầy tự tin vì hiểu cái kiềng là gì, tro bếp là gì. Là Tết rồi chị luộc được 4 nồi bánh chưng cho gia đình và cả order của bạn bè, người thân, mệt phờ người nhưng rộn ràng không khí.
Hạnh phúc, ấy là những “hàng xóm sát vách”, mà thực ra là gia đình chú chồng và bác chồng, thời gian này thích sang nhà anh chị chơi hơn, để ngồi bên bếp củi ăn cơm, rôm rả chuyện trò, tình cảm gắn kết hơn.
Là việc chị liên tục đón các đoàn bạn bè, đặc biệt là các thành viên nhí đến chơi và ăn cơm, mấy món đơn giản thôi nhưng “đắt hàng” đến mức chị phải xếp lịch hẹn. Chị nói đùa, trong 4 tháng qua, anh chị đón khách còn nhiều hơn 9 năm trước đây cộng lại.
Chị gọi bếp củi của nhà mình là căn bếp gắn kết yêu thương, bởi sự rộn rã vui vẻ nó mang lại, bởi không khí rất giống những ngày nhỏ sống ở nông thôn, mọi người thoải mái đến nhà nhau chơi, ăn cơm vui vẻ. Nhiều khi cũng không hẳn là ăn, mà chỉ là uống chén trà, ăn hướng dương, nhâm nhi khoai nướng, vừa trò chuyện vừa ngắm hoa ở ban công.
Những điều ấy, khó có căn bếp hiện đại nào bì được lắm!
Thiên Yết