(Tổ Quốc) - TS Nguyễn Huy Thọ nhận định, phẫu thuật hạ gò má tuy đơn giản, không phức tạp, không ảnh hưởng sức khỏe nhưng trước khi làm cần nắm rõ một số điều sau!
Nếu như một khuôn mặt sở hữu đôi gò má nhô cao được coi là nét đẹp trẻ trung, quyến rũ ở phụ nữ phương Tây thì ở phụ nữ châu Á, điều này hoàn toàn không tốt chút nào cho tướng số, vận mệnh. Từ bao đời nay, người châu Á vẫn giữ nguyên quan niệm khuôn mặt phúc hậu cần có cặp má bầu bĩnh một chút.
Do đó, gò má cao được coi là tướng dữ, "sát chồng", không hợp phong thủy. Nhiều cô gái cảm thấy khá e ngại, nhất là đến giai đoạn trưởng thành, kết hôn. Làm thế nào để có được đôi gò má nhô vừa phải với đường cong mềm mại? Phẫu thuật hạ gò má có thể sẽ hữu ích với nhóm chị em này.
Vậy, phẫu thuật hạ gò má là gì?
Hạ gò má hay còn gọi là thu nhỏ xương gò má là một kỹ thuật phẫu thuật khá phức tạp được thực hiện sau khi bác sĩ phân tích, tính toán chính xác cấu trúc xương gò má, tiến hành phẫu thuật để giảm bớt xương gò má sao cho phù hợp nhất với khuôn mặt.
Phẫu thuật hạ gò má có thể được thực hiện thông qua vết mổ bên trong miệng hoặc phía trước tai, cách khoảng 2cm để cải thiện độ cao của gò má đồng thời hình dạng khuôn mặt cũng thay đổi rõ rệt.
Đối tượng nào phù hợp để tiến hành hạ gò má?
Tất nhiên, đó là những người có xương gò má cao hơn hẳn so với kiểu khuôn mặt, khiến khuôn mặt trở nên mất cân đối, không hài hòa. Khuôn mặt trở nên gồ ghề, to hơn so với kích thước thật của nó. Những người có khuôn mặt như vậy đều có thể tiến hành phẫu thuật hạ gò má.
Đối tượng nào không được tiến hành hạ gò má?
Giả sử, bạn thuộc nhóm người có đủ tiêu chí phẫu thuật hạ gò má như trên nhưng nếu tình trạng toàn thân và tại chỗ không cho phép làm phẫu thuật gây mê thì không được tiến hành hạ gò má. Khách hàng đang ở độ tuổi phát triển cũng không được khuyến cáo để làm phẫu thuật này. Bác sĩ thăm khám sẽ xem xét kỹ hồ sơ, tiền sử bệnh án, lý lịch... trước khi đưa ra quyết định bạn có nên tiến hành hạ gò má hay không.
Phẫu thuật hạ gò má được thực hiện theo quy trình nào?
Theo TS Nguyễn Huy Thọ (Nguyên trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, phẫu thuật hạ gò má đồng nghĩa việc phải cắt dọc xương gò má, cắt bỏ một đoạn ở giữa, tạo thành gò má thấp. Việc này không khó khăn lắm nếu được thực hiện tại các bệnh viện lớn, cơ sở thẩm mỹ uy tín có bác sĩ chuyên phẫu thuật thẩm mỹ. Nguyên nhân là do ở đó có nhiều yếu tố đảm bảo cho một cuộc phẫu thuật như gây mê tốt...
Thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành quy trình thực hiện như sau:
- Tư vấn và tính toán chính xác cấu trúc xương gò má, lên phác đồ phẫu thuật chi tiết.
- Tiến hành gây mê toàn thân.
- Thu nhỏ xương gò má theo đường mổ được xác định ở bước đầu tiên.
- Khâu vết mổ, vệ sinh vết mổ.
- Chăm sóc hậu phẫu cho khách hàng ngay tại bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ.
Chăm sóc cơ thể khi về nhà sau phẫu thuật hạ gò má
- Sau phẫu thuật cần chú ý tránh xa thực phẩm chế biến sẵn, dưa chua, hải sản, đồ cay ít nhất sau 1 tháng phẫu thuật.
- Kiêng bia rượu, hút thuốc ít nhất 1 tháng sau phẫu thuật.
- Chú ý vệ sinh răng miệng để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng, đối với trường hợp phẫu thuật từ khoang miệng.
- Tránh vận động mạnh, tập thể dục, bơi lội... có thể cần phải hoãn lại đợi cơ thể hồi phục hoàn toàn.
- Dùng thuốc và tái khám đúng theo chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.
Phẫu thuật hạ gò má không làm mất máu, không ảnh hưởng đến đường miệng
TS Nguyễn Huy Thọ nhận định, phẫu thuật hạ gò má là một phẫu thuật an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, không làm mất máu và cũng không ảnh hưởng đến đường miệng nên việc ăn uống vẫn diễn ra bình thường. Tất cả chỉ cần đảm bảo kiêng khem, tái khám theo đúng lịch trình mà bác sĩ phẫu thuật chỉ định là bạn có thể sớm có đôi gò má được hạ thấp hơn, nét mặt trở nên hài hòa, hiền hậu hơn.
Phẫu thuật hạ gò má có giá bao nhiêu?
Tùy từng bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ thực hiện, phẫu thuật hạ gò má có thể dao động trong khoảng 20 triệu đồng - phẫu thuật có cắt đoạn xương gò má hoặc 10 triệu đồng - nếu chỉ mài xương gò má.
TH